VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»“Siết” quản lý quảng cáo trên không gian mạng để bảo vệ người tiêu dùng

“Siết” quản lý quảng cáo trên không gian mạng để bảo vệ người tiêu dùng

12:53 - 14/10/2024

Theo thống kê của Wearesocial và DataReportal, tại Việt Nam, tính đến tháng 1/2024 có 78,44 triệu người sử dụng Internet tương đương 79,1% dân số. Trong khi đó, với MXH chúng ta có 72,7 triệu người đang sử dụng MXH, tương đương 73,3% dân số. Với dấu ấn này, MXH ngày nay không chỉ là nơi kết nối, giao lưu, chia sẻ thông tin mà nó còn được sử dụng như một công cụ kiếm tiền trên không gian mạng

Theo đó, các doanh nghiệp bắt kịp xu hướng dựa vào MXH để lắng, kết nối và thấu hiểu nhu cầu của người tiêu dùng để từ đó kịp thời điều chỉnh sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của họ. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ngày nay lựa chọn hình thức quảng cáo trên MXH để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Được biết, để sản phẩm tiếp cận được với nhiều người tiêu dùng hơn thì doanh nghiệp, nhãn hàng sẽ hợp tác với các tài khoản nổi tiếng, có nhiều người theo dõi. Do đó, để nổi tiếng và có các hợp đồng quảng cáo, nhiều người sản xuất các nội dung số phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục bất chấp quy định của pháp luật. Đặc biệt, đi kèm với đó là những quảng cáo sai sự thật, quảng cáo sản phẩm kém chất lượng và lừa đảo người tiêu dùng qua không gian mạng.

Với sự gia tăng nhanh chóng của các nền tảng trực tuyến, cùng sự bùng nổ của các sàn TMĐT, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin và sản phẩm, nhưng cũng đối mặt với nhiều rủi ro từ quảng cáo không minh bạch, sai sự thật hoặc lừa đảo.

Thực trạng này đòi hỏi phải có biện pháp xử lý, trả lại môi trường kinh doanh trong sạch trên không gian mạng cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng quy định về hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng còn nhiều lỗ hổng khi tồn tại một số điểm chưa hợp lý, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện.

Do đó, tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 tới đây, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (Dự thảo) sẽ được Quốc hội cho ý kiến.

Với sự bùng nổ của dịch vụ Internet và MXH, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin và sản phẩm

Cụ thể như, một số quy định của pháp luật về nội dung và hình thức quảng cáo chưa phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo; các quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển về kinh tế – xã hội và xu thế hội nhập; quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành khác.

Thực tế, những năm gần đây, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong bối cảnh các quản cáo trên không gian mạng tràn lan, các đơn vị chức năng của Bộ TTTT đã tiến hành rà soát, xử lý các nội dung quảng cáo vi phạm, đặc biệt tập trung vào các quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, dịch vụ. Khi xác định được đối tượng vi phạm, Bộ sẽ xử phạt hành chính. Trường hợp không xác định được danh tính, Bộ yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ nội dung hoặc chặn tên miền, website vi phạm.

Đối với các nội dung xấu độc và quảng cáo sai sự thật phát tán qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Bộ TTTT yêu cầu các nền tảng áp dụng công nghệ AI để phát hiện và xử lý vi phạm nhanh chóng, phải gỡ bỏ ngay các các nội dung vi phạm.

Theo thống kê, thời điểm từ năm 2017 trở về trước, các nền tảng mạng xã hội không thực hiện gỡ bỏ bất cứ nội dung nào theo yêu cầu của Bộ TTTT. Phải từ cuối năm 2017 đến năm 2019, tỷ lệ đáp ứng này mới có sự dịch chuyển, dù chỉ đạt khoảng 50 – 60%. Từ giai đoạn năm 2020 đến giữa năm 2022, tỷ lệ đáp ứng đạt khoảng 90%, từ cuối 2022 đến nay, tỷ lệ đáp ứng trung bình là 92%.

Năm 2023, Facebook đã gỡ 117 trang (page) quảng cáo, kinh doanh, mua bán hóa đơn trái phép; 43 hội nhóm kêu gọi, hướng dẫn cách bùng, trốn nợ, lừa đảo và rủ nhau đi cướp ngân hàng, gỡ 43 tài khoản và 2 group giả mạo; Google tiếp tục gỡ hàng ngàn quảng cáo thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và tài khoản quảng cáo vi phạm quy định pháp luật.

Riêng trong quý III/2024: Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.751 nội dung, xóa 329 tài khoản và 1 nhóm vi phạm (tỷ lệ 93%). Google đã gỡ 2.024 video vi phạm trên YouTube và 19 kênh vi phạm chứa 49.469 video (tỷ lệ 92%). TikTok đã chặn gỡ 241 nội dung vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, tin giả. Trong đó, xóa 108 tài khoản đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước (chứa khoảng 15.558 video, tỷ lệ 92%).

Nhìn chung, việc “siết” quản lý quảng cáo trên không gian mạng là một bước đi cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh thị trường ngày càng phát triển và phức tạp như hiện nay. Đồng thời, việc nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về cách nhận diện quảng cáo đáng tin cậy cũng là một phần quan trọng trong bối cảnh này. Chỉ khi có một môi trường quảng cáo an, người tiêu dùng với kiến thức của mình mới có thể tự tin đưa ra quyết định mua sắm thông minh.

https://diendandoanhnghiep.vn/siet-quan-ly-quang-cao-tren-khong-gian-mang-10143688.html