VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Người tiêu dùng cẩn trọng khi mua thuốc online

Người tiêu dùng cẩn trọng khi mua thuốc online

14:46 - 18/10/2024

Theo Dân trí, bán thuốc trên sàn TMĐT không chỉ bắt kịp xu hướng chung mà còn mang lại nhiều lợi ích. Theo đó, tại buổi toạ đàm trực tuyến với chủ đề “Thương mại điện tử và dược phẩm – xu hướng, thách thức và giải pháp” diễn ra mới đây trên báo Dân trí, PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, thị trường dược phẩm năm 2023 đạt 7,8 tỷ đô la. Việt Nam đang tiến đến thị trường dược phẩm năm 2030 là 17 tỷ đô la. Vậy nếu vận hành kinh doanh 17 tỷ đô la đó, có những yếu tố làm giảm bớt chi phí, thì rõ ràng hiệu quả kinh doanh của phân khúc thị trường dược phẩm mang lại nhiều lợi ích vì chi phí giảm đi.

Không những thế, người bệnh được tiếp cận, đỡ mất thời gian, đỡ gây hiệu ứng phụ như ùn tắc giao thông, giảm khí thải… tất cả những điều này đều tốt cho nền kinh tế nói chung, cho người hưởng thụ thương mại điện tử. Đặc biệt, nếu Bộ Y tế chấp nhận Telemedicine, y học điện tử, y học từ xa, thì điều này sẽ giảm bớt chi phí xã hội cho người bệnh trrong bối cảnh các bệnh viện tại Việt Nam đang quá tải như hiện nay.

PGS.TS Lê Văn Truyền, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế tại buổi Toạ đàm (Ảnh: Hữu Nghị).

Song, mặc dù mang lại sự tiện lợi và dễ dàng, nhưng rõ ràng mua thuốc online tiềm ẩn nhiều rủi ro mà nhiều người tiêu dùng bỏ qua.

Bối thuốc được bán online, rủi ro lớn nhất là chất lượng sản phẩm. Nhiều trang web không đáng tin cậy có thể bán thuốc giả, hàng nhái hoặc thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hơn nữa, việc thiếu thông tin rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng làm gia tăng nguy cơ mua phải thuốc không an toàn.

Bên cạnh đó, nguy cơ lừa đảo và gian lận trong các giao dịch là rất cao. Theo đó