VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Chủ động ổn định thị trường tiêu dùng trong bão lũ

Chủ động ổn định thị trường tiêu dùng trong bão lũ

13:41 - 23/09/2024

Bão số 3 đi qua đã để lại hậu quả nặng nề, chưa kịp khắc phục thì chưa bao lâu thì cơn bão số 4 đã đến

Theo đó, bão số 3 đã khiến Trên 307.000 hécta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị bị gãy đổ… làm đứt gãy giao thông vận chuyển hàng hóa một số nơi, dẫn đến khan hiếm các mặt hàng thiết yếu, làm tăng giá cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trước khi cơn bão đổ bộ đã xảy ra tình trạng người tiêu dùng đổ xô đến các siêu thị và cửa hàng để mua thực phẩm, nước uống, và các vật dụng cần thiết như đèn pin, nến, và thuốc men. Sự gia tăng đột biến về nhu cầu đã dẫn đến nhiều mặt hàng bị thiếu hụt, trong khi giá cả cũng tăng cao do tâm lý lo lắng và dự trữ của người tiêu dùng. Thực tế, thời điểm đó, Chính Phủ cùng Bộ Công Thương đã đưa ra công điện, chỉ thị để kiểm soát thị trường, ổn định giá cả. Hiện tại miền Bắc, giá rau xanh ở nhiều chợ hiện cao gấp 2 – 3 lần so với trước bão số 3, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết sớm khôi phục vùng sản xuất. Tuy nhiên, một số hệ thống phân phối lớn có điểm bán ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc cho biết nhu cầu hàng hóa, trong đó có các mặt hàng rau củ quả, trái cây, hàng tươi sống tại thị trường miền Bắc đã giảm nhiệt so với cao điểm tuần trước. Các hệ thống cũng đã giảm lượng hàng cung ứng tăng cường cho miền Bắc, chỉ còn bằng 50% so với tuần trước.

Bão số 3 đi qua chưa bao lâu thì cơn bão số 4 đã đến.

Bão số 4 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung

Theo đó, từ chiều 19/9, bão số 4 đổ bộ trực tiếp vào khu vực 2 tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị với sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 10. Sau khi đi vào đất liền, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với hoàn lưu gây mưa lớn có nguy cơ gây ngập lụt tại các vùng trũng và sạt lở đất tại các vùng cao.

Với kinh nghiệm ứng phó từ bão số 3, ngày 20/9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký và ban hành công điện về việc chủ động chuẩn bị dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó ảnh hưởng cơn bão số 4 (Soulik). Công điện được gửi Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Giám đốc Sở Công thương các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… các doanh nghiệp cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu.

Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành phố rà soát kế hoạch, phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa, vật tư, nhu yếu phẩm để đáp ứng kịp thời nhu cầu trong trường hợp xảy ra thiên tai. Nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, xăng dầu, vật liệu xây dựng… Đôn đốc các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, siêu thị tăng cường điều phối nguồn cung, tập trung nguồn lực để vận chuyển hàng hóa cung ứng các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình tại các tỉnh miền Trung. Ưu tiên cung ứng cho các khu vực chịu ảnh hưởng của bão, ngập lụt, chia cắt cục bộ…

Saigon Co.op đảm bảo nguồn hàng, chủ động ứng phó với bão

Nắm bắt được tình hình, nhiều siêu thị đã ngay lập tức bổ sung các mặt hàng thiết yếu để phục vụ người tiêu dùng.

Điển hình như 19 siêu thị Co.opmart cùng 31 cửa hàng thực phẩm Co.op Food tại khu vực miền Trung từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận đã nhanh chóng tăng lượng dự trữ nguồn hàng tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Hàng hóa dự trữ gồm gạo, mì gói, đường, nước mắm, dầu ăn, hạt nêm, bột ngọt. Rau xanh, củ quả, thịt heo, bò, gà các loại… Bên cạnh đó, các trung tâm phân phối Saigon Co.op trên toàn quốc lập kế hoạch vận chuyển, điều tiết nguồn hàng kịp thời cho khu vực miền Trung. Thậm chí, từ nay đến ngày 2/10, hệ thống siêu thị này cũng tổ chức chương trình khuyến mại “Túi hàng to – Giá tiền nhỏ”. Chương trình giảm sâu lên đến 50% cho hơn 1.000 sản phẩm thuộc các nhóm hàng thiết yếu như giặt xả, vệ sinh nhà cửa, thực phẩm, các sản phẩm dành cho trẻ sơ sinh và em bé hoặc mua tặng kèm sản phẩm cùng loại.

Saigon Co.op, MM Mega Market, BRG Mart,… cũng đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, đồng thời bổ sung hàng hoá thiết yếu và cam kết không tăng giá để phục vụ người tiêu dùng trong và sau cơn bão.

Theo: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-chung-tay-on-dinh-thi-truong-tieu-dung-trong-bao-lu.htm