VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Không để hàng hóa tăng giá bất hợp lý sau bão

Không để hàng hóa tăng giá bất hợp lý sau bão

14:11 - 13/09/2024

Ngày 7/9/2024, bão số 3 với sức càn quét kinh hoàng đã  đổ bộ vào Việt Nam, cụ thể là Quảng Ninh và Hải Phòng, rồi lan rộng ra nhiều tỉnh thành ở miền Bắc. Cơn bão mang theo mưa lớn kéo dài, gây ra lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Hoàn lưu […]

Ngày 7/9/2024, bão số 3 với sức càn quét kinh hoàng đã  đổ bộ vào Việt Nam, cụ thể là Quảng Ninh và Hải Phòng, rồi lan rộng ra nhiều tỉnh thành ở miền Bắc. Cơn bão mang theo mưa lớn kéo dài, gây ra lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều địa phương miền Bắc.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 17h ngày 12/9, bão số 3 và mưa lũ đã khiến 330 người chết và mất tích (226 người chết, 104 người mất tích); tăng 3 người so với thống kê lúc 12h30′ cùng ngày. Hiện nay, cả nước vẫn đang chung tay để khắc phục hậu quả nặng nề do bão số 3 để lại.

Sau bão, một trong những vấn đề cấp bách mà các cơ quan chức năng và người tiêu dùng phải đối mặt là tình trạng tăng giá hàng hóa.

Chiều 12-9, trao đổi với phóng viên báo Quân đội Nhân dân, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Qua nắm bắt sơ bộ tình hình tại một số địa bàn các tỉnh, một số thời điểm đã xuất hiện việc khan hiếm một số mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm, nước uống… dẫn đến tăng giá cục bộ tại một số địa bàn.

Nguồn cung lương thực, thực phẩm bị thiếu hụt do bão lụt tại miền Bắc đang được các doanh nghiệp tăng cường điều chuyển nhập hàng từ miền Nam.

Theo đó, tại địa bàn Hà Nội, giá các mặt hàng gạo và thịt tương đối ổn định so với thời điểm trước bão (gạo Tám thơm khoảng 18.000 – 20.000 đồng/kg, thịt lợn nạc thăn 147.000 – 160.000 đồng/kg, thịt bò thăn 280.000 – 300.000 đồng/kg, gà ta 190.000 – 200.000 đồng/kg). Riêng giá các mặt hàng rau củ quả biến động tùy theo địa bàn, có địa bàn tăng cục bộ do ảnh hưởng của nguồn cung, song cũng có nhiều nơi, mức giá đã dần trở lại bình thường.

Tại các siêu thị trên địa bàn thành phố, mức giá cơ bản ổn định, tại hệ thống thực phẩm sạch SB, giá bắp cải xanh 29.000 đồng/kg, cải xanh 22.000 đồng/kg, cà chua 49.000 đồng/kg; tại siêu thị Winmart, các mặt hàng rau xanh đã dần được cung ứng đầy đủ trở lại, giá bí xanh giá 34.000 đồng/kg, cà chua giá 23.920 đồng/kg.

Cục Quản lý giá nhận định, nguồn cung lương thực, thực phẩm bị thiếu hụt do bão lụt tại miền Bắc đang được các doanh nghiệp tăng cường điều chuyển nhập hàng từ miền Nam, nhiều siêu thị vẫn đang giữ giá ổn định các mặt hàng thực phẩm tươi sống (thịt, cá, rau củ), các sản phẩm thiết yếu như gạo, mì tôm.

Thực tế, ngay từ khi bão có những diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Sở Công Thương các địa phương đã khẩn trương nắm bắt tình hình triển khai các nhiệm vụ cung ứng hàng hóa trước thời điểm Cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc và đã có sự chuẩn bị nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ người tiêu dùng.

Theo đó, ngay trong ngày 7/9, khi bão số 3 bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Công Thương đã có Công văn hỏa tốc số 6813/BCT-TTTN gửi Sở Công Thương tại 35 tỉnh/thành phố để chuẩn bị, điều phối hàng hóa thiết yếu để kịp thời cung ứng, đảm bảo số lượng hàng hóa, lương thực, thực phẩm sẵn sàng huy động đưa ra thị trường phục vụ nhân dân.

Đến 9/9, Bộ Công Thương lại tiếp tục gửi Công văn hỏa tốc số 6883/BCT-TTTN đến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường sau bão và Công văn hỏa tốc số 6915/BCT-TTTN ngày 10 tháng 9 năm 2024 gửi các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa thiết yếu về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho các vùng bị ảnh hưởng của mưa lũ.

Bộ Công Thương sát sao, thường xuyên, liên tục chỉ đạo và hướng dẫn Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối, đơn vị cung cấp hàng hóa quy mô lớn, các thương nhân đầu mối và kinh doanh xăng dầu cập nhật diễn biến thị trường hàng hóa tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng mưa lũ và một số tỉnh thành khác bị chia cắt, cô lập do bão và hoàn lưu bão gây ra để tập trung hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương.

Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá, nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung – cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Để giá cả hàng hoá không bị tăng bất hợp lý sau bão, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá các biện pháp điều hành phù hợp với thực tế tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương, Cục QLTT và các lực lượng chức năng trên địa bàn tập trung triển khai công tác quản lý, giám sát thị trường ở từng địa phương; bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.

Theo: https://vtv.vn/xa-hoi/330-nguoi-chet-mat-tich-do-bao-so-3-va-mua-lu-20240912194358253.htm

https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/sau-bao-gia-ca-luong-thuc-thuc-pham-co-tang-nhung-dang-dan-tro-lai-binh-thuong-794042