VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa trong nửa đầu năm khi người tiêu dùng chi tiêu thận trọng

30.000 cửa hàng ăn uống đóng cửa trong nửa đầu năm khi người tiêu dùng chi tiêu thận trọng

14:52 - 25/08/2024

Hơn 44% doanh nghiệp kinh doanh ăn uống ghi nhận giảm doanh thu trong nửa đầu năm.

Báo cáo thị trường kinh doanh ăn uống (F&B) tại Việt Nam do iPOS.vn công bố gần đây cho thấy, hiện tại cả nước có khoảng 304.700 cửa hàng, giảm 3,9% so với năm 2023. Đã có ít nhất 30.000 cửa hàng đóng cửa, trong khi số lượng cửa hàng mới mở lại tương đối thấp.

TP HCM là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức giảm gần 6% số lượng cửa hàng. Ngược lại, Hà Nội ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ khoảng 0,1%.

Báo cáo chỉ ra rằng ngay cả các thương hiệu bền vững với lượng khách hàng trung thành và thu nhập ổn định cũng không thể tránh khỏi tác động tiêu cực từ nền kinh tế.

Ngành F&B đang phải đối mặt với nhiều thách thức và doanh thu giảm sút. Ảnh: Ngọc Nguyễn/Hànộimới.

Ngành F&B đang phải đối mặt với nhiều thách thức và doanh thu giảm sút. Ảnh: Ngọc Nguyễn/Hànộimới.

Ngoài việc giảm số lượng cửa hàng, doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành F&B tại Việt Nam cũng chứng kiến sự biến động mạnh mẽ. Mặc dù bắt đầu năm với tín hiệu tích cực, nhưng giữa năm, xu hướng giảm doanh thu đã trở nên rõ ràng.

Tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo doanh thu giảm trong tháng 2 lên đến hơn 43,4%. Dù có một chút tăng trưởng trong tháng 3, nhưng doanh thu tiếp tục giảm đều đặn đến giữa năm. Tính đến hết tháng 6/2024, đã có hơn 44,1% doanh nghiệp ghi nhận giảm doanh thu. Nhiều đơn vị không đạt được mức thu nhập kỳ vọng trong nửa năm qua và tiếp tục đối mặt với xu hướng giảm doanh thu trong các tháng tiếp theo.

Khảo sát cũng cho thấy mức chi tiêu cho việc “đi cà phê” đã giảm, mặc dù giá cà phê từ 41.000 đến 71.000 đồng/ly ngày càng phổ biến, với sự gia tăng 11,5% về tỷ lệ người chọn, nhưng các phân khúc cao cấp lại gặp khó khăn. Tỷ lệ người chi tiêu trên 100.000 đồng/ly giảm mạnh từ 6% xuống còn 1,7%.

Mặc dù gặp khó khăn, tổng doanh thu ngành F&B vẫn gây bất ngờ với con số 403,9 nghìn tỷ đồng, đạt 68,46% tổng doanh thu của năm 2023. Đây được xem là yếu tố đáng ngạc nhiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Một phần nguyên nhân là do lạm phát, với CPI tăng 4,08% so với năm trước, và lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Bên cạnh đó, sự gia tăng tổng số lượng giao dịch có thể đến từ việc các cửa hàng F&B đã tích cực triển khai nhiều chương trình khuyến mại để kích thích tiêu dùng, khiến khách hàng quyết định mua hàng nhiều hơn.

Ngành F&B đang phải đối mặt với nhiều thách thức và doanh thu giảm sút. Người tiêu dùng Việt Nam hiện đang có xu hướng tiêu dùng thông minh hơn, sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho mỗi bữa ăn ngoài, nhưng với kế hoạch rõ ràng hơn so với việc ăn uống “ngẫu hứng”.

Báo cáo cho biết các doanh nghiệp ngày càng cẩn trọng hơn trong việc mở rộng kinh doanh trong những tháng cuối năm 2024. Theo khảo sát của iPOS.vn, 61,2% doanh nghiệp chỉ cố gắng duy trì quy mô hiện tại, trong khi 34,4% dự kiến mở thêm cơ sở mới. Con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023, khi tỷ lệ doanh nghiệp F&B có kế hoạch mở rộng lên đến 51,7%.