VNReport»Top»8 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam

8 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam

17:21 - 08/10/2024

Chỉ trong 2 năm qua, Việt Nam đã có thêm 5 đối tác chiến lược toàn diện mới bao gồm Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc và Pháp.

  1. Trung Quốc

Trung Quốc và Việt Nam là những nước láng giếng có quan hệ qua lại trong hàng nghìn năm. Hai nước có sự tương đồng về văn hóa và hiện có cùng thể chế chính trị. Trong lịch sử, Trung Quốc từng trực tiếp cai trị Việt Nam trong nhiều thế kỷ và thỉnh thoảng lại cố gắng xâm lược Việt Nam dưới các triều đại nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh …

Trong thời hiện đại, Trung Quốc là một trong những nước hỗ trợ lớn nhất cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong thập niên 1950 và 1960, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc chiến thắng trong cuộc nội chiến vào năm 1949. Đến khoảng cuối thập niên 1960 – đầu 1970, quan hệ giữa 2 nước xấu đi khi Trung Quốc có bất đồng với Liên Xô – đồng minh lớn nhất của Việt Nam – và thiết lập quan hệ với Mỹ. Đỉnh điểm của căng thẳng là Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979, sau đó là những cuộc xung đột lẻ tẻ ở biên giới và quần đảo Trường Sa kéo dài đến năm 1991, khi hai nước bình thường hóa quan hệ sau Hội nghị Thành Đô.

Tháng 5/2008, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, 2 bên nhất trí phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Hiện nay, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, nhưng hai nước vẫn có bất đồng, chủ yếu xoay quanh tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

  1. Nga

Quan hệ ngoại giao giữa Nga và Việt Nam chính thức được thiết lập vào năm 1950, khi Liên Xô mở đại sứ quán ở Hà Nội. Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nga kế thừa quan hệ song phương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều thành viên khác của Đảng Cộng sản Đông Dương từng theo học ở Moscow. Liên Xô – cùng với các nước vệ tinh ở Đông Âu và Trung Quốc – là những quốc gia đầu tiên công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và sau đó, Liên Xô là một trong những nước cung cấp viện trợ quân sự và dân sự nhiều nhất cho Việt Nam.

Năm 2001, Nga trở thành nước đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đến năm 2012, trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, 2 bên ra tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Quan hệ thương mại giữa hai nước không còn chặt chẽ như thời Liên Xô. Mặc dù vậy, hai nước vẫn có những dự án liên doanh đáng chú ý trong lĩnh vực năng lượng. Trong lĩnh vực quốc phòng, Nga vẫn là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trong những nước mua vũ khí nhiều nhất của Nga.

  1. Ấn Độ

Ấn Độ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2016, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Việt Nam. Đây là sự nâng cấp từ quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Ấn Độ vào tháng 7/2007.

Hai nước có quan hệ văn hóa và kinh tế từ thế kỷ 2. Vương quốc Chăm Pa – thuộc vùng văn hóa Ân Độ – có ảnh hưởng đến nghệ thuật và kiến trúc của Việt Nam. Ấn Độ là một trong những nước ngoài khối cộng sản ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1992, hai nước thiết lập quan hệ kinh tế sâu rộng trong các lĩnh vực bao gồm thăm dò dầu khí, nông nghiệp và sản xuất.

Quan hệ giữa hai nước – đặc biệt là quan hệ quốc phòng – hưởng lợi nhiều từ chính sách Hướng Đông của Ấn Độ. Hợp tác quân sự song phương bao gồm mua bán thiết bị quân sự, chia sẻ thông tin tình báo, tập trận hải quân chung, huấn luyện chống nổi dậy và chiến tranh trong rừng. Ấn Độ cũng thường xuyên cử tàu chiến thăm thiện chí vùng biển Việt Nam.

  1. Hàn Quốc

Hàn Quốc trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam sau khi hai bên thống nhất nâng cấp quan hệ song phương vào tháng 12/2022 nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. 30 năm trước đó, vào tháng 12/1992, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Năm 2009, mối quan hệ được nâng lên thành “đối tác hợp tác chiến lược” trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Lee Myung-bak.

Thời phong kiến, cả Cao Ly – tên cũ của bán đảo Triều Tiên – và Việt Nam đều nằm trong khối văn hóa Á Đông, và quan chức 2 nước thường xuyên gặp gỡ khi đến Trung Quốc triều cống. Sau khi Trần Thủ Độ thảm sát nhà Lý, những người cuối cùng còn sống sót của dòng họ này trốn sang Cao Ly. Trong chiến tranh Việt Nam, Triều Tiên và Hàn Quốc đều ủng hộ các đồng minh của mình. Trong đó, Hàn Quốc gửi quân giúp Việt Nam Cộng hòa. Từ năm 1965 đến 1973, 312.853 lính Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam.

Ở thời điểm bình thường hóa quan hệ vào năm 1992, Hàn Quốc đã là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam và hiện vẫn giữ vị trí này (sau Trung Quốc và Mỹ). Hàn Quốc cũng là nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam tính theo giá trị lũy kế. Nhiều tập đoàn hàng đầu của nước này như Samsung, LG, Lotte, Posco, Hyundai… đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam. Hai nước cũng có quan hệ thân thiết trong các lĩnh vực lao động nhập cư và du lịch.

