VNReport»Kinh tế»Người bán hàng online lo bị chèn ép khi chuyển từ B2B sang D2C

Người bán hàng online lo bị chèn ép khi chuyển từ B2B sang D2C

10:20 - 19/09/2024

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực thương mại điện tử nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 25 tỷ USD. Song, mặc dù có quy mô và tốc độ phát triển nhanh chóng nhưng tình hình kinh doanh trên các sàn TMĐT ngày càng khó khăn, đặc biệt là với những người kinh doanh nhỏ, lẻ.

 

Theo báo cáo mới công bố của YouNet ECI – một công ty phân tích và tư vấn phát triển kênh thương mại điện tử, trong quý II, tổng số lượng nhà bán có doanh thu đã sụt giảm tới 26.000 so với quý trước. Thị trường ngày càng phát triển theo hướng chắt lọc, tập trung.

Lý giải cho điều này, các chuyên gia cho rằng tình hình kinh doanh trên sàn TMĐT ngày càng khó khăn phần lớn là do nhiều nhà xưởng, doanh nghiệp chuyển mô đổi hình từ B2B sang D2C trên sàn TMĐT và giá bán giá rẻ hơn thị trường đến 15%-20% khiến những người kinh doanh nhỏ lẻ hết đường sống.

Sự gia tăng sử dụng Internet, smartphone và các nền tảng thương mại điện tử đã thúc đẩy phát triển mô hình D2C

Được biết, B2B nghĩa là doanh nghiệp bán sản phẩm hoặc dịch vụ cho các doanh nghiệp khác. Mô hình B2B trong thương mại điện tử được hiểu là hình thức giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp với nhau thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Trong mô hình này, các doanh nghiệp không tập trung vào việc bán hàng trực tiếp cho người dùng cuối thay vào đó, họ tập trung vào việc tạo ra giá trị cho các đối tác kinh doanh khác.

Các giao dịch thương mại điện tử B2B có thể bao gồm việc mua bán hàng hoá, dịch vụ, hoặc thậm chí là việc chia sẻ thông tin và hợp tác trong các dự án lớn. Điều này thường xảy ra giữa các doanh nghiệp cùng hoạt động trong cùng một ngành công nghiệp hoặc chuỗi cung ứng.

Trong khi đó, mô hình D2C nghĩa là doanh nghiệp bán sản phẩm hoặc dịch vụ trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không qua trung gian.

D2C trong thương mại điện tử cho phép doanh nghiệp phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng (qua cửa hàng chính hãng, website, thương mại điện tử) mà không cần qua bất kì một kênh phân phối nào khác.

Sự gia tăng sử dụng Internet, smartphone và các nền tảng thương mại điện tử đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp D2C tiếp cận khách hàng trực tiếp. Đồng thời, các công cụ như mạng xã hội và quảng cáo trực tuyến giúp doanh nghiệp dễ dàng kết nối với người tiêu dùng.

Thực tế, tại Việt Nam đại dịch Covid-19 xuất hiện, giãn cách xã hội kéo dài chính là động lực thúc đẩy hình thức mua sắm online phát triển mạnh mẽ, tạo tiền đề quan trọng cho mô hình D2C vươn lên chiếm lĩnh thị trường.

Nếu đi bán hàng qua các kênh phân phối trung gian, nhà sản xuất sẽ không biết chân dung người mua cuối cùng là ai. Trong khi đó, với mô hình D2C, nhà sản xuất sẽ giao tiếp trực tiếp với người tiêu dùng của mình. Qua đó, nắm được khối lượng dữ liệu khổng lồ liên quan đến thói quen mua sắm của khách hàng để từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm cùng các hoạt động tiếp thị, thậm chí phát triển sản phẩm mới dựa trên nguồn dữ liệu thu được từ khách hàng.

Hiểu được điều này, nhiều DN nhỏ bắt đầu chuyển B2B sang D2C do lợi nhuận qua các kênh phân phối không còn hiệu quả. Chính thực trạng này đã vô tình khiến những người bán lẻ online bị bóp nghẹt. Song song đó, các sàn liên tục thay đổi chính sách, ưu ái người tiêu dùng, cho phép trả hàng vô tội vạ, ảnh hưởng lớn tới người bán.

Chưa kể đến, theo các chuyên gia lĩnh vực bán lẻ và TMĐT, hiện nay nhiều DN cũng gặp khó khăn trong việc phát triển các kênh phân phối. Riêng trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), đa số DN kinh doanh trên TMĐT chủ yếu để làm thương hiệu cho DN và sản phẩm, bán hàng chỉ là yếu tố phụ.

TS Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, chia sẻ trên báo Người lao động rằng, trong chuỗi cung ứng hàng hóa, nhà sản xuất chuyên môn hóa bằng cách tập trung nguồn lực cho sản xuất và bán sỉ cho DN/đại lý phân phối.

Một số nhà sản xuất lớn, tiềm lực mạnh thì tổ chức chuỗi cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý phân phối bán lẻ và có chính sách riêng cho hệ thống của mình. Nếu không, các kênh phân phối sẽ giẫm chân lên nhau, không những không có lợi mà còn gây thiệt hại cho DN. Tuy nhiên, khi TMĐT phát triển nhanh và mạnh, nhà sản xuất dù muốn dù không cũng phải tham gia vào sân chơi này. Bản thân Xuân Nguyên cũng xây dựng website để giới thiệu sản phẩm và bán hàng online nhưng chủ yếu là để quảng bá, giới thiệu chứ không để mục đích phát triển doanh thu.

“Xu hướng các DN nhỏ và siêu nhỏ, các DN khởi nghiệp chưa đủ điều kiện tham gia vào kênh phân phối siêu thị, cửa hàng, chưa có sản lượng lớn… đang tận dụng kênh online để bán trực tiếp đến người tiêu dùng.

Trong nhiều trường hợp, họ phân phối sản phẩm chưa có đủ giấy tờ chứng nhận, chất lượng chưa được kiểm chứng với giá rẻ hơn nhiều so với giá của sản phẩm có thương hiệu, có giấy tờ chứng nhận đầy đủ và tạo nên sự cạnh tranh không sòng phẳng trên thị trường” – ông Vũ phản ánh.

Theo: https://nld.com.vn/nguoi-ban-hang-online-lo-bi-chen-ep-196240917202627248.htm?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews