VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»4 lĩnh vực, dịch vụ bị người tiêu dùng khiếu nại, phản ánh nhiều nhất

4 lĩnh vực, dịch vụ bị người tiêu dùng khiếu nại, phản ánh nhiều nhất

12:37 - 04/10/2024

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm, Tổng đài tiếp nhận khoảng hơn 10.000 cuộc gọi. Trong số đó, có khoảng 80% các cuộc gọi được tiếp nhận và tư vấn

Người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nếu như sản phẩm làm ra mà không có người tiêu thụ sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa, nền kinh tế không phát triển và các doanh nghiệp không thể tồn tại.

Trong thời đại ngày nay, với xu thế toàn cầu hoá và sự phát triển của công nghệ, nhiều sản phẩm, dịch vụ đã ra đời, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì mục đích lợi nhuận một số doanh nghiệp, nhà sản xuất đã vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Họ đưa ra thị trường các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, thậm chí có sản phẩm còn gây nguy hại tới sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Hơn nữa, sự phát triển của khoa học công nghệ đã cho ra đời nhiều mô hình kinh doanh mới, trong đó không ít mô hình tiềm ẩn những rủi ro lừa đảo cho người tiêu dùng.

Ý thức được sự phức tạp này, cũng như hạn chế việc thiếu thông tin giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, năm 2015, Cục Quản lý Cạnh tranh (tiền thân của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ngày nay) đã chính thức ra mắt Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838. Tổng đài này sẽ thực hiện chức năng tư vấn 2 nội dung chính bao gồm: Tư vấn về quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trung bình mỗi năm, Tổng đài tiếp nhận khoảng hơn 10.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm, Tổng đài tiếp nhận khoảng hơn 10.000 cuộc gọi. Trong số đó, có khoảng 80% các cuộc gọi được tiếp nhận và tư vấn. Cụ thể, trong năm 2023, Tổng đài tư vấn và hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã ghi nhận 11.237 cuộc gọi đến; trong đó, các tổng đài viên của Uỷ ban đã tiếp nhận và trả lời 8.848 cuộc gọi, chiếm khoảng 78,7%. Trong số 8.848 cuộc gọi được trả lời, có khoảng 75% cuộc gọi liên quan đến yêu cầu tư vấn, hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, hầu hết các yêu cầu tư vấn liên quan đến chính sách, pháp luật và kiến thức tiêu dùng đều được tổng đài viên tư vấn, giải đáp ngay khi tiếp nhận qua hệ thống Tổng đài. Trong đó, có 4 lĩnh vực, dịch vụ bị người tiêu dùng khiếu nại, phán ánh nhiều nhất. Cụ thể:

Bất động sản

Bất động sản, nhà ở là lĩnh vực ghi nhận nhiều phản ánh nhất qua Tổng đài 1800.6838.

Theo đó, trong năm 2023, số lượng đơn, thư liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhà ở chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số 22 nhóm ngành hàng hóa, dịch vụ. Nội dung mà người tiêu dùng muốn phản ánh chủ yếu liên quan đến vi phạm quy định về giao kết hợp đồng giữa người tiêu dùng và đơn vị kinh doanh bất động sản, nhà ở.

Bảo hiểm

Bảo hiểm là nhóm ngành hàng hoá, dịch vụ chiếm tỷ lệ đơn, thư phản ánh lớn. Các vụ khiếu nại chủ yếu là tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm bởi người tiêu dùng khó nắm bắt được thông tin rõ ràng về lợi ích và quyền lợi cũng như trách nhiệm của mình trước khi đồng thuận có nên mua hay không mua bảo hiểm.

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, qua phản ánh của người tiêu dùng, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi mua bảo hiểm, pháp luật Việt Nam cần đề cập rõ ràng hơn về trách nhiệm, hình thức, mức độ xử phạt doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cũng như thông tin rõ về quyền lợi của người tiêu dùng khi mua bảo hiểm, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm.

Thương mại điện tử

Thương mại điện tử có sự phát triển bùng nổ trong những năm gần đây, do đó không có gì ngạc nhiên khi đây cũng là lĩnh vực bị người tiêu dùng khiếu nại, phản ánh nhiều.

Thương mại điện tử lĩnh vực nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng

Theo đó, phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến các giao dịch trực tuyến chủ yếu là: Hàng hóa nhận được không đúng (về chủng loại, số lượng, chất lượng) với nội dung doanh nghiệp đã quảng cáo, giới thiệu trên không gian mạng; hàng hóa nhận được bị hỏng hóc, bể vỡ, nhưng đơn vị vận chuyển và sàn thương mại điện tử đổ lỗi cho nhau, không chịu trách nhiệm đền bù cho người tiêu dùng; nhà bán trên sàn thương mại điện tử không thực hiện bảo hành, đổi trả hàng hóa như chính sách đã cam kết, công bố; người tiêu dùng không nhận được hàng hoặc bị giao hàng chậm, không đúng với thời gian giao ước; người tiêu dùng đã trả hàng nhưng nhà bán không hoàn tiền và chặn liên lạc; người tiêu dùng bị đánh cắp thông tin cá nhân, nhận được đơn hàng trùng lặp trong đó có đơn hàng không có giá trị…

Sở hữu kỳ nghỉ

Đây là một lĩnh vực mới nhưng lại có số lượng cuộc gọi khiếu nại, phản ánh gia tăng đột biến. Được biết, trong gian đoạn năm 2023 lượng đơn, thư liên quan đến lĩnh vực này chiếm 50% tổng số lượng đơn, thư được gửi đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Nội dung chủ yếu được người tiêu dùng phản ánh bao gồm: Khách hàng không được cung cấp đầy đủ thông tin hoặc được cung cấp thông tin không chính xác; khách hàng phải đặt cọc một khoản tiền lớn ngay tại sự kiện, không được cung cấp hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để đọc và nghiên cứu; hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ có thời hạn dài, khoảng vài chục năm, trong đó, chỉ bên cung cấp dịch vụ được quyền chấm dứt hợp đồng, chủ sở hữu kỳ nghỉ không có quyền chấm dứt hợp đồng và không được hoàn trả lại tiền trong bất kỳ trường hợp nào; hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ có các điều khoản bất lợi, gây thiệt hại cho khách hàng; các loại phí liên quan đến quyền nghỉ dưỡng như phí thường niên, phí trao đổi, phí chuyển nhượng… tăng cao bất hợp lý, gây thiệt hại cho khách hàng; phân biệt đối xử giữa khách hàng vãng lai và các khách hàng chủ sở hữu kỳ nghỉ; khách hàng không thực hiện được quyền nghỉ dưỡng của mình hoặc quyền trao đổi kỳ nghỉ tại các địa điểm nghỉ dưỡng khác bởi các điều kiện, điều khoản mang tính hạn chế của doanh nghiệp; một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình kinh doanh kỳ nghỉ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân…

https://congthuong.vn/diem-mat-cac-linh-vuc-dich-vu-bi-nguoi-tieu-dung-khieu-nai-phan-anh-nhieu-nhat-349439.html