VNReport»Kinh tế»Dịch vụ nước ngoài qua thương mại điện tử bị đánh thuế VAT 10%?

Dịch vụ nước ngoài qua thương mại điện tử bị đánh thuế VAT 10%?

14:55 - 30/08/2024

Thông tin trên báo Thời báo Tài chính Việt Nam, ngày 29/8 vừa qua, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6 Quốc hội khoá XV cho ý kiến về dự thảo luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) đã diễn ra. Và một trong những nội dung nhận được nhiều sự chú ý và thảo luận sôi nổi nhất là phương pháp tính và cách thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài trên nền tảng số.

 

Thuế giá trị gia tăng (VAT) là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàtng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Đây là định nghĩa theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008, theo định nghĩa VAT là thuế chỉ áp dụng dựa trên phần giá trị tăng thêm mà không phải dựa trên toàn bộ giá trị hàng hoá, dịch vụ. Người chịu thuế GTGT thực tế là người tiêu dùng nhưng người đóng thuế GTGT là các cơ sở kinh doanh.

Theo đó, tại dự thảo mới nhất, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính ngân sách đề xuất áp mức thuế 10% thay vì 5% (theo phương pháp tính thuế trực tiếp) như hiện nay với dịch vụ được các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại VN cung cấp cho tổ chức, cá nhân tại VN qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) và các nền tảng số.

Trong quá trình góp ý, một số ý kiến đề xuất rằng các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam khi cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số không nên áp dụng phương pháp trực tiếp với mức thuế suất 5%, mà cần áp dụng mức thuế suất phổ thông 10%. Điều này nhằm đảm bảo tính nhất quán với thông lệ quốc tế, bảo vệ nguồn thu, và tránh phân biệt bất lợi cho các nhà cung cấp trong nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu áp dụng thuế suất phổ thông 10%, các nhà cung cấp nước ngoài sẽ phải thực hiện theo phương pháp khấu trừ, và tổ chức mua dịch vụ tại Việt Nam sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào.

Theo Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS), nguyên tắc áp dụng thuế đối với dịch vụ nhập khẩu vào Việt Nam tương tự như với hàng hóa. Cụ thể, dịch vụ khi nhập khẩu sẽ phải chịu mức thuế suất phổ thông 10% tính trên giá trị nhập khẩu, giống như hàng hóa nhập khẩu cũng phải chịu mức thuế suất 10% (hoặc 5% tùy thuộc vào loại hàng hóa).

VAT là thuế chỉ áp dụng dựa trên phần giá trị tăng thêm mà không phải dựa trên toàn bộ giá trị hàng hoá, dịch vụ.

Cơ quan thẩm tra cho rằng dự thảo Luật (dựa trên Thông tư số 80/2021/TT-BTC) áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp hiện đang áp dụng cho các nhà thầu, với mức thuế suất 5% trên doanh thu, cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên nền tảng số là chưa có cơ sở pháp lý vững chắc và không phù hợp với bản chất cũng như thông lệ quốc tế. Bởi vì đây là dịch vụ nhập khẩu vào Việt Nam, việc áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất phổ thông 10% có thể dẫn đến thiếu hụt ngân sách và gây ra sự phân biệt bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ tương tự.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định rõ rằng không áp dụng phương pháp trực tiếp đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài bán dịch vụ vào Việt Nam qua kênh thương mại điện tử và các nền tảng số, và các dịch vụ này khi bán vào Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế suất phổ thông 10%. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cho rằng nội dung này chưa được đánh giá kỹ lưỡng và lo ngại rằng việc áp dụng mức thuế 10% có thể dẫn đến việc tăng gấp đôi số thuế GTGT mà các nhà cung cấp nước ngoài phải nộp, từ đó làm tăng giá dịch vụ đối với người tiêu dùng tại Việt Nam.

Đề xuất này hiện vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Những năm gần đây, thương mại điện tử đã có những bước phát triển nhảy vọt.

Thương mại điện tử là hoạt động mua bán hàng hóa và dịch vụ trực tuyến qua Internet. Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh và có tiềm năng lớn. Đặc biệt là từ khi dịch COVID-19 bùng phát, xu hướng mua sắm trực tuyến càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Người tiêu dùng đã chuyển sang các nền tảng trực tuyến để mua sắm, dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong doanh thu của các doanh nghiệp TMĐT. TMĐT có tốc độ tăng trưởng ước tính đạt 29% trong năm 2020, theo thống kê của Bộ Công Thương. Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng nhanh từ 16 – 30% hàng năm trong suốt 4 năm qua.

Theo Vietnam Industry Research And Consultancy, hiện tại, thương mại điện tử chiếm 10% tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng từ 8,5% vào năm 2022. Dự kiến ngành thương mại điện tử Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, với giá trị hàng hoá tổng (GMV) vào năm 2025 đạt đến mức cao nhất là 16,8 tỷ USD.

Trong quý 2/2023, TikTok Shop vượt mặt Lazada để trở thành sàn thương mại điện tử lớn thứ 2 Việt Nam.

Riêng trong quý đầu tiên của năm 2024, bốn nền tảng thương mại điện tử lớn nhất là Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đã thu về tổng cộng 79,12 nghìn tỷ đồng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV), với tổng số 768,44 triệu sản phẩm được bán ra. Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam nhận định rằng, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam hiện tại có nhiều điểm tích cực, đặc biệt là sự gia tăng liên tục về số lượng và chất lượng của người tiêu dùng trực tuyến mới.

Trong nửa đầu năm 2024, ngành thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ với những con số ấn tượng. Trong đó, xu hướng livestream trong mua sắm trực tuyến ngày càng bùng nổ, làm thay đổi hành vi tiêu dùng và thúc đẩy doanh thu cao cho các doanh nghiệp.

Sự phát triển của TMĐT không chỉ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp mà còn có tác động tích cực đến nền kinh tế. Nó tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Do đó, thảo luận và đưa ra các quy định chặt chẽ hơn về thuế gián thu sẽ giúp quản lý thuế có hiệu quả hơn đối với hoạt động thương mại điện tử.

Theo: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thue-gia-tri-gia-tang-voi-nha-cung-cap-dich-vu-nuoc-ngoai-5-hay-10-158325.html

https://viracresearch.com/thuong-mai-dien-tu-viet-nam-nua-dau-nam-2024-phat-trien-manh/