VNReport»Kinh tế»Tài chính»Các ngân hàng trung ương lớn dừng tăng lãi suất, báo hiệu lạm phát trong tầm kiểm soát

Các ngân hàng trung ương lớn dừng tăng lãi suất, báo hiệu lạm phát trong tầm kiểm soát

16:02 - 21/12/2023

Các ngân hàng trung ương của Mỹ, EU và Anh đều giữ nguyên lãi suất trong các cuộc họp tuần trước, và được kỳ vọng sẽ giảm lãi suất trong năm 2024.

Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới giữ nguyên lãi suất, có vẻ như để chuẩn bị cho sự kết thúc của thời kỳ lạm phát cao. Những động thái này đánh dấu bước ngoặt cho nền kinh tế toàn cầu đã chịu áp lực lãi suất và lạm phát cao trong nhiều tháng, cũng như tăng trưởng thấp ở các nước ngoài Mỹ.

Trong những tháng gần đây, lạm phát giảm nhanh hơn kỳ vọng và dấu hiệu thị trường lao động hạ nhiệt khiến các ngân hàng trung ương từ Mỹ đến châu Âu suy nghĩ lại về việc để lãi suất ở mức cao trong thời gian dài.

“Hiện tại, rõ ràng [các ngân hàng trung ương] nghĩ rằng lạm phát về cơ bản trong tầm kiểm soát”, theo Carsten Brzeski – trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu ở ngân hàng ING.

Ngân hàng Anh giữ nguyên lãi suất trong 3 cuộc họp liên tiếp.

Ngân hàng Anh giữ nguyên lãi suất trong 3 cuộc họp liên tiếp.

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ lãi suất tiền gửi của họ ở mức 4% trong cuộc họp thứ hai liên tiếp. ECB cũng hạ dự báo lạm phát cho năm tới và cho biết sẽ tăng tốc độ kết thúc chương trình kích thích đại dịch. Đáng chú ý, ngân hàng này cũng bỏ một cụm từ có trong tuyên bố trước rằng “lạm phát dự kiến sẽ duy trì quá cao trong thời gian quá dài”.

Quyết định này được đưa ra một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang và dự đoán sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024.

Ngân hàng Anh tỏ ra thận trọng hơn, nói rằng thời điểm hiện tại là quá sớm để tính đến cắt giảm lãi suất, dù cũng giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp thứ ba liên tiếp.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết ngân hàng này vẫn chưa thảo luận về cắt giảm lãi suất, nhưng không loại trừ khả năng giảm khoảng 1,5 điểm phần trăm trong năm tới – mức cắt giảm mà thị trường tài chính đang dự báo.

Kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sắp tuyên bố chiến thắng trước đợt lạm phát nghiêm trọng nhất kể từ thập niên 1970 và bắt đầu hạ lãi suất đã châm ngòi cho đợt tăng trên diện rộng của các tài sản bao gồm cổ phiếu và vàng.

Mặc dù chu kỳ tăng lãi suất này có vẻ như đã kết thúc, nếu không có diễn biến bất ngờ nào, nhưng tác động của lãi suất cao hơn sẽ lan tỏa trong nền kinh tế trong nhiều tháng tới. Ví dụ, lãi suất cho vay và thế chấp thường cần một thời gian mới được điều chỉnh.

Điều đó tạo ra rủi ro cho các ngân hàng trung ương: Nếu lãi suất giữ ở mức cao quá lâu, nó sẽ gây thiệt hại không cần thiết cho nền kinh tế và thị trường lao động. Khi lạm phát giảm, lãi suất thực (lãi suất trừ đi lạm phát) tự tăng lên, nghĩa là các ngân hàng trung ương phải giảm lãi suất để giữ nguyên chính sách tiền tệ.

“Chúng tôi hiểu về rủi ro giữ [lãi suất cao] quá lâu”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu vào tuần trước. “Chúng tôi rất tập trung để không phạm sai lầm đó”.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giới hoạch định chính sách cũng lo ngại lạm phát tăng trở lại nếu họ “nhả phanh” quá sớm, đặc biệt sau khi phải tăng lãi suất đặc biệt nhanh vào năm ngoái vì phản ứng quá chậm trước lạm phát cao. Họ cảnh báo rằng “chặng cuối” – đưa lạm phát từ 3% về mục tiêu 2% – có thể là giai đoạn khó khăn nhất.