VNReport»Chưa được phân loại»Khốc liệt thị trường thương mại di động tại Việt Nam

Khốc liệt thị trường thương mại di động tại Việt Nam

14:10 - 08/10/2024

Để tận dụng tài nguyên di động cũng như bắt kịp xu hướng mua sắm trực tuyến, ngày càng nhiều doanh nghiệp khai thác các ứng dụng thương mại điện tử để phục vụ hoạt động mua sắm của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, sự phát triển này cũng dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, từ các ông lớn trong ngành thương mại điện tử đến những start-up mới nổi

Thương mại di động (m-commerce) là quá trình mua và bán hàng hóa thông qua các thiết bị cầm tay không dây như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Các giao dịch thương mại di động có thể dành cho các sản phẩm hoặc dịch vụ bao gồm các mặt hàng thời trang, phần mềm kinh doanh hoặc hàng tiêu dùng. Hay nói cách khác dễ hiểu hơn, thương mại di động là một loại thương mại điện tử cho phép người mua sắm trực tuyến mua hàng mà không cần sử dụng máy tính.

Nếu như thương mại điện tử mô tả bất kỳ hình thức mua và bán sản phẩm trực tuyến nào thì thương mại di động là một tập hợp con của thương mại điện tử mô tả việc mua hoặc bán qua thiết bị di động. Những người mua sắm trên máy tính để bàn có nhu cầu mua hàng khác với những người sử dụng điện thoại thông minh. Các nhà bán lẻ thương mại điện tử cần một trang web thân thiện với thiết bị di động tải trên những màn hình nhỏ hơn hoặc một ứng dụng di động chuyên dụng mà khách hàng có thể tải xuống thiết bị của họ và mua hàng.

Theo báo cáo của We Are Social và Hootsuite, đến năm 2023, Việt Nam có hơn 70 triệu người dùng điện thoại thông minh, chiếm khoảng 70% dân số. Cũng thống kê năm 2023, tỷ lệ người dùng smartphone/người dùng điện thoại di động ước đạt 84,4%, cao hơn tỷ lệ trung bình quốc tế (trung bình quốc tế: 63% theo nguồn báo cáo của Statista). Số thuê bao băng rộng di động đạt 84,9 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 85,5 thuê bao/100 dân), tăng 1,75% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 95,4% kế hoạch năm 2023. Với tỷ lệ người sử dụng smartphone ngày càng tăng và sự phổ biến của Internet cùng các gói cước 3G, 4G, 5G, người tiêu dùng Việt Nam đang dần chuyển mình sang hình thức mua sắm trực tuyến tiện lợi và nhanh chóng.

Năm 2023, Việt Nam có hơn 70 triệu người dùng điện thoại thông minh

Do đó, để tận dụng tài nguyên di động cũng như bắt kịp xu hướng mua sắm trực tuyến, ngày càng nhiều doanh nghiệp khai thác các ứng dụng thương mại điện tử để phục vụ hoạt động mua sắm của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sự phát triển này cũng dẫn đến một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, từ các ông lớn trong ngành thương mại điện tử đến những start-up mới nổi. Các công ty không chỉ phải đối mặt với áp lực về giá cả mà còn cần phải đổi mới liên tục trong sản phẩm và dịch vụ để thu hút khách hàng. Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến trên di động ngày càng phát triển, việc xây dựng thương hiệu mạnh và tạo ra trải nghiệm khách hàng tốt trở thành những yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Thị trường thương mại di động Việt Nam không chỉ là một sân chơi sôi động mà còn là một thách thức lớn cho tất cả các bên tham gia.

Trong đó, nổi bật nhất là các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, TikTok Shop khi mà các nền tảng này ngày càng phổ biến và được nhiều người ưa chuộng. Các sàn thương mại điện tử này không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm mà còn đầu tư vào trải nghiệm của người dùng. Theo đó, đây là các ứng dụng này đã đầu tư một khoản lớn vào giao diện và phát triển các tính năng cho phép người dùng tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá cả, đọc đánh giá và thực hiện giao dịch một cách dễ dàng chỉ với vài thao tác trên điện thoại. Điều này không chỉ tăng cường trải nghiệm mua sắm mà còn thúc đẩy sự phát triển của thương mại di động.

Nhìn chung, sự phát triển của thương mại di động đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam khi tạo ra nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ và góp phần hiện đại hóa nền kinh tế.

Để thương mại di động phát triển hơn nữa, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề bảo mật và quyền riêng tư bởi các vụ rò rỉ thông tin cá nhân và tấn công mạng có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Có lẽ các doanh nghiệp, các nền tảng thương mại điện tử cần đầu tư hơn vào các biện pháp bảo mật và tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu khi triển khai ứng dụng thương mại di động. Mặt khác, sự đa dạng của các hệ điều hành (iOS, Android, Windows), đa dạng về các dòng thiết bị di động và sự khác biệt về cấu trúc và giao diện người dùng đòi hỏi sự linh hoạt và kiến thức sâu rộng về kỹ thuật.

Để tận dụng tối đa những cơ hội, các doanh nghiệp cần phải đối mặt với những thách thức về cạnh tranh, bảo mật và hạ tầng kỹ thuật. Trong bối cảnh thị trường đang không ngừng biến đổi, sự nhạy bén và khả năng thích ứng của mỗi doanh nghiệp hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển của thương mại di động tại Việt Nam, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế số.

https://etime.danviet.vn/khoc-liet-thi-truong-thuong-mai-di-dong-tai-viet-nam-20241007125529601.htm