VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Apple muốn lắp ráp 1/4 sản lượng iPhone toàn cầu ở Ấn Độ

Apple muốn lắp ráp 1/4 sản lượng iPhone toàn cầu ở Ấn Độ

16:03 - 11/12/2023

Kế hoạch của Apple là lắp ráp hơn 50 triệu chiếc iPhone hàng năm ở Ấn Độ trong vòng 2-3 năm tới, và tăng sản lượng thêm hàng chục triệu đơn vị sau đó.

Apple và các nhà cung cấp của công ty đặt mục tiêu lắp ráp hơn 50 triệu chiếc iPhone hàng năm ở Ấn Độ trong vòng 2-3 năm tới, với kế hoạch lắp ráp thêm hàng chục triệu đơn vị sau đó, theo các nguồn tin của tờ Wall Street Journal.

Nếu đạt được kế hoạch, Ấn Độ sẽ chiếm 1/4 sản lượng iPhone toàn cầu và cao hơn nữa vào cuối thập kỷ này. Trung Quốc sẽ vẫn là nước lắp ráp iPhone lớn nhất.

Trong những năm gần đây, Apple dần tăng cường phụ thuộc vào Ấn Độ bất chấp những thách thức bao gồm cơ sở hạ tầng hạn chế và quy định lao động ngặt nghèo khiến việc lắp ráp khó khăn hơn so với ở Trung Quốc. Các công đoàn lao động có ảnh hưởng lớn ngay cả ở những bang thân thiện với doanh nghiệp và đang cản trở nỗ lực của xin cấp phép ngày làm việc 12 giờ – điều hữu ích với các nhà cung cấp của Apple trong thời kỳ cao điểm.

Nhà máy lắp ráp của Foxconn ở bang Tamil Nadu, Ấn Độ.

Nhà máy lắp ráp của Foxconn ở bang Tamil Nadu, Ấn Độ.

Apple và các nhà cung cấp của họ – dẫn đầu là Foxconn – nhìn chung tin rằng những nỗ lực ban đầu vào Ấn Độ diễn ra suôn sẻ và đang đặt nền móng mở rộng lớn hơn.

Apple là một ví dụ cho các công ty đang lo phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc và tìm cách dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng của mình sang nơi khác, thường là đến Đông Nam Á và Nam Á. Những nỗ lực ngoại giao của Mỹ và các đồng minh nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận công nghệ tiên tiến và thắt chặt quan hệ với New Delhi đẩy nhanh xu hướng này.

Giai đoạn đầu của nhà máy Foxconn đang xây ở bang Karnataka dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 4 năm sau. Nhà máy này đặt mục tiêu lắp ráp 20 triệu điện thoại/năm – chủ yếu là iPhone – trong vòng 2-3 năm tới. Foxconn có kế hoạch xây một siêu nhà máy lắp ráp iPhone khác với công suất tương tự như nhà máy ở Karnataka, mặc dù kế hoạch này vẫn đang ở giai đoạn sơ khai.

Apple cũng chọn Ấn Độ làm địa điểm cho một công đoạn sản xuất những chiếc iPhone cấp thấp hơn bán vào năm 2025. Trong giai đoạn này, được gọi là “giới thiệu sản phẩm mới” (NPI), các nhóm của Apple làm việc với nhà cung cấp để biến các bản thiết kế và nguyên mẫu sản phẩm thành kế hoạch sản xuất cụ thể. Cho đến nay, công đoạn này chỉ được thực hiện ở Trung Quốc.

Những kế hoạch sản xuất trên – cùng với kế hoạch mở rộng tại nhà máy Foxconn hiện có gần Chennai, bang Tamil Nadu, và tại một nhà máy hiện có khác được tập đoàn Tata của Ấn Độ mua lại gần đây – cho thấy Apple dự định đạt công suất lắp ráp 50-60 triệu iPhone ở Ấn Độ hàng năm trong vòng 2-3 năm tới. Sau đó, công suất hàng năm có thể tăng thêm hàng chục triệu đơn vị.

Nhà máy lắp ráp iPhone của Wistron ở Ấn Độ.

Nhà máy lắp ráp iPhone của Wistron ở Ấn Độ.

Theo công ty nghiên cứu Counterpoint, sản lượng iPhone toàn cầu năm ngoái đạt hơn 220 triệu chiếc, một con số ổn định trong những năm gần đây. Vì hầu hết iPhone đều được lắp ráp ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ, nên Trung Quốc sẽ tiếp tục chiếm hơn một nửa sản lượng iPhone.

Ngoài căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, Apple cũng phải đối mặt với những thách thức khác ở Trung Quốc trong năm nay, bao gồm việc chính phủ Trung Quốc yêu cầu một số quan chức không dùng iPhone ở nơi làm việc. Trong khi đó, “yếu tố niềm tin của Ấn Độ rất cao”, theo Bộ trưởng công nghệ thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw.

Năm nay, lần đầu tiên, iPhone do Ấn Độ lắp ráp được bán ra vào ngày đầu tiên mở bán mẫu máy mới nhất trên toàn cầu, chấm dứt tình trạng chậm trễ so với điện thoại do Trung Quốc lắp ráp.

Các chuyên gia chuỗi cung ứng cho biết tiền lương ở Ấn Độ hiện thấp hơn đáng kể so với ở Trung Quốc, nhưng những chi phí khác như vận chuyển vẫn cao hơn, và các công đoàn đôi khi phản đối những thay đổi về quy định mà doanh nghiệp mong muốn.