VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Việt Nam, muốn hai nước “chia sẻ tương lai”

Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Việt Nam, muốn hai nước “chia sẻ tương lai”

15:58 - 12/12/2023

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam cho biết chuyến thăm có thể đi kèm việc ký kết hàng chục văn kiện hợp tác.

Ngày 12/12, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Việt Nam kéo dài hai ngày để nâng cấp quan hệ giữa hai nước, chỉ 3 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Hà Nội.

Trong chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam sau 6 năm, ông Tập được Thủ tướng Phạm Minh Chính chào đón tại sân bay Nội Bài.

“Tương lai của châu Á nằm trong tay người dân châu Á chúng ta”, ông Tập viết trong một bài đăng trên báo Nhân Dân ngay trước chuyến thăm.

Trong bài đăng, ông sử dụng cụm từ “cộng đồng chia sẻ tương lai” để nói về tầm nhìn của mình cho quan hệ giữa hai nước.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam chỉ 3 tháng sau chuyến đi tương tự của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam chỉ 3 tháng sau chuyến đi tương tự của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Đồng thời, ông cảnh báo về “chủ nghĩa bá quyền” có xu hướng gia tăng trên thế giới, dường như ám chỉ về Mỹ.

Trung Quốc thường sử dụng cụm từ “định mệnh chung” hoặc “chia sẻ tương lai” để nói về mục đích chính sách ngoại giao của mình. Theo Reuters, các quan chức và nhà ngoại giao cho biết tranh cãi về việc sử dụng cụm từ này khiến chuyến đi của ông Tập được thực hiện muộn hơn so với dự định ban đầu, có thời điểm được lên lịch trước cả chuyến thăm của ông Biden.

“Hàng chục văn kiện hợp tác”

Ngoài việc mà Bắc Kinh có thể xem là nâng cấp quan hệ, chuyến thăm của ông Tập sẽ đi cùng với việc ký kết “hàng chục văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực”, báo Tuổi Trẻ dẫn lời đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba.

Các thỏa thuận hợp tác dự kiến bao gồm khoản đầu tư của Trung Quốc để nâng cấp tuyến đường sắt nối hai nước. Ông Hùng cho biết Trung Quốc sẵn sàng cung cấp viện trợ không hoàn lại cho việc này.

Thúc đẩy liên kết giao thông sẽ cho phép Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn sang Trung Quốc, đặc biệt là nông sản, khi Bắc Kinh muốn hội nhập hơn nữa miền Bắc Việt Nam với mạng lưới chuỗi cung ứng phía Nam Trung Quốc.

Trong năm nay, các công ty Trung Quốc đẩy nhanh dịch chuyển một số hoạt động sang Việt Nam để giảm rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và giảm mức độ chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế đang yếu đi của Trung Quốc.

Mạng lưới đường sắt mạnh hơn sẽ tăng tốc độ nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc để lắp ráp tại Việt Nam, đồng nghĩa với việc mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Trong bài viết của mình, ông Tập kêu gọi thúc đẩy hợp tác trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nhắc đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam cũng nhắc đến kết nối Internet giữa hai nước, có thể ám chỉ dự án Con đường tơ lụa kỹ thuật số của nước này – một chương trình thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, tập trung vào cơ sở hạ tầng viễn thông như cáp quang và trung tâm dữ liệu ở các nước thân thiện.

“Tôi cho rằng cả hai nước chúng ta cũng cần phải tăng cường kết nối và liên thông trên đường bộ, đường biển, hàng không cũng như trên mạng Internet”, ông Hùng nói.

Hệ thống cáp Internet dưới biển của Việt Nam gặp một số vấn đề trong năm nay. Huawei – một trong những công ty phát triển mạng 5G lớn nhất thế giới – cũng có thể giúp Việt Nam triển khai mạng 5G trong nước. Hồi tháng 10, tại diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng kêu gọi thúc đẩy hợp tác về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Trong bài viết của minh, ông Tập kêu gọi hai nước hợp tác rộng hơn về an ninh, kết nối giao thông, năng lượng sạch và khoáng sản then chốt. Các loại khoáng sản then chốt mà hai nước có cơ hội hợp tác bao gồm đất hiếm – lĩnh vực mà Trung Quốc là nước tinh chế hàng đầu thế giới và Việt Nam có trữ lượng ước tính lớn thứ hai chỉ sau nước láng giềng.