VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Cần hay không cần “ổn định động” cho thị trường xăng dầu?

Cần hay không cần “ổn định động” cho thị trường xăng dầu?

12:28 - 20/08/2024

Tại dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Bộ Công Thương đề xuất một số nội dung mới về cơ chế giá xăng dầu, Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến quy định thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, chi phí kinh doanh định mức, biến động hàng năm theo chỉ số giá tiêu dùng CPI, rà soát lại 3 năm/lần hoặc khi có biến động bất thường để công bố giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn). Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định tại nghị định.

 

Đối với địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu, nếu có chi phí thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ tăng cao, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyết định giá bán thực tế tại địa bàn đó (đã được thương nhân ban hành quyết định về địa bàn và thông báo về Bộ Công Thương) để bù đắp chi phí thực tế phát sinh nhưng không vượt quá 02% giá bán xăng dầu tối đa theo quy định.

Báo Chính phủ nhận định, theo phương án này, việc tính toán chi phí hàng tháng của thương nhân sẽ được giảm bớt. Đây cũng là cải cách trong tính toán giúp thương nhân kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý giá không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí. Doanh nghiệp phải công bố giá đúng theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước theo dõi minh bạch việc công bố giá của các doanh nghiệp; nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước xử lý. Các doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường. Thương nhân hoàn toàn dự tính được các chi phí kinh doanh của thương nhân để xây dựng giá bán xăng dầu trong hệ thống của thương nhân và có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức giá quy định tại Nghị định.

Cơ quan quản lý nhà nước theo dõi minh bạch việc công bố giá của các doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, nguyên Giám đốc R&D, Viện Kinh tế và Quản lý TP HCM chia sẻ trên Tạp chí của Hội Dầu khí Việt Nam PetroTimes rằng, việc xây dựng một cơ chế giá xăng dầu ổn định là một thách thức rất lớn.

Xăng dầu là mặt hàng then chốt, ảnh hưởng toàn diện đến nền kinh tế, vì vậy tìm ra một cơ chế giá vừa ổn định, vừa công bằng là rất khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh giá dầu thế giới biến động khó lường, cùng với các yếu tố như chính sách tỷ giá, thuế, phí cũng thay đổi liên tục như hiện nay, việc xây dựng một cơ chế giá cố định là gần như không thể. Thay vào đó, ông Dũng cho rằng, cơ quan soạn thảo Nghị định có thể nghĩ tới xây dựng một cơ chế “ổn định động”, linh hoạt, có thể điều chỉnh kịp thời theo diễn biến thực tế của thị trường.

Cơ chế “ổn định động” cho thị trường xăng dầu là một cơ chế điều tiết giá xăng dầu nhằm hạn chế biến động giá đột ngột, bảo vệ người tiêu dùng khỏi những tác động tiêu cực của giá xăng dầu biến động mạnh. Cơ chế này cần có khả năng tự động điều chỉnh giá xăng dầu trong nước dựa trên các yếu tố như giá dầu thô, tỷ giá, thuế, phí… nhằm đảm bảo sự ổn định và công bằng. Đồng thời, nó phải hoạt động dựa trên nguyên tắc kết hợp giữa yếu tố thị trường và yếu tố điều tiết của Chính phủ.

Đây cũng là cơ chế được nhận định là hướng về người tiêu dùng.

Theo đó, khi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, cơ chế này sẽ giúp hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước, giúp người tiêu dùng không phải gánh chịu gánh nặng chi phí quá lớn. Mặt khác, khi giá dầu thế giới giảm, cơ chế này cũng sẽ giúp hạn chế mức giảm giá xăng dầu, giúp người tiêu dùng không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự biến động bất ngờ của thị trường.

Đồng thời, cơ chế “ổn định động” thường đi kèm với việc công khai minh bạch giá thành xăng dầu, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về giá cả và cách thức hình thành giá. Cơ chế này cũng giúp kiểm soát giá xăng dầu, ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng biến động giá để tăng giá xăng dầu phi lý, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, cơ chế “ổn định động” này cũng chưa được xem là giải pháp hoàn hảo cho tình hình hiện nay. Bởi việc điều chỉnh giá xăng dầu theo cơ chế này có thể không phản ánh chính xác biến động thị trường, đồng thời nó cũng có thể tác động khiến giá xăng dầu cao hơn so với thị trường tự do.

Nhìn chung, tinh thần của Nghị định là tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối xăng dầu tự quyết định giá bán, giảm các quy trình tính toán giá cơ sở liên quan, phản ánh tốt hơn biến động chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng cần phải cẩn trọng kiểm soát thị trường và giám sát chặt chẽ các thương nhân đầu mối xăng dầu để tránh hành vi thao túng ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng. Và cơ chế “ổn định động” có thể trở thành một giải pháp hợp lý hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào việc thiết kế và vận hành cơ chế.

Bên cạnh đó, cần có các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn các hành vi lợi dụng, găm hàng, gây khan hiếm nguồn cung nhằm đẩy giá xăng dầu lên cao. Việc kết hợp các biện pháp này sẽ giúp xây dựng được một cơ chế giá xăng dầu ổn định, linh hoạt và công bằng, vừa phản ánh đúng biến động của thị trường, vừa bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng.

Theo: https://baochinhphu.vn/mot-so-diem-moi-trong-du-thao-nghi-dinh-ve-kinh-doanh-xang-dau-102240403111912479.htm

https://petrotimes.vn/xay-dung-co-che-on-dinh-dong-cho-thi-truong-xang-dau-716102.html?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews