VNReport»Chưa được phân loại»Indonesia yêu cầu Google và Apple chặn ứng dụng thương mại điện tử Temu

Indonesia yêu cầu Google và Apple chặn ứng dụng thương mại điện tử Temu

10:41 - 15/10/2024

Theo đó, yêu cầu Google và Apple chặn Temu được đưa ra bởi Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Indonesia Budi Arie Setiadi mới đây. Bộ trưởng Budi đã yêu cầu Alphabet (công ty mẹ Google) và Apple chặn Temu trên các cửa hàng ứng dụng tại Indonesia, mặc dù chính quyền vẫn chưa ghi nhận bất kỳ giao dịch nào của người dân trên nền tảng này. Động thái này được diễn ra trong bối cảnh nền tảng thương mại điện tử nội địa Bukalapak.com của Indonesia hôm 8/10 vừa qua đã phủ nhận tin đồn về kế hoạch thâu tóm của Temu.

Temu là một sàn thương mại điện tử xuyên biên giới có nguồn gốc từ Trung Quốc. Được ra mắt năm 2022, Nền tảng này thuộc sở hữu của PDD Holdings, công ty mẹ của Pinduoduo. Temu được biết đến với việc cung cấp đa dạng các sản phẩm với giá cả rất phải chăng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng trên toàn thế giới. Với mô hình kinh doanh tương tự như Shopee, Temu cho phép người dùng truy cập hàng triệu sản phẩm từ các nhà cung cấp tại Trung Quốc với giá cả cạnh tranh.

Hiện nền tảng này đang hoạt động sôi nổi ở thị trường Bắc Mỹ và đang ra các thị trường khác, bao gồm cả Đông Nam Á.

Được biết, cách đây hơn một năm, Temu bắt đầu thâm nhập hai thị trường đầu tiên của Đông Nam Á là Philippines và Malaysia. Tương tự như Việt Nam, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về việc Temu đang hoạt động tại Indonesia. Tuy nhiên, động thái yêu cầu Google và Apple hạn chế hoạt động của ứng dụng này cho thấy mối liên hệ giữa Temu và Indonesia.

Temu cho phép người dùng truy cập hàng triệu sản phẩm từ các nhà cung cấp tại Trung Quốc với giá cả cạnh tranh.

Tại sao Indonesia lại yêu cầu chặn Temu?

Đầu tiên, chính ông Budi đã nhấn mạnh trong buổi họp báo rằng, động thái này nhằm bảo vệ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia trước “làn sóng” sản phẩm giá siêu rẻ của Temu thuộc PDD Holdings. Hơn nữa, đánh giá về mô hình kinh doanh của Temu, Bộ trưởng Budi cho rằng việc nền tảng này cho phép người tiêu dùng kết nối trực tiếp với các nhà máy ở Trung Quốc để giảm mạnh giá thành là một dạng “cạnh tranh không lành mạnh”.

Ông Budi nhấn mạnh: “Chúng tôi không bảo vệ ngành thương mại điện tử mà đang bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngay lúc này có hàng triệu doanh nghiệp tại Indonesia cần được bảo vệ”.

Thực tế, Temu cung cấp sản phẩm với giá thấp hơn, điều này có thể khiến các nhà bán lẻ trong nước gặp khó khăn trong việc cạnh tranh. Indonesia đã từng trải qua tình trạng tương tự với các ứng dụng thương mại điện tử lớn khác, và họ không muốn thấy điều này lặp lại.

Tiếp theo, trước làn sóng giá rẻ, chính phủ Indonesia cũng muốn bảo vệ các sản phẩm nội địa và khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời quốc gia này với tư cách là thị trường lớn nhất trong khu vực, vẫn đang cố gắng phát triển và bảo vệ ngành công nghiệp công nghệ trong nước. Họ muốn khuyến khích sự phát triển của các nền tảng nội địa thay vì để các ứng dụng nước ngoài chiếm lĩnh thị trường.

Hơn nữa, chính phủ nước này còn lo ngại rằng ứng dụng này có thể gây ra các vấn đề liên quan đến an ninh mạng và bảo mật dữ liệu. Với sự gia tăng của các ứng dụng thương mại điện tử, nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân và dữ liệu tài chính của người tiêu dùng cũng gia tăng. Chính phủ Indonesia muốn bảo vệ người tiêu dùng khỏi những rủi ro này. Indonesia năm ngoái cũng đã buộc nền tảng mạng xã hội TikTok thuộc sở hữu của ByteDance phải ngừng dịch vụ thương mại điện tử để bảo vệ các tiểu thương và dữ liệu người dùng. Sau đó, TikTok phải mua phần lớn cổ phần của đơn vị thương mại điện tử thuộc tập đoàn công nghệ Indonesia GoTo để duy trì hoạt động tại đất nước xứ vạn đảo – thị trường thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á.

Hiện nay, quan chức Indonesia còn khẳng định chính phủ cũng sẽ chặn bất kỳ khoản đầu tư nào từ Temu vào thương mại điện tử trong nước nếu điều đó xảy ra.

Đáng chú ý, không chỉ Temu mà Bộ trưởng Budi cũng khẳng định, Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch yêu cầu lệnh cấm tương tự đối với dịch vụ mua sắm Shein của Trung Quốc.

Temu, Shein, Apple và Google hiện chưa lên tiếng về thông tin này, trong khi đó, người tiêu dùng vẫn có thể tải ứng dụng Temu vẫn từ các cửa hàng ứng dụng tại Indonesia.

Không chỉ với Indonesia, mới đây cũng có thông tin Temu đang lên kế hoạch tiến vào Việt Nam. Đối với người tiêu dùng Việt Nam, Temu có thể mang đến nhiều cơ hội mua sắm hấp dẫn với các sản phẩm đa dạng và giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, cùng với nỗi băn khoăn như Indonesia, sự xuất hiện của Temu cũng đặt ra nhiều câu hỏi và lo ngại, đặc biệt là về an ninh mạng và việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Do đó, Chính phủ Việt Nam vẫn theo dõi sát sao sự phát triển của Temu để đảm bảo Việt Nam có thị trường TMĐT phát triển lành mạnh. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước có thể cảm thấy áp lực từ sự cạnh tranh của ứng dụng này và sẽ cần phải cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ để giữ chân người tiêu dùng.

https://vneconomy.vn/indonesia-yeu-cau-google-va-apple-chan-ung-dung-thuong-mai-dien-tu-teme.htm