VNReport»Kinh tế»Bán hàng online ngày càng “khó nhai”?

Bán hàng online ngày càng “khó nhai”?

09:35 - 17/09/2024

Dù thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, song, bán hàng online không còn là mảnh đất dễ kiếm lời, đặc biệt là với các nhà bán hàng nhỏ lẻ.

Thương mại điện tử tại Việt Nam những năm gần đây có sự phát triển vượt bậc, doanh thu từ kinh doanh trực tuyến tăng mạnh. Theo nguồn từ Tạp chí điện tử Kinh tế Việt Nam, báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2023 cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tăng thêm khoảng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022, đạt 20,5 tỷ USD. Theo Modor Intelligence, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 23,77 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 10,09% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).

Ngoài ra, theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, người Việt đã chi khoảng 156.000 tỷ đồng để mua sắm trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam trong nửa đầu năm 2024.

Cụ thể, trong quý II/2024, tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam, bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đạt khoảng 85.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, trong quý I/2024, doanh thu bán lẻ trên 5 sàn này đã đạt 71.200 tỷ đồng, tăng 78,6% so với quý I/2023.

Shopee là sàn thương mại điện tử liên tục dẫn đầu doanh thu

Sự tăng trưởng này vượt xa so với dự báo doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024, dự kiến chỉ tăng khoảng 35% so với năm 2023. Trong đó, nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu với doanh thu 53.740 tỷ đồng, chiếm 67,9% thị phần. Xếp thứ hai là TikTok Shop với 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Lazada và Tiki lần lượt đạt 6.030 tỷ đồng (7,6% thị phần) và 997,06 tỷ đồng (1,3% thị phần).

Bán hàng online là hình thức kinh doanh mà sản phẩm hoặc dịch vụ được quảng bá và bán thông qua Internet. Người bán sử dụng các nền tảng trực tuyến như website, mạng xã hội, hoặc các sàn thương mại điện tử để tiếp cận và giao dịch với khách hàng. Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo,… là một số sàn thương mại điện tử phổ biến và được ưa chuộng ở Việt Nam.

Báo điện tử Dân trí trích nguồn công bố của YouNet ECI – một công ty phân tích và tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử, trong quý II, tổng số lượng nhà bán có doanh thu đã sụt giảm tới 26.000 so với quý trước. Thị trường ngày càng chắt lọc hơn.

Cụ thể, Shopee ghi nhận 113.000 nhà bán có doanh thu trong quý, giảm 0,6%; Lazada ghi nhận hơn 104.000 cửa hàng có doanh thu, giảm 9,6%. Tương tự, số nhà bán có đơn hàng trên TikTok Shop cũng giảm 7% đạt hơn 113.000 cửa hàng. Tiki là sàn thương mại điện tử ghi nhận sụt giảm mạnh nhất tới 19,1%, chỉ khoảng 8.800 cửa hàng có doanh thu trong quý II.

Về doanh thu theo tổng giá trị giao dịch (GMV) của các nhà bán hàng, trung bình trong quý II, mỗi gian hàng trên các sàn thu về 179 triệu đồng, tăng 9% so với quý trước. Được biết, gian hàng trên Shopee mang về trung bình 239 triệu đồng, tương đương thu khoảng 2,6 triệu đồng mỗi ngày. Với TikTok Shop, trung bình mỗi gian hàng thu về khoảng 170 triệu đồng trong quý II, tương đương khoảng 1,8 triệu đồng/ngày.

Nguyên do khiến việc bán hàng online ngày càng khó tới từ tất cả các yếu tố khách quan từ thị trường như nền kinh tế nhiều biến động, nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi, các chính sách mới từ sàn mua sắm trực tuyến… Đặc biệt, nguyên nhân còn đến từ chiến lược kinh doanh từ nhà bán hàng, thị trường mà nhà bán hàng hướng tới hay chưa kiểm soát chặt chẽ chi phí. Bởi rõ ràng bán hàng online qua sàn thương mại điện tử ngày nay không dành cho người nghiệp dư, mà phải rất chuyên nghiệp và đầu tư bài bản. Muốn bán được hàng, nhà bán phải tham gia các khóa đào tạo, biết chụp hình, chỉnh sửa ảnh, bỏ tiền chạy các gói quảng cáo, marketing phù hợp.

Thực tế, khi thương mại điện tử càng ngày càng phát triển, nó sẽ trở thành sân chơi chuyên nghiệp của nhiều doanh nghiệp. Khi đó, các nhà bán hàng nhỏ lẻ trên các sàn thương mại điện tử sẽ gặp khó khăn vì phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt.

Chưa kể đến các nhà bán nhỏ lẻ và không chuyên nghiệp sẽ bị bật ra khỏi thị trường, lợi nhuận sẽ đổ về những nhà bán thật sự chuyên nghiệp và có đầu tư cho việc bán hàng trên sàn TMĐT.

Ngoài ra, hành vi người tiêu dùng cũng đang thay đổi nhanh chóng. Khách hàng ngày nay không chỉ tìm kiếm sản phẩm với giá tốt mà còn quan tâm đến trải nghiệm mua sắm, dịch vụ khách hàng và các giá trị bền vững. Điều này đòi hỏi người bán, nhất là những người bán hàng online nhỏ lẻ phải nỗ lực hơn trong việc cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tạo ra sự khác biệt giữa mình và các đối thủ.

Theo: https://vneconomy.vn/quy-mo-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-viet-nam-uoc-dat-14-7-ty-usd-trong-nam-2024.htm

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/ban-hang-online-het-thoi-ngon-an-26000-cua-hang-e-don-trong-quy-ii-20240814111858694.htm