VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Mỹ không nâng cấp Việt Nam lên “nền kinh tế thị trường”

Mỹ không nâng cấp Việt Nam lên “nền kinh tế thị trường”

10:31 - 05/08/2024

Bộ Thương mại Mỹ cho biết lý do đưa ra quyết định là “sự can thiệp sâu rộng của chính phủ vào nền kinh tế”, mặc dù “Việt Nam đã có những cải cách đáng kể trong 20 năm qua”.

Mỹ từ chối đề nghị của Việt Nam được công nhận là “nền kinh tế thị trường”, cản trở nỗ lực ngoại giao của Hà Nội nhằm tăng cường quan hệ thương mại với thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của mình, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng có ảnh hưởng như một địa điểm sản xuất thay thế cho Trung Quốc.

Nếu được nâng cấp từ quy chế “nền kinh tế phi thị trường” hiện tại, Việt Nam sẽ được giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm như tôm vào Mỹ.

Mỹ đánh giá Việt Nam là “nền kinh tế phi thị trường” kể từ năm 2002 do sự can thiệp của nhà nước vào thương mại, giá cả và tiền tệ, cùng quy chế với Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và 9 nước khác. EU cũng công nhận Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường.

Nhưng khi Việt Nam nổi lên như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu cho các công ty phương Tây tìm cách đa dạng hóa hoạt động của mình ra khỏi Trung Quốc, thì nỗ lực để nâng cấp cũng được xúc tiến.

Trong yêu cầu trình lên Bộ Thương mại Mỹ vào tháng 9/2023, Việt Nam đã yêu cầu Washington xem xét lại quy chế, với lý do “các cải cách kinh tế đã được thực hiện trong những năm gần đây”.

Ngày 2/8, Bộ Thương mại Mỹ cho biết quyết định giữ nguyên quy chế nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam được đưa ra sau khi đánh giá kỹ lưỡng bình luận từ các ngành trong nước và chính phủ Việt Nam.

“Mặc dù Việt Nam đã có những cải cách đáng kể trong 20 năm qua, nhưng sự can thiệp sâu rộng của chính phủ vào nền kinh tế Việt Nam đã làm biến dạng giá cả và chi phí của Việt Nam”, Bộ Thương mại cho biết trong một tuyên bố.

Cùng với 12 nước khác, Việt Nam bị Mỹ xếp quy chế “nền kinh tế phi thị trường”.

Cùng với 12 nước khác, Việt Nam bị Mỹ xếp quy chế “nền kinh tế phi thị trường”.

Bộ Công Thương Việt Nam cho biết trong một tuyên bố rằng họ “lấy làm tiếc” về quyết định của Mỹ đồng thời nói thêm: “Nếu Bộ Thương mại xem xét hồ sơ và hoạt động tại Việt Nam một cách khách quan và công bằng, họ đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường”.

Bộ Công Thương cho biết sẽ gửi một yêu cầu khác tới Mỹ để xem xét lại quy chế, nhưng không nói rõ thời điểm thực hiện.

Việt Nam nổi lên là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ ​​căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, với các công ty chuyển cơ sở sản xuất sang đây trong nỗ lực tránh gián đoạn do địa chính trị.

Việt Nam cũng đã củng cố quan hệ với Mỹ, điều được dùng làm đòn bẩy để theo đuổi quy chế kinh tế thị trường. Yêu cầu của Việt Nam đối với Bộ Thương mại được đưa ra chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, trong đó hai nước đã nâng cấp quan hệ lên ” đối tác chiến lược toàn diện”, cấp độ quan hệ ngoại giao cao nhất của Việt Nam.

Các quan chức cấp cao của Việt Nam, bao gồm cả Thủ tướng, cũng đã đưa ra yêu cầu này. Đầu năm nay, ông Nguyễn Quốc Dũng, đại sứ Việt Nam tại Mỹ, phát biểu rằng nếu Washington không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, “thì sẽ rất, rất tệ cho cả hai nước”.

Tuy nhiên, nỗ lực của Việt Nam vấp phải sự phản đối của một số nghị sĩ Mỹ, các doanh nghiệp sản xuất thép, tôm, mật ong và những ngành khác về điều mà họ gọi là các hoạt động thương mại không công bằng và sự can thiệp sâu rộng của chính phủ. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp bán lẻ và một số ngành khác ủng hộ nâng cấp quy chế cho Việt Nam.

Vào tháng 7, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton thúc giục Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo không chấp thuận yêu cầu của Việt Nam, với lý do “tiền tệ bị kiểm soát, thiếu quyền của người lao động và sự can thiệp sâu rộng của nhà nước”. 6 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khác đã đồng ký vào bức thư.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, các hoạt động kinh tế phi thị trường của nước này đã vi phạm cạnh tranh công bằng và thương mại hợp pháp”, các thượng nghị sĩ viết.

Đầu năm nay, một nhóm thượng nghị sĩ khác bao gồm các đảng viên Dân chủ Elizabeth Warren và Bernie Sanders cũng phản đối quy chế kinh tế thị trường, với lý do Mỹ đã ban hành hơn 20 lệnh chống bán phá giá đối với Việt Nam và các cuộc điều tra bán phá giá đang diễn ra.

Thuy Anh Nguyen, thuộc công ty quản lý tài sản Dragon Capital, cho biết đây là quyết định bất ngờ khi Washington đã có những động thái để thắt chặt quan hệ với Việt Nam trong vài năm gần đây, bao gồm những chuyến thăm cấp cao và các tuyên bố.

Murray Hiebert – một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington – gọi quyết định này là “vô lý”. Ông cho rằng thị trường Việt Nam tự do như nhiều nước không bị xếp là nền kinh tế phi thị trường, và quyết định của Bộ Thương mại “không phù hợp” với chuyến thăm của ông Biden đến Việt Nam vào năm ngoái.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng từng quảng bá Việt Nam là điểm đến “thân thiện” để chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Quyết định của Mỹ cũng nhạy cảm về mặt chính trị vì Mỹ sắp tổ chức bầu cử Tổng thống vào tháng 11 và cả hai bên đều tuyên bố họ đứng về phía của người lao động.

Hosuk Lee-Makiyama – giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế Châu Âu có trụ sở tại Brussels – cho biết ngay cả khi chính quyền Biden thực hiện bước đi mạo hiểm về mặt chính trị là nâng cấp Việt Nam, thì đó cũng chỉ là chiến thắng nhất thời vì chính quyền Trump trong tương lai chắc chắc sẽ dảo ngược nó.

Nazak Nikakhtar – một cựu quan chức Bộ Thương mại trong chính quyền Trump – cho biết quyết định này phản ánh “bằng chứng” đầy đủ từ các hiệp hội ngành “rằng nền kinh tế Việt Nam chưa chuyển đổi đến mức đáng được coi là nền kinh tế thị trường”.

“Việc bỏ qua những biến dạng trong nền kinh tế của các đối tác thương mại là không công bằng và gây bất lợi cho lợi ích của Mỹ”, bà nói.

Theo: Financial Times, Reuters.