VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Vé máy bay đêm ế khách vì tưởng rẻ mà không rẻ

Vé máy bay đêm ế khách vì tưởng rẻ mà không rẻ

16:14 - 18/06/2024

Các chuyến bay nội địa giờ đêm khuya có giá rẻ hơn 250.000-400.000 đồng nhưng du khách phải chi tiền thêm cho 1 đêm ở khách sạn và chịu nhiều bất tiện khi di chuyển.

Các hãng hàng không Việt Nam đều đang tăng cường các chuyến bay đêm trong bối cảnh thiếu máy bay khiến giá vé các chặng nội địa tăng cao. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp hữu hiệu vì kéo theo nhiều bất tiện cho các đơn vị lữ hành và du khách.

Vé máy bay đêm rẻ hơn 300.000 đồng

Theo khảo sát của Tri Thức – Znews, tại ngày 17/6, giá vé máy bay khứ hồi giai đoạn 27-30/6, các chuyến bay đêm không quá hấp dẫn so với các chuyến bay ban ngày.

Ở chặng TP HCM – Hà Nội, giá vé của Vietjet là 2,9 triệu đồng/khứ hồi cho các chuyến bay từ 23h25 đến 3h sáng hôm sau, chỉ rẻ hơn 300.000 đồng so với các chuyến bay thông thường, khung giờ đẹp. Tương tự, giá vé máy bay đêm của Vietnam Airlines cũng ở mức 3,9 triệu đồng, rẻ hơn cũng 300.000 đồng so với các chuyến bay khác trong ngày.

Chặng TP HCM – Đà Nẵng, giá vé bay đêm của Vietjet ở mức 2,1 triệu đồng, rẻ hơn 250.000 đồng so với các chuyến bay khung giờ thuận tiện đi lại, di chuyển hơn. Trong khi đó, các chuyến bay đêm của Vietnam Airlines ở chặng này gần như không có sự khác biệt về giá với các chuyến bay trong ngày, đều ở mức 2,7-3,1 triệu đồng.

Giá vé chặng TP HCM – Hà Nội các chuyến bay đêm chỉ rẻ hơn các khung giờ khác khoảng 300.000 đồng.

Giá vé chặng TP HCM – Hà Nội các chuyến bay đêm chỉ rẻ hơn các khung giờ khác khoảng 300.000 đồng.

Tại chặng TP HCM – Phú Quốc, các chuyến bay đêm của Vietnam Airlines hiện có giá 2,1 triệu đồng, thấp hơn đáng kể so với các chuyến bay giờ đẹp ở mức 2,4-2,7 triệu đồng. Trong khi đó, mức giá của Vietjet trong mọi khung giờ đều dao động trong khoảng 2,5-2,7 triệu đồng.

Chia sẻ tại hội thảo về hàng không, du lịch gần đây, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết trong tháng 5, hãng đã phải hủy 10% chuyến bay đêm do không có khách.

Nguyên nhân của việc bay đêm “ế” khách là giá vé rẻ hơn nhưng khách hàng sẽ mất thêm một đêm ở khách sạn. Bên cạnh đó, các điểm đến chưa đáp ứng về hạ tầng giao thông công cộng để di chuyển vào ban đêm.

Chị Bình An – chủ một đại lý vé máy bay tại TP HCM – cho biết vì vé máy bay khung tối muộn hoặc sáng sớm chưa có mức giá hấp dẫn so với các khung giờ khác nên rất khó bán.

“Mức giá chỉ chênh lệch chưa tới 500.000 đồng rất khó thuyết phục hành khách bay đêm. Chỉ có 10-20% khách hàng chấp nhận bay vào các khung giờ này, chủ yếu là khách cần đi công việc gấp, không phải khách du lịch”, chị Bình An khẳng định.

“Tưởng rẻ mà không rẻ”

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Marketing và Truyền thông Công ty TSTourist, cho hay ngành du lịch không “ưng” bay quá trễ vì sẽ phát sinh thêm chi phí khách sạn. Do đó, cần có sự hợp tác giữa hãng bay với khách sạn, công ty lữ hành để xây dựng giá vé có khung giờ tốt cho khách đoàn, bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên nhưng không tạo sự bất tiện cho khách.

Ví dụ, khách sạn và hàng không có thể triển khai combo cho nhóm 8-10 hoặc 10-15 khách với giá kích cầu, giờ bay hợp lý. Sau đó, công ty lữ hành mua combo để bán cho những vị khách có nhu cầu.

Đồng quan điểm, ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Marketing Công ty Du Lịch Việt, cho biết các chuyến bay đêm tưởng rẻ nhưng lại không rẻ. Đơn cử, bay đêm có thể tiết kiệm khoảng 600.000-800.000 đồng cho 2 người nhưng lại tốn thêm một đêm khách sạn và những chi phí như ăn sáng, di chuyển.

Vị này khẳng định các chuyến bay đêm đã thể hiện nỗ lực của ngành hàng không nhưng không phải là giải pháp toàn diện, hỗ trợ cho ngành du lịch.

Hàng không cần có sự hợp tác với các công ty lữ hành để khai thác hiệu quả các chuyến bay đêm. Ảnh: Chí Hùng.

Hàng không cần có sự hợp tác với các công ty lữ hành để khai thác hiệu quả các chuyến bay đêm. Ảnh: Chí Hùng.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel, thì khẳng định không có khách nào bay đêm. “Du lịch là thị trường của người có tiền, bắt người ta bay đêm, khổ cực thế ai mà đi, khác gì tiêu diệt sinh lực lẫn nhau. Chúng ta phải thực tế và thực dụng”, ông nói.

Theo Chủ tịch Vietravel, bay đêm chỉ có thể bán được nếu bay charter, tận dụng nguồn lực của các hãng hàng không để các hãng du lịch thiết kế chuyến bay xa và tận dụng đêm đầu tiên để đỡ chi phí.

Để khắc phục tình trạng này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đưa giải pháp với các doanh nghiệp khách sạn nên áp dụng chính sách nhận, trả phòng linh hoạt, không nên cứng nhắc như hiện nay là nhận phòng sau 14h và trả phòng trước 11h.

Ông Chính dẫn chứng: “Hiện nay có một chuỗi khách sạn đã áp dụng phương thức nhận, trả phòng linh hoạt cho khách đặt chỗ trực tiếp theo nguyên tắc khách hàng được ở 24 giờ. Nghĩa là nếu khách nhận phòng lúc 19h hôm trước thì có thể trả phòng lúc 19 giờ hôm sau mà không phải trả thêm phí trả phòng muộn”.

Theo: https://znews.vn/ve-may-bay-dem-e-khach-vi-tuong-re-ma-khong-re-post1481419.html