VNReport»Kinh tế»Ngành Thuế đã thu được 78.000 tỷ đồng từ thương mại điện tử

Ngành Thuế đã thu được 78.000 tỷ đồng từ thương mại điện tử

09:40 - 11/09/2024

Tổng hợp từ các báo cáo, thị trường TMĐT Việt Nam giai đoạn cuối năm 2024 vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế số phát triển. Dự kiến, doanh thu từ thương mại điện tử có thể đạt mốc 40 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Báo điện tử Đầu tư, chỉ tính riêng trong quý II/2024, tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đạt khoảng 85.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, trong quý I/2024, doanh thu bán lẻ trên 5 sàn này đã đạt 71.200 tỷ đồng, tăng 78,6% so với quý I/2023. Thực tế, sự tăng trưởng này vượt xa so với dự báo doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024, dự kiến chỉ tăng khoảng 35% so với năm 2023.

Shopee là một trong những sàn thương mại điện tử phổ biến và được ưa chuộng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo báo cáo mới nhất của NielsenIQ Việt Nam, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Trung bình, mỗi người mua hàng trực tuyến gần 4 lần mỗi tháng và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt Nam.

Trong bối cảnh TMĐT phát triển mạnh mẽ như thế này, việc đăng ký thuế, rà soát kê khai, nộp thuế của các cá nhân, đơn vị bán hàng online được ngành thuế đặc biệt quan tâm. Đăng ký thuế là việc người bán kê khai với cơ quan thuế các thông tin định danh (họ tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ…) để phân biệt với người nộp thuế khác. Sau khi đăng ký, họ sẽ được cấp một mã số thuế, bắt đầu kinh doanh.

Theo Luật Quản lý thuế 2019, người bán có thể là cá nhân, hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan thuế trong vòng 10 ngày kể từ khi bắt đầu kinh doanh. Trường hợp chưa đăng ký thuế thường phải chịu các khoản phạt, như chậm đăng ký kinh doanh, kê khai, thuế nộp chậm. Trong đó, hai lỗi đầu tiên tầm 15 triệu đồng.

Hiện nay, ngành Thuế đang phối hợp với Bộ Công an rà soát được 90% mã số thuế với căn cước công dân để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn cho ngành Thuế. Phối hợp với các đơn vị vận chuyển, bưu chính, viễn thông để xác định rõ doanh thu của người bán thông qua các phương thức giao hàng, thu tiền hộ.

4 tháng cuối năm nay, ngành Thuế ước tính còn phải thu tối thiểu khoảng 30% dự toán. Đây là nhiệm vụ khá khó khăn do một số nguồn thu lớn đã tập trung thu trong 8 tháng qua. Trong thời đại TMĐT với sự phát triển vượt trội của các sàn TMĐT cùng hình thức livestream trên các mạng xã hội và các sàn TMĐT, việc chấp hành đầy đủ các quy định đăng ký và kê khai thuế còn gặp nhiều khó khăn.

Được biết, theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến đầu năm 2024, cả nước có 3,1 triệu hộ, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều người bán online chưa đăng ký, kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế nhiều lần cho biết sẽ xử lý các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ thương mại điện tử, nhưng không khai, đăng ký hay nộp thuế.

Ba tháng đầu năm nay, Cục thuế TP Hà Nội thông báo truy thu 41 cá nhân có thu nhập từ thương mại điện tử. 28 người đã nộp thuế 9,8 tỷ đồng, một cá nhân kê khai tiền thuế dự kiến và chậm nộp 8,5 tỷ. Ngoài ra, trên 6.510 cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn thương mại điện tử được cơ quan thuế Hà Nội đưa vào diện theo dõi, giám sát dữ liệu hóa đơn.

Theo thông tin được công bố trên báo điện tử của Đài truyền hình Việt Nam, tính đến tháng 7/2024, ngành Thuế đã thu được 78.000 tỷ đồng từ thương mại điện tử, tăng 38% so với bình quân 7 tháng đầu năm ngoái. Mức tăng trưởng này được đánh giá là mức tăng trưởng khá, tuy nhiên dư địa từ thu thuế từ thương mại điện tử vẫn còn nhiều.

Dư địa từ thu thuế thương mại điện tử là khả năng tăng cường thu ngân sách nhà nước từ các hoạt động thương mại điện tử mà không cần phải thay đổi hoặc điều chỉnh chính sách thuế hiện tại. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, khi ngày càng nhiều giao dịch mua bán diễn ra trực tuyến.

Theo đó, mặc dù hiện có 404 sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, tuy nhiên chất lượng còn chưa đồng đều, đầy đủ. Như thiếu mã số thuế, địa chỉ kinh doanh dẫn đến khó khăn trong công tác định danh người bán.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân – Tổng cục Thuế chia sẻ: “Vẫn còn một số sàn vẫn không giải trình, không cung cấp thông tin. Chúng tôi tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương để rà soát các sàn cung cấp không đầy đủ thông tin theo đúng pháp luật để kiểm tra, rà soát và yêu cầu các sàn cung cấp đầy đủ thông tin. Nếu các sàn TMĐT cố tình không cung cấp thông tin thì sẽ có chế tài xử lý theo quy định pháp luật”.

Theo: https://baodautu.vn/doanh-thu-5-ong-lon-thuong-mai-dien-tu-tai-viet-nam-nua-dau-nam-2024-ra-sao-d220142.html

https://vtv.vn/kinh-te/hon-400-san-thuong-mai-dien-tu-cung-cap-thong-tin-cho-co-quan-thue-20240909115556322.htm