VNReport»Kinh tế»Thương mại điện tử – Động lực chính để phát triển kinh tế số

Thương mại điện tử – Động lực chính để phát triển kinh tế số

15:44 - 23/08/2024

Đóng góp 15% – 17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia, thương mại điện tử là động lực chính để phát triển kinh tế số

Thương mại điện tử bùng nổ ở Việt Nam

Theo thông tin trên báo Vietnamnet, chia sẻ tại Tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử – Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức vào ngày 14/8 vừa qua, PGS.TS Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến hết năm 2023, lĩnh vực Thương mại điện tử (TMĐT) đã đóng góp khoảng 15% – 17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia.

Thương mại điện tử (Ecommerce/electronic commerce) là quá trình mua bán hàng hoá, dịch vụ và trao đổi thông tin trên Internet. Nó cho phép các giao dịch thương mại diễn ra một cách nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả hơn so với các hình thức mua bán truyền thống. Thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể tách rời của nền kinh tế toàn cầu hiện đại.

Thực tế, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có dấu hiệu bùng nổ từ vài năm trước.

Theo đó, trong nhiều năm đã tăng trưởng mạnh mẽ và đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2023 đã khẳng định thương mại điện tử là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số ở của Việt Nam khi có doanh thu ước đjat 20,5 tỷ USD. Trước đó, năm 2022, con số này là 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng cả nước, số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm.

Các trang thương mại điện tử không ngừng phát triển với 4 ứng dụng Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều trang thương mại điện tử khác mới nhưng vẫn có tiềm năng cạnh tranh với các trang thương mại điện tử lớn, như: Sendo, Thế giới di động… Đặc biệt, các trang thương mại điện tử hiện nay cũng liên kết với rất nhiều loại ví điện tử và ngân hàng khác nhau. Khách hàng hoàn toàn có thể thanh toán nhanh chóng bằng phương thức thanh toán trực tuyến. Các ví điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay là Shopeepay, VNpay, Momo, Zalopay…

Cùng với các thành tích có được và tốc độ phát triển đáng kinh ngạc được công bố trong Tọa đàm, “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và định hướng năm 2030” đã xác định TMĐT là động lực chính để phát triển kinh tế số. Cũng trong toạ đàm này, PGS.TS. Trần Minh Tuấn cho rằng, mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 có thể đạt được.

Có thể đạt được mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025.

Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành – chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, chưa bao giờ nền kinh tế số, tức là hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số cộng với thương mại điện tử, lại len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng như hiện nay, tạo ra hàng triệu việc làm cả trực tiếp và gián tiếp.

Đặc biệt, việc giám sát tốt hơn đối với hoạt động thương mại điện tử, giúp đóng góp cho ngân sách từ kinh tế số ngày càng cao. Riêng năm 2023, doanh thu của thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ đồng, thu ngân sách từ đó là khoảng 100.000 tỷ đồng.

Động lực chính phát triển kinh tế số

Với vị thế ngày càng lên này, thương mại điện tử là một phần then chốt và là động lực chính để phát triển kinh tế số.

Thương mại điện tử phát triển, tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh doanh số khi cung cấp các nền tảng, công cụ và hạ tầng cần thiết để các doanh nghiệp số có thể hoạt động hiệu quả, như website, ứng dụng di động, thanh toán trực tuyến, logistics,… Điều này giúp giảm chi phí và rào cản gia nhập thị trường số.

Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng cho phép các doanh nghiệp kết nối với khách hàng trên quy mô rộng lớn hơn, vượt ra khỏi giới hạn địa lý truyền thống. Mở rộng thị trường tiếp cận và tăng cơ hội kinh doanh.

Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt trong thương mại điện tử cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới không ngừng, sáng tạo các sản phẩm tốt, nâng cấp dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.

Một điều đặc biệt của thương mại điện tử rất hữu ích trong kinh tế số đó là thu thập và phân tích dữ liệu. Các nền tảng thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp thu thập và phân tích dữ liệu về hành vi, nhu cầu của khách hàng. Điều này cung cấp thông tin quý giá để ra quyết định kinh doanh và đề ra chiến lược phù hợp trong thời đại số.

Đồng thời, thương mại điện tử cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới như bán lẻ trực tuyến, dịch vụ giao hàng, marketing số,… Các doanh nghiệp có thể tận dụng những cơ hội này để tăng trưởng và phát triển.

Nhìn chung, thương mại điện tử đóng vai trò then chốt và là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số. Nó đóng vai trò là cầu nối quan trọng, kết nối các yếu tố của nền kinh tế số từ công nghệ, doanh nghiệp đến người tiêu dùng.

Theo: https://vietnamnet.vn/thuong-mai-dien-tu-dong-luc-chinh-de-phat-trien-kinh-te-so-2314643.html

https://www.tuyengiao.vn/thuong-mai-dien-tu-dang-tro-thanh-xu-huong-kinh-doanh-pho-bien-152052