VNReport»Top»10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2023

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2023

16:23 - 25/12/2023

Chiến tranh ở Trung Đông và châu Âu là những sự kiện thế giới nổi bật nhất trong năm 2023. Trong khi đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chuyển động theo hướng ngược nhau, và trí tuệ nhân tạo trở thành “từ khóa” của năm.

  1. Chiến tranh Israel-Hamas

Ngày 7/10, hàng trăm tên khủng bố thuộc lực lượng Hồi giáo cực đoan Hamas tràn vào Israel thông qua biên giới từ Gaza, giết chết khoảng 1.200 người và bắt khoảng 240 người làm con tin. Đây là vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử Israel, gây chấn động thế giới.

Phản ứng với vụ khủng bố này, Israel thề tiêu diệt Hamas, tiến hành không kích vào Gaza và sau đó xâm lược miền bắc Gaza. Cuối tháng 11, hai bên đồng ý tạm dừng chiến tranh để khoảng 100 con tin được thả. Sau đó, giao tranh trở lại và quân đội Israel tiến vào miền nam Gaza.

Chính quyền Gaza do Hamas kiểm soát ước tính khoảng 20.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc chiến.

  1. Cuộc phản công bế tắc của Ukraine

16 tháng sau khi bị Nga xâm lược, vào đầu tháng 6 năm nay, Ukraine phát động cuộc phản công được mong đợi từ lâu, sử dụng nhiều loại vũ khí hiện đại do phương Tây sản xuất.

Dù các bên chịu tổn thất nặng nề, chiến tuyến hầu như không di chuyển. Quân Nga đã chuẩn bị các tuyến phòng thủ sâu vào mùa đông và mùa xuân trước đó. Phía Nga dường như đang trông chờ vào lợi thế từ dân số và kinh tế lớn hơn trong một cuộc chiến tranh tiêu hao, đặc biệt khi có một số dấu hiệu cho thấy các chính khác phương Tây muốn giảm viện trợ cho Kyiv.

  1. Cuộc nổi dậy Wagner

Ngày 23/6, Tập đoàn Wagner – một công ty quân sự tư nhân do Chính phủ Nga tài trợ – tổ chực cuộc nổi dậy sau giai đoạn căng thẳng gia tăng giữa lãnh đạo Wagner, Yevgeny Prigozhin, và Bộ Quốc phòng Nga.

Sau khi chiếm một vài thành phố, Wagner tiến quân đến Moscow. Trước khi họ đến thủ đô, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm trung gian cho một thỏa thuận theo đó Wagner đồng ý chấm dứt cuộc nổi dậy.

Đây là thách thức lớn nhất đối với quyền lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong 2 thập kỷ. Đúng 2 tháng sau, ông Prigozhin thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay cùng với các lãnh đạo cấp cao khác của Wagner.

  1. Kinh tế Trung Quốc hồi phục yếu

Sau năm 2022 cực kỳ khó khăn với các hạn chế Covid, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ như ở nhiều nơi khác sau khi tái mở cửa. Nhưng sự phục hồi chậm chạp trong năm 2023 báo hiệu những khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt trong dài hạn, bao gồm mức nợ cao, chi tiêu tiêu dùng kém, chính sách kìm kẹp doanh nghiệp tư nhân và quan hệ xấu đi với phương Tây.

Trong 3 quý đầu năm, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ năm 2022 – tốc độ thấp hơn nhiều so với các năm trước Covid. Nước này cũng rơi vào giảm phát trong những tháng cuối năm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vượt 20%.

  1. Kinh tế Mỹ tiến gần tới “hạ cánh mềm”

Trong khi đa số các nước giàu rơi vào suy thoái hoặc tăng trưởng chậm do tăng lãi suất để chống lạm phát, kinh tế Mỹ lại đạt được thành tích tốt hơn hầu hết dự báo.

Năm ngoái, để chống lại lạm phát cao kỷ lục, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất nhanh chóng, khiến các nhà kinh tế dự báo Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay, khi lãi suất cao bắt đầu “ngấm” vào nền kinh tế. Nhưng nhờ mức chi tiêu cao của người tiêu dùng, nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tăng trưởng lần lượt 2,2%, 2,1% và 5,2% trong 3 quý đầu năm.