  1. Mỹ

Ngày 10/9/2023, trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội, Mỹ và Việt Nam đã ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất. Đáng chú ý, đây là trường hợp đầu tiên Việt Nam nâng quan hệ với một nước từ đối tác toàn diện lên thẳng đối tác chiến lược toàn diện, bỏ qua mức đối tác chiến lược. Mỹ và Việt Nam xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào tháng 7/2013.

Hai nước có quan hệ ngoại giao từ thế kỷ 19, nhưng tình hình xấu đi sau khi Mỹ từ chối bảo vệ Việt Nam khỏi cuộc xâm lược của Pháp. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ bí mật ủng hộ Việt Minh chống Đế quốc Nhật Bản ở Đông Dương. Sau khi Liên bang Đông Dương tan rã, Mỹ ủng hộ Việt Nam Cộng hòa và trực tiếp chiến đấu chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau năm 1975, Mỹ cấm vận thương mại và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Lệnh cấm vận được dỡ bỏ vào năm 1994 và một năm sau, 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.

Hiện tại, Mỹ coi Việt Nam là một đối tác có thể giúp họ chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ, tất cả các Tổng thống Mỹ đều đến Việt Nam ít nhất một lần.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Cộng đồng Việt kiều ở Mỹ lên đến hơn 2 triệu người, phần lớn là người nhập cư sau năm 1975. Gần một nửa số Việt kiều trên toàn cầu sống ở Mỹ.

  1. Nhật Bản

Ngày 18/3/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Shinzo Abe ký tuyên bố chung nâng cấp quan hệ giữa hai nước từ đối tác chiến lược lên “đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Đến tháng 11/2023, hai nước chính thức nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Tokyo.

Hai nước đã có quan hệ từ thế kỷ 16 khi các nhà buôn Nhật Bản đến Việt Nam buôn bán. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Đế quốc Nhật Bản từng xâm lược Việt Nam cũng như toàn bộ khu vực Đông Dương – khi đó là thuộc địa của Pháp. Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1973.

Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là một nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Nước này cũng đã cung cấp các khoản vay ưu đãi ODA lên đến hơn 20 tỷ USD cho Việt Nam, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam.

  1. Úc

Việt Nam và Úc đã xác lập quan hệ ngoại giao từ ngày 26/2/1973. Quan hệ giữa hai nước được nâng cấp lên đối tác toàn diện vào tháng 9/2009, đối tác chiến lược vào tháng 3/2018 và đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 3/2024, trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Úc đạt cấp quan hệ cao nhất với Việt Nam.

Trong lịch sử, hai nước gần như không có liên hệ nào cho đến trước chiến tranh Việt Nam. Trong chiến tranh, Úc tham gia liên minh hỗ trợ Việt Nam Cộng hòa chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi chiến tranh kết thúc, Úc đã tiếp nhận nhiều người tị nạn từ Việt Nam.

Hiện nay, Úc là một trong số những quốc gia có nhiều Việt kiều nhất, với hơn 330.000 người tính đến năm 2021. Việt Nam cũng gửi hơn 36.000 du học sinh đến các trường ở Úc vào năm 2024. Năm 2023, Úc là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Úc, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 13,8 tỷ USD.

  1. Pháp

Pháp là đối tác chiến lược toàn diện mới nhất của Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng bí thư và Chủ tịch nước Tô Lâm đến Paris tháng 10/2024. Đây là quốc gia đầu tiên thuộc Liên minh châu Âu thiết lập quan hệ ngoại giao cấp cao nhất với Việt Nam. Hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12/4/1973 và nâng cấp lên đối tác chiến lược vào năm 2013.

Năm 2023, Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam ở châu Âu với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 4,8 tỷ USD. Pháp là nhà tài trợ Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) ở châu Âu lớn nhất cho Việt Nam. Nước này cũng có cộng đồng Việt kiều lớn nhất ở châu Âu, với khoảng 300.000 người.

Những người Pháp đầu tiên đến Việt Nam vào thế kỷ 17 nhằm mục đích truyền giáo. Cuối thế kỷ 18, Pháp bắt đầu gây ảnh hưởng ở Đông Dương với sự hỗ trợ của linh mục Pigneau de Béhaine cho chúa Nguyễn Ánh trong chiến tranh với quân Tây Sơn. Hiệp ước Versailles năm 1787 – dù không được thi hành – đánh dấu quan hệ ngoại giao chính thức đầu tiên giữa hai nước.

Quan hệ giữa hai nước xấu đi sau thời Nguyễn Ánh. Năm 1868, Pháp tấn công Việt Nam, với mục đích tuyên bố là bảo vệ các nhà truyền giáo. Sau khoảng 20 năm, Pháp thuộc địa hóa thành công Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Nam Kỳ và Campuchia, lập nên Đông Dương thuộc Pháp. Đến năm 1954, Việt Nam giành độc lập sau khi chiến thắng trong Chiến tranh Đông Dương.