VNReport»Kinh tế»Hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu gian lận

Hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu gian lận

11:30 - 04/09/2024

Thương mại điện tử (E-Commerce) là hình thức kinh doanh trực tuyến sử dụng nền tảng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của Internet để thực hiện các giao dịch mua bán, trao đổi, thanh toán trực tuyến. Trong khi đó, gian lận thương mại điện tử bao gồm nhiều hành vi khác nhau như đưa ra thông tin không chính xác về sản phẩm, sử dụng hình ảnh sản phẩm đã chỉnh sửa hoặc không đúng thực tế để thu hút khách hàng, bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử, tạo các đánh giá tích cực giả mạo để tăng độ tin cậy của tài khoản bán hàng, tạo các trang web giả mạo để thu thập thông tin đăng nhập của người dùng,…

Theo thông tin trên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, chỉ trong 8 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường trên cả nước đã tập trung giám sát, kiểm tra 50.445 vụ, phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 342 tỷ đồng (tăng 20%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng (tăng 6%), trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng (tăng 86%). Đã thu nộp ngân sách Nhà nước 395 tỷ đồng (tăng 11%); Chuyển Cơ quan điều tra 118 vụ có dấu hiệu hình sự (giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023).

Đáng chú ý, trong 8 tháng vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã chuyển thông tin hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu vi phạm pháp luật tới cơ quan công an nhằm ngăn chặn thiệt hại quy mô lớn cho người dân.

Cũng theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, nhiều đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, các mặt hàng này trong thời gian qua không được bày bán tràn lan mà sau khi qua biên giới, chúng sẽ được tập trung tại các kho hàng ở những khu vực hẻo lánh, ít người qua lại, sau đó sẽ được bày bán trên các sàn thương mại điện tử và vận chuyển đến tay người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Được biết, với phương thức này, nhiều người đã thiết lập các điểm livestream để chốt đơn, cùng với các tài khoản chào hàng trung gian và địa điểm tiếp nhận đơn hàng được phân bố ở nhiều nơi khác nhau.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã chuyển thông tin hơn 500 website, ứng dụng có dấu hiệu vi phạm pháp luật tới cơ quan công an.

Để đối phó với những thách thức này, ngoài xử lý người vi phạm, ông Chu Xuân Kiên – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng cần ràng buộc trách nhiệm đối với đơn vị vận chuyển, giao hàng chuyển phát nhanh nếu phát hiện hàng hóa không đủ các quy định về hóa đơn chứng từ… Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại trở thành một giải pháp hiệu quả và cần thiết.

Theo đó, tại cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương – Nguyễn Hồng Diên với Tổng cục Quản lý thị trường và UBND 63 tỉnh, thành phố mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định, mục tiêu chung của công tác quản lý thị trường năm tới là tập trung đấu tranh, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phấn đấu tạo môi trường sản xuất – kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất trong nước.

Về phía doanh nghiệp phát triển, quản lý sàn thương mại điện tử, khi phát triển sản phẩm cần kiểm soát chặt chẽ và áp dụng các kiểm tra an toàn thông tin ngay từ khi phát triển ứng dụng và sau khi đưa vào cung cấp. Đồng thời cần định kỳ tiến hành rà soát và đánh giá lại mức độ an toàn của các hệ thống của mình.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cơ quan quản lý Nhà nước, cần có chiến lược đầu tư kịp thời, đúng đắn vào việc phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp mạng internet. Ngoài ra, cần có chế tài, quy định chặt chẽ trong kinh doanh thương mại điện tử nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan như: doanh nghiệp, đối tác, khách hàng…

Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục để lực lượng QLTT tiếp tục tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại TMĐT. Đặc biệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề TMĐT và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương trong lĩnh vực TMĐT như: Đề án chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến năm 2025 theo Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là giải pháp cần thiết để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của lực lượng Quản lý Thị trường (QLTT). Do đó, cần tập trung vào việc đào tạo cán bộ về nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và khả năng đấu tranh với các vi phạm trên thương mại điện tử. Cần xây dựng bộ giáo trình phù hợp, sử dụng các chuyên gia và tuyển dụng thêm nhân sự để bù đắp lực lượng thiếu hụt do nghỉ hưu hoặc chuyển công tác. Đồng thời, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để phục vụ công tác QLTT và thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin giữa các đơn vị, chẳng hạn như giữa QLTT với các cơ quan thuế và hải quan, cũng là rất quan trọng.

Theo: https://diendandoanhnghiep.vn/bit-ke-ho-phat-sinh-vi-pham-tren-thuong-mai-dien-tu-10141223.html