Trong khi đó, lạm phát liên tục giảm trong năm 2023, từ 6,4% vào tháng 1 xuống còn 3,1% vào tháng 11. Điều này thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ đưa kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” thành công, điều mà ít người dự đoán chỉ một năm trước.

  1. Hy vọng và nguy cơ từ trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (AI) có lẽ là “từ khóa” của năm 2023, sau khi ChatGPT tạo ra một cơn sốt AI toàn cầu. Chatbot này – được xây dựng trên một loại hệ thống AI tiên tiến gọi là AI sáng tạo (generative AI) – có khả năng trả lời, viết thơ, viết bài luận và viết mã máy tính gần giống như con người.

Sự chú ý đổ dồn vào AI dẫn đến những cuộc tranh luận sôi nổi về tiềm năng cũng như rủi ro của công nghệ này. Những người lạc quan cho rằng AI có thể tạo ra đột phá khoa học với tốc độ chưa từng có trên nhiều lĩnh vực, từ toán học đến y học. Những người bi quan cảnh báo rằng AI đang phát triển nhanh hơn khả năng đánh giá và kiểm soát các tác hại tiềm tàng của nó, từ tình trạng thất nghiệp hàng loạt đến sự tuyệt chủng của loài người.

  1. Thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Đầu giờ sáng ngày 6/2, một trong những trận động đất kinh hoàng nhất lịch sử đã san phẳng toàn bộ các thành phố ở đông nam Thổ Nhĩ Kỹ, giết chết hơn 50.000 người ở nước này và hơn 8.000 người khác ở nước láng giềng Syria.

Với cường độ 7,8, đây là trận động đất lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939, có thể cảm nhận được từ Ai Cập và đi kèm hơn 30.000 dư chấn trong 3 tháng sau đó. Đây là trận động đất gây thiệt hại lớn nhất về sinh mạng trên toàn cầu kể từ thảm họa ở Haiti năm 2010. Thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 150 tỷ USD ở Thổ Nhĩ Kỳ và 15 tỷ USD ở Syria.

  1. Ấn Độ trở thành nước đông dân nhất thế giới

Cho đến trước năm nay, Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới trong hơn hai thế kỷ. Nhưng nước này đã bị Ấn Độ vượt qua, theo ước tính của Liên Hợp Quốc. Sự đổi ngôi báo hiệu thay đổi lớn trong trật tự thế giới.

Với dân số khổng lồ và ngày càng tăng, Ấn Độ sẽ có vai trò lớn hơn trong nền kinh tế và chính trị thế giới, dù vẫn còn nhiều vấn đề trong nước như nghèo đói và thiếu việc làm. Cùng lúc, Trung Quốc – với dân số giảm trong năm 2022 và dự báo tiếp tục giảm sau đó – sẽ khó đạt được tham vọng thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

  1. Các cuộc đảo chính ở châu Phi

Làn sóng đảo chính ở các nước châu Phi nói tiếng Pháp tiếp tục trong năm 2023, với Niger và Gabon là hai nước mới nhất lật đổ các chính phủ dân cử.

Ở Niger, quân đội nước này phế truất tổng thống vào tháng 7, buộc Pháp phải rút cả đại sứ và quân chống khủng bố của mình khỏi Niger. Trong khi đó, vào tháng 8, tổng thống của Gabon cũng bị lật đổ sau một cuộc bầu cử mà quân đội và phe đối lập tuyên bố là gian lận.

  1. Cuộc đua vũ trụ mới

Các quốc gia và doanh nghiệp tiếp tục đặt cược lớn vào vũ trụ, bao gồm sự chú ý đặc biệt dành cho Mặt Trăng. Tháng 8, nỗ lực thám hiểm của Nga thất bại khi tàu đổ bộ đâm vào bề mặt Mặt Trăng. Chỉ vài ngày sau, Ấn Độ trở thành nước thứ tư đáp được một phương tiện không người lái lên Mặt Trăng, và nước đầu tiên đáp lên cực nam Mặt Trăng.

Trung Quốc và Mỹ cũng có các chương trình Mặt Trăng đầy tham vọng, với NASA đặt mục tiêu đưa phi hành gia trở lại nơi này vào năm 2025. Trong khi đó, những công ty tư nhân như SpaceX và Blue Origin ngày càng đóng vai trò lớn trong các hoạt động ở vũ trụ.