VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Xử lý nghiêm hành vi trục lợi về giá, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão số 3

Xử lý nghiêm hành vi trục lợi về giá, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão số 3

13:35 - 17/09/2024

Hoàn lưu bão số 3 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và giao thông vận tải, khiến hoạt động cung ứng hàng hoá, lương thực, thực phẩm bị gián đoạn, dẫn đến nhiều thời điểm khan hiếm cục bộ. Giá một số mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng rau củ đã tăng so với bình thường.

Đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh và Hải Phòng từ ngày 7/9 với cường độ cấp 10 – 12, vùng gần tâm bão cấp 13 – 14, giật cấp 16 – 17. Đến khoảng 4 giờ sáng ngày 8/9, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía tây Bắc bộ. Cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong vòng 30 năm trở lại đây này đã gây ra trận mưa lớn nhất trong vòng nhiều chục năm qua tại miền Bắc. Mưa lớn cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra tại nhiều địa phương, như Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh… gây ngập lụt cho 20/25 tỉnh, để lại hậu quả rất nặng nề về người và tài sản cho Việt Nam.

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến 17h30 phút ngày 15/9, bão số 3 và hoàn lưu bão đã khiến 330 người chết, mất tích (292 người chết, 38 người mất tích). Sáng 15/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng. Trong số đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên; trên 262.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.

Đến nay, công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra vẫn đang được các địa phương tập trung triển khai tích cực. Song song với đó là xử lý vấn đề ổn định giá cả thực phẩm và tâm lý của người tiêu dùng sau bão.

Một số mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng rau củ đã tăng so với bình thường.

Được biết, hoàn lưu bão số 3 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và giao thông vận tải, khiến hoạt động cung ứng hàng hoá, lương thực, thực phẩm bị gián đoạn, dẫn đến nhiều thời điểm khan hiếm cục bộ. Giá một số mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng rau củ đã tăng so với bình thường.

Theo đó, ngày 11/9, thời điểm cơn bão vừa đi qua, ghi nhận tại một số chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm ở Hà Nội cho thấy giá rau củ liên tục tăng mạnh. Trong đó, cà chua tăng từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng mỗi kg với hàng thường và 70.000-80.000 đồng với trái to, ngọt. Ngoài ra, xà lách, cải xoong cũng lên 50.000-70.000 đồng một kg, đắt thêm 20.000-35.000 đồng. Hành lá, các loại rau gia vị khác đồng loạt tăng thêm 50-70%. Một số loại rau ăn lá hiện gấp hai, ba lần ngày thường. Ví dụ, rau muống có giá cao nhất lên tới 35.000 đồng một bó. Mồng tơi, rau cải cũng đang bán giá hơn 20.000 đồng, gấp đôi trước bão.

Để kiểm soát tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ngay lập tức có Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 13/9/2024 về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3. Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị, bộ, ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Công điện nêu rõ: “Kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung – cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bản tỉnh, thành phố”.

Ông Phạm Văn Bình, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính chia sẻ với Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp rằng, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý nhằm trục lợi

Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá. Thực tế, pháp luật Việt Nam có quy định rõ các chế tài đối với các hành vi lạm dụng tình trạng khẩn cấp để trục lợi này.

Theo đó, Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định, lạm dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả mạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50-dưới 100 triệu đồng nhằm bán lại với mục đích thu lợi bất chính nhưng chưa đến mức hình sự sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.

Đối với hành vi găm hàng, các hành vi vi phạm theo quy định của Điều 31 Nghị định 98/2020 sẽ bị phạt tiền theo các mức khác nhau theo quy định. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về Tội đầu cơ.

Kiên quyết xử lý nghiêm hành vi trục lợi về giá, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão số 3.

Đặc biệt mới đây, Bộ Tài chính đã Chính phủ ban hành Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024 về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.

Theo đó, Nghị định số 87/2024/NĐ-CP đưa ra các mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi.

Cụ thể, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá nhằm trục lợi; phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi. Đối với các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, hành vi lạm dụng vị trí độc quyền thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 28/2024/TT-BTC ngày 16/5/2024 quy định về trình tự, thủ tục kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.

Theo: https://vnexpress.net/gia-rau-xanh-tai-ha-noi-tang-tung-ngay-sau-bao-4791846.html

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/xu-ly-nghiem-viec-loi-dung-mua-bao-tang-gia-ban-hang-hoa-bat-hop-ly-d52062.html