VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Nhiều thương hiệu lớn bị giả mạo để lừa đảo người tiêu dùng

Nhiều thương hiệu lớn bị giả mạo để lừa đảo người tiêu dùng

13:03 - 27/09/2024

Gần đây, nhiều thương hiệu lớn đã trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo giả mạo, gây ra nhiều thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện nhiều vụ lừa đảo giả mạo sử dụng tên, hình ảnh của các doanh nghiệp lớn, nổi tiếng để lừa đảo quảng cáo khuyến mãi nhằm chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng.

Theo đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, hiện nay có rất nhiều chiêu trò giả mạo nhãn hàng nổi tiếng, doanh nghiệp để lừa đảo trực tuyến.

Lừa đảo trực tuyến là hành vi gian lận xảy ra trên Internet, trong đó kẻ lừa đảo sử dụng các phương thức khác nhau để lừa gạt người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tiền bạc hoặc thông tin cá nhân. Tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, đặc biệt là trong thời gian nhu cầu đặt hàng online tăng cao.

Cụ thể, mới đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện quảng cáo (được tài trợ) fanpage SamCenter Việt Nam với nội dung khai trương cơ sở mới, đồng thời bán giảm giá 5.000 chiếc tai nghe Buds 2 Pro lên tới 70% chỉ còn 599.000 đồng/chiếc (giá gốc 4.990.000 đồng). Đi kèm là hình ảnh cửa hàng SamCenter với cảnh dòng người xếp hàng đang mua sản phẩm tại đây.

SamCenter bị giả mạo để lừa đảo người tiêu dùng. Ảnh: NCSC.

SamCenter Việt Nam là một chuỗi cửa hàng ủy quyền chính hãng của Samsung tại Việt Nam. Những ngày sau đó, fanpage này liên tiếp xuất hiện thông tin về số lượng tai nghe này được bán ra. Hơn nữa, để nâng cao uy tín, Fanpage giả mạo này còn giới thiệu rất chi tiết về chiếc tai nghe Galaxy Buds 2 Pro, với hình ảnh, âm thanh và màu sắc rất sinh động. Phía cuối trang là chương trình Flash Sale với nội dung “đặt ngay nhận ưu đãi, số lượng có hạn” cùng thời gian đếm ngược chương trình sẽ diễn ra sắp tới. Đặc biệt, bên dưới các bài đăng của trang Fanpage giả mạo, xuất hiện hàng loạt các bình luận seeding với nội dung “đã nhận được hàng” và đánh giá chất lượng sản phẩm.

Đại diện Công ty điện tử Samsung Vina ngay khi tiếp nhận thông tin đã cho biết, các website trên không phải là trang chính thức của Samsung và chương trình giảm giá này cũng không tồn tại. Ngoài ra, còn xuất hiện hàng loạt fanpage, như: Galaxy Brandstore, SamStore Việt Nam, có tin nóng, tin tức 365 New… cũng chạy quảng cáo bán tai nghe giả mạo Buds 2 Pro và đều liên kết về website giả mạo ở trên.

Đây không phải là trường hợp lừa đảo mạo danh mới xảy ra nhưng do bối cảnh nhu cầu mua sắm online tăng cao nên vẫn có người mất cảnh giác bị lừa.

Hay một hãng lớn như Adidas mới đây cũng bị mạo danh tên tuổi để lừa đảo. Theo đó, một số người dùng mạng xã hội nhận được tin nhắn với nội dung “nhận quà từ Adidas nhân kỷ niệm 70 năm thành lập công ty” kèm theo đường link để người dùng đăng nhập. Nếu ai mở đường link đính kèm, làm theo hướng dẫn thì Facebook sẽ bị chiếm đoạt ngay và sau đó tin nhắn này lại được phát tán tự động theo danh bạ người quen.

Đáng chú ý, gần đây, lợi dụng tình hình bão số 3, nhiều đối tượng lừa đảo đã lập các Fanpage giả mạo thương hiệu nổi tiếng hoặc tổ chức từ thiện để kêu gọi từ thiện từ người tiêu dùng, rồi từ đó chiếm đoạt tài sản.

Thực tế, thủ đoạn giả mạo các nhãn hàng lớn để gửi đường link nhằm chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng không phải là thủ đoạn mới. Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là gửi link có nội dung khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn và yêu cầu người tiêu dùng nhập thông tin đăng nhập trang Facebook cá nhân, thậm chí là mật khẩu tài khoản ngân hàng, sau đó tiến hành chiếm đoạt tài khoản của các nạn nhân. Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo cũng sẽ lần lượt nhắn tin cho danh sách bạn bè trên Facebook để nhờ nạp tiền, chuyển khoản. Đối với các tài khoản ngân hàng, chúng sẽ thực hiện chuyển tiền hoặc rút tiền.

Năm 2023, tổng số tiền người dân bị lừa đảo khoảng 8.000 – 10.000 tỉ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2022, trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.

Thống kê từ Bộ Công an cho thấy, chỉ trong tháng 8/2024 đã có 815 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó 55% là qua mạng. Chỉ từ tháng 3 đến tháng 8/2024, Bộ Công an đã vô hiệu hóa hơn 400.000 trang web và tài khoản mạng xã hội nghi vấn liên quan đến lừa đảo.

Các thủ đoạn lừa đảo qua mạng đã trở nên đa dạng và phức tạp, từ giả mạo các cơ quan nhà nước đến lập các trang web và tài khoản mạng xã hội giả mạo của các nhãn hàng, doanh nghiệp nổi tiếng để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Đây là tình trạng đáng báo động đòi hỏi cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục sát sao theo dõi và xử lý để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tỉnh táo khi lựa chọn mua các sản phẩm giảm giá của các hãng công nghệ được quảng cáo trên Facebook. Nếu có chương trình giảm giá cũng sẽ thông báo trên website chính thức của hãng chứ không phải chạy quảng cáo trên mạng xã hội này. Tốt nhất là người tiêu dùng nên liên hệ trực tiếp với bộ phận chăm sóc khách hàng của thương hiệu để xác minh. Các chương trình khuyến mãi quá tốt và hấp dẫn thường là dấu hiệu của lừa đảo.

Bên cạnh đó, hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Đồng thời, nếu gặp phải tình huống nghi ngờ là lừa đảo, báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc thương hiệu bị giả mạo để có thể có biện pháp xử lý kịp thời.

Theo: https://nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn/nhieu-thuong-hieu-lon-bi-gia-mao-de-lua-dao-nguoi-tieu-dung-107155.html