VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Thị trường AI Việt Nam có quy mô dự kiến đạt 1,52 tỷ USD năm 2030

Thị trường AI Việt Nam có quy mô dự kiến đạt 1,52 tỷ USD năm 2030

14:02 - 12/09/2024

Mới đây, nền tảng dữ liệu và nghiên cứu thị trường Markets And Data (Singapore) cho biết thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) Việt Nam có quy mô 470 triệu USD năm 2022, dự kiến đạt 1,52 tỷ USD năm 2030, với tốc độ tăng trưởng giai đoạn này là 15,8%.

Trí tuệ nhân tạo là gì?

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một lĩnh vực của khoa học máy tính, nghiên cứu và phát triển các hệ thống có khả năng thực hiện các nhiệm vụ mà thường cần đến trí thông minh của con người. AI có thể được chia thành hai loại chính: AI hẹp (narrow AI), chuyên biệt cho một nhiệm vụ cụ thể như nhận diện hình ảnh hay xử lý ngôn ngữ; và AI tổng quát (general AI), có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ tương tự như con người.

AI sử dụng các thuật toán phức tạp, học máy (machine learning) và học sâu (deep learning) để phân tích dữ liệu, tìm ra mẫu và đưa ra quyết định. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, trí tuệ nhân tạo giúp máy tính có được những trí tuệ của con người như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi,…

Nhờ vào sự phát triển của công nghệ và lượng dữ liệu khổng lồ, AI ngày càng trở nên phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như y tế, tài chính, giao thông, và marketing.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những công nghệ cốt lõi đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Tháng 2/2024, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược về dữ liệu quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, nhằm tạo ra “cú hích” cho ngành AI của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về AI. Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, với vai trò hỗ trợ nghiên cứu, phát triển đã có một số chương trình nghiên cứu khoa học như Chương trình KC01 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ số và đô thị thông minh”.

AI ngày càng trở nên phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực.

Đồng thời, nhiều trường đại học và viện nghiên cứu đã bắt đầu mở các chương trình đào tạo chuyên sâu về AI, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp này.

Starup về AI nở rộ tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, số lượng startup AI tại Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, tập trung vào các lĩnh vực như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính và y tế. Các startup này đã thu hút được một lượng lớn đầu tư từ các quỹ trong nước và quốc tế. Một số công ty lớn như FPT, VNG, hay VinAI đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển AI, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ đổi mới.

Theo thông tin trên VnExpress, AI trở thành một trong các xu hướng ứng dụng của các startup gần đây. Chỉ riêng tại cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC) diễn ra gần đây, 70% các giải pháp tham dự ở nhiều lĩnh vực khác nhau như AI, IoT (Internet vạn vật), tự động hóa, công nghệ y tế, đô thị thông minh… đều ứng dụng AI. Hơn nửa dự án trong top 10 của cuộc thi này ứng dụng AI.

Bà Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Qualcomm Việt Nam, thành viên Ban giám khảo QVIC 2024 chia sẻ rằng, các startup tận dụng AI nhằm tối ưu hóa giải pháp và tăng cạnh tranh cho sản phẩm. Điều đó cho thấy các công ty khởi nghiệp Việt đã bắt kịp xu thế và sẵn sàng cho đấu trường quốc tế.

Xu hướng này xuất phát từ nhu cầu ứng dụng của thị trường và các nhà đầu tư.  Theo đó, Báo cáo của Hiệp hội kế toán CPA Australia cho biết, cứ 10 doanh nghiệp Việt được hỏi thì có 8 nói đã dùng AI trong 12 tháng qua, cao hơn trung bình khu vực là 69%.

Đa phần AI sử dụng vào một số thời điểm nhất định nhưng dự báo tăng trong 12 tháng tới, khi các doanh nghiệp tin tưởng hơn. “AI không chỉ là khẩu hiệu, xu thế mà dần đi vào đời sống và sản xuất trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng”, bà Thu Trang – CTO Vbee nói.

Nền tảng dữ liệu và nghiên cứu thị trường Markets And Data (Singapore) cho biết thị trường trí tuệ nhân tạo Việt Nam có quy mô 470 triệu USD năm 2022, dự kiến đạt 1,52 tỷ USD năm 2030, với tốc độ tăng trưởng giai đoạn này là 15,8%.

Tuy nhiên, việc triển khai trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều thách thức, hạn chế về bảo mật thông tin, nguồn vốn và pháp lý, thiếu nhân lực chuyên môn, thiếu sự đầu tư một cách hệ thống về cơ sở hạ tầng công nghệ, thiếu sự phối hợp giữa doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và Chính phủ.

Theo nguồn từ Tại chí Kinh tế Việt Nam VnEconomy, hiện nay, nguồn lực chuyên gia về AI còn chưa đủ chín, số lượng chuyên gia AI có kỹ năng và kinh nghiệm đủ để triển khai các dự án lớn vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, để phát triển và ứng dụng được trí tuệ nhân tạo vào đời sống cũng như các lĩnh vực một cách sâu rộng, cần nguồn vốn lớn. Hơn nữa, việc áp dụng AI đặt ra nhiều vấn đề về quyền riêng tư, an ninh thông tin và trách nhiệm pháp lý. Việt Nam cần thiết lập các quy định pháp lý và khung chính sách rõ ràng để bảo vệ quyền riêng tư và đảm bảo an toàn thông tin.

Bà Nguyễn Thanh Thảo, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Qualcomm Việt Nam, thành viên Ban giám khảo QVIC 2024 cũng nhấn mạnh rằng, “Với nguồn lực hữu hạn, startup cần thấy được thị trường ngách của mình, giải quyết những bài toán cụ thể và thiết thực mà có thể tận dụng được những nền tảng đã phát triển hiện có”.

Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và xây dựng hạ tầng công nghệ vững chắc. Sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức giáo dục sẽ là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường khởi nghiệp AI tại Việt Nam. Nếu các startup có thể vượt qua những khó khăn hiện tại và tận dụng tốt cơ hội, họ có thể tạo ra những bước đột phá ấn tượng.

Theo: https://vnexpress.net/startup-ve-ai-no-ro-o-viet-nam-4788959.html

https://vneconomy.vn/ung-dung-va-phat-trien-manh-me-cong-nghe-ai-viet-nam-dang-dung-truoc-nhieu-co-hoi.htm