VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Các nước đang phát triển không muốn bỏ than dù được tài trợ hàng tỷ USD

Các nước đang phát triển không muốn bỏ than dù được tài trợ hàng tỷ USD

17:14 - 04/12/2023

Hai thỏa thuận tài trợ chuyển đổi năng lượng từ các nước giàu dành cho Nam Phi và Indonesia có nguy cơ đổ vỡ.

Các nước giàu muốn tài trợ hàng chục tỷ USD cho các nước nghèo để họ chuyển sang dùng năng lượng sạch – nền tảng của chiến lược toàn cầu nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính ở các nước đang phát triển. Tuần trước, tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2023 (COP28) ở Dubai, Việt Nam và nhóm các nước tài trợ đã thông qua kế hoạch cụ thể cho một gói huy động vốn chuyển đổi năng lượng trị giá 15,5 tỷ USD.

Nhưng hai thỏa thuận tham vọng khác – dành cho Nam Phi và Indonesia – đang có nguy cơ đổ vỡ, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng các nước giàu có thể đẩy các nước phát triển tránh xa than đá và nhiên liệu hóa thạch.

Đây là hai trong số những nền kinh tế dùng nhiều than nhất thế giới, và đang thu lại cam kết của họ về đốt than theo các thỏa thuận được gọi là Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Hai thỏa thuận này mang lại cho họ nguồn vốn tổng cộng 28,5 tỷ USD từ các nước giàu.

Nam Phi và Indonesia là hai trong số những nước dùng nhiều than nhất thế giới.

Nam Phi và Indonesia là hai trong số những nước dùng nhiều than nhất thế giới.

Các yếu tố đang gây nguy hiểm cho các thỏa thuận bao gồm sự phản đối của những chính trị gia ủng hộ than ở hai nước, và lo ngại về khả năng thay thế loại nhiên liệu này cả về mặt kinh tế và kỹ thuật. Một số quan chức Nam Phi và Indonesia cũng cho biết tỷ lệ viện trợ không hoàn lại từ các nước phát triển thấp và hầu hết nguồn vốn đến từ cho vay, khiến họ phải gánh thêm nợ.

Tháng trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết rằng tài trợ khí hậu “nên mang tính xây dựng hơn, không phải dưới dạng các khoản nợ sẽ chỉ làm tăng gánh nặng cho các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển”.

Công ty điện lực nhà nước Nam Phi hoãn kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện than. Indonesia cho biết họ nhiều khả năng không đáp ứng được mức trần phát thải của ngành điện đang được đàm phán trong thỏa thuận vì chưa tính đến hàng nghìn megawatt điện than.

Những bước lùi này cho thấy thách thức to lớn trong việc thay thế than ở các nước không chỉ dựa vào nó để phát điện mà còn tạo việc làm cho hàng chục nghìn thợ mỏ và giúp phát triển kinh tế. Than hỗ trợ nền kinh tế địa phương và một số chính trị gia có quan hệ sâu sắc với các công ty khai thác mỏ và nghiệp đoàn. Các nước đang phát triển cũng cho biết họ cảnh giác với việc thay thế nguồn nhiên liệu đáng tin cậy bằng những công nghệ mới chưa được sử dụng rộng rãi, kể cả ở các nước phát triển.

Khai thác than tạo hơn 90.000 việc làm ở Nam Phi.

Khai thác than tạo hơn 90.000 việc làm ở Nam Phi.

Các nước phát triển cố gắng xoa dịu những lo ngại đó bằng hàng tỷ USD viện trợ không hoàn lại và cho vay lãi suất thấp để xây các dự án năng lượng sạch và tìm việc mới cho thợ mỏ.

Gần đây, để giữ Nam Phi và Indonesia ở lại, họ cho biết đang tìm cách để đảm bảo lượng khí thải của Nam Phi trong ngưỡng theo JETP dù nước này hoãn đóng cửa các nhà máy điện than. Họ cũng sẽ nghiên cứu để tìm nhiên liệu thay thế than trong ngành công nghiệp luyện kim của Indonesia.

Chương trình của Nam Phi nhanh chóng trở thành tâm điểm chỉ trích từ một số chính trị gia nước này – bao gồm bộ trưởng khai thác mỏ và năng lượng Gwede Mantashe –vì làm cho đất nước gánh nhiều nợ hơn và có quá ít viện trợ không hoàn lại. Hồi tháng 5, Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết Nam Phi vẫn cam kết dần từ bỏ sử dụng than, nhưng nhấn mạnh tốc độ chuyển đổi phải phù hợp với kinh tế và xã hội đất nước.

Than là nhiên liệu không thể thiếu của Nam Phi, giúp sản xuất 80% điện và 1/5 nhiên liệu lỏng của nước này. Nam Phi cũng là nhà sản xuất than top 10 toàn cầu. Khai thác than tạo ra hơn 90.000 việc làm tại quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp trên 30%.

Tuy nhiên, việc hoãn đóng cửa các nhà máy than nghĩa là Nam Phi có nguy cơ phá vỡ các cam kết về khí hậu của mình, bao gồm giảm lượng khí thải carbon 5-21% vào năm 2030 so với năm 2020. “Nếu điều này xảy ra, thì chúng tôi không thể tài trợ”, một nhà đám phán từ một nước tài trợ cho biết.

Than là nhiên liệu chủ chốt cho ngành công nghiệp luyện kim của Indonesia.

Than là nhiên liệu chủ chốt cho ngành công nghiệp luyện kim của Indonesia.

Chương trình của Indonesia rơi vào nghi ngờ trong năm nay khi chính phủ nước này cho biết JETP không tính đến một loạt các nhà máy than xây cho các lò luyện kim và những nhà máy khác ở vùng sâu vùng xa, không kết nối với lưới điện. Chính quyền Indonesia dự kiến sẽ cho các doanh nghiệp xây thêm nhiều nhà máy như vậy bất chấp cam kết JETP, như một phần của chiến lược nhằm biến nước này thành một cường quốc luyện niken và coban – hai kim loại cần thiết để sản xuất pin xe điện.

Khi thỏa thuận lần đầu công bố, các nước tài trợ giả định rằng Indonesia sẽ lắp đặt các nhà máy điện không nối lưới có tổng công suất 9.000 MW vào năm 2030. Sau đó, giới chức Indonesia tiết lộ đã có 14.000 MW được xây dựng và kế hoạch là xây thêm 20.000 MW nữa.