VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Lo bị tấn công, các hãng vận tải biển tránh đi qua Biển Đỏ

Lo bị tấn công, các hãng vận tải biển tránh đi qua Biển Đỏ

10:51 - 20/12/2023

Sau hàng chục cuộc tấn công vào tàu buôn của phiến quân Houthi ở Yemen do Iran hậu thuẫn, Mỹ công bố thành lập lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia để bảo vệ tuyến đường biển quan trọng qua Biển Đỏ. Lo ngại khiến các hãng vận tải biển chuyển hướng tàu của mình đi vòng qua phía nam châu Phi.

Vài giờ sau khi Mỹ công bố thành lập lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia để bảo vệ vận tải thương mại qua Biển Đỏ, hãng vận tải khổng lồ A.P. Moller-Maersk thông báo sẽ đưa tất cả tàu của mình đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi. Động thái này gửi đi thông điệp rõ ràng: Các hãng vận tải biển, dầu mỏ và bảo hiểm vẫn lo lắng về khả năng xảy ra gián đoạn trên một trong những tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới.

Tuần này, các cuộc tấn công vào tàu buôn của lực lượng Houthi ở Yemen – một nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn – tiếp tục xảy ra. Các cuộc tấn công chủ yếu diễn ra gần đầu phía nam của Biển Đỏ, được gọi là Bab el-Mandeb, hay Cổng Nước mắt. Mối đe dọa gia tăng khiến nhiều công ty vận tải biển lớn của thế giới phải tìm tuyến đường thay thế.

Lo ngại gián đoạn dòng chảy thương mại có thể làm lạm phát bùng lên trở lại, Mỹ cho biết trong tuần này rằng hải quân của họ sẽ dẫn đầu một lực lượng đa quốc gia để ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi.

Phản ứng thận trọng của Maersk cho thấy vẫn còn nhiều thách thức địa chính trị và logistics, theo các chuyên gia và nhà phân tích ngành vận tải biển.

Dải nước – nối giữa Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương – kéo dài từ Kênh đào Suez ở phía bắc đến Bab el-Mandeb ở phía nam. Hai eo biển – cùng với một đường ống của Ai Cập – vận chuyển khoảng 12% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển của thế giới và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng. Hơn 20% container hàng hóa của thế giới đi qua Suez.

Phiến quân Houthi ở Yemen trên bờ Biển Đỏ.

Phiến quân Houthi ở Yemen trên bờ Biển Đỏ.

Lực lượng đặc nhiệm sẽ hộ tống các tàu riêng lẻ hoặc nhóm tàu đi qua Biển Đỏ ở tốc độ thấp. Lực lượng này sẽ đối mặt với thách thức mới so với những đội hộ tống trước đây, thường giúp ngăn chặn các cuộc tấn công của cướp biển sử dụng xuồng cao tốc ngoài khơi Vịnh Guinea và Tây Phi.

Trong khi đó, Houthi dường như sở hữu kho tên lửa và máy bay không người lái. Các nhà phân tích cho biết máy bay không người lái – mặc dù ít nguy hiểm hơn tên lửa nếu chúng vượt qua hệ thống phòng thủ – có thể khó bắn hạ.

Không giống như trong chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980, lượng tàu qua Biển Đỏ hiện quá lớn để có thể dựa hoàn toàn vào các tàu hộ tống, theo Gene Moran – một cựu đại tá hải quân Mỹ. Ông dự đoán Mỹ sẽ sớm phải tấn công các mục tiêu của Houthi trên bộ.

Trung Quốc – không tham gia vào lực lượng đặc nhiệm – sở hữu nhiều tàu đi qua khu vực. Cố vấn an ninh Nhà Trắng John Kirby kêu gọi Bắc Kinh gây áp lực lên Iran để buộc Houthi dừng tấn công tàu thương mại.

Trong các nước Trung Đông, chỉ có Bahrain tham gia lực lượng đặc nhiệm, trong khi Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có thể chịu tổn thất đáng kể nếu các chuyến tàu chở dầu của họ đến châu Âu bị gián đoạn. Năm 2015, hai nước này dẫn đầu một liên minh quân sự Ả Rập can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen, khi nước này bị chia cắt giữa lực lượng phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn ở miền bắc, và chính quyền được quốc tế công nhận ở miền nam.

Trong một tuyên bố bằng tiếng Anh ngày 19/12, một người phát ngôn của Houthi cho biết phong trào này chỉ tấn công các tàu có liên quan đến Israel. Theo Lầu Năm Góc, trong hơn 10 tàu bị tấn công kể từ giữa tháng 11, có các tàu treo cờ Bahamas, Hong Kong, Liberia, Na Uy và Panama; sở hữu bởi các công ty ở Bermuda, Canada, Ireland, Nhật Bản và Na Uy; và trên đường tới Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út và Singapore.

Nếu không đi qua Biển Đỏ, các tàu sẽ đi vòng quanh Mũi Hảo Vọng. Điều này làm tăng đáng kể thời gian di chuyển. Stephen Gordan – trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty tư vấn Clarksons – cho biết một hành trình từ châu Á đến Bắc Âu đi vòng qua phía nam châu Phi mất 40 ngày, so với 31 ngày nếu đi qua Suez.

Tuyến đường dài cũng tiêu thụ gấp đôi nhiên liệu, làm tăng thêm chi phí cho mỗi hành trình. Các công ty vận tải chuyển chi phí cao hơn đến chủ hàng và cuối cùng là người tiêu dùng.

Nguy cơ ở Biển Đỏ bắt đầu gây ảnh hưởng lên thị trường năng lượng trong tuần này, khi đại gia dầu mỏ BP thông báo không cho các tàu mà họ sở hữu hoặc thuê chuyến đi qua tuyến đường này. Giá dầu thô chuẩn Brent tăng liên tiếp 2 ngày qua lên gần 80 USD/thùng.

Lượng dầu thô và xăng dầu đi qua kênh đào Suez theo cả hai hướng đã giảm một nửa kể từ tháng 9 xuống còn khoảng 3,4 triệu thùng/ngày, theo Viktor Katona – nhà phân tích tại Kpler. “Người ta không tự nhiên gọi nó là Cổng Nước mắt”, ông nói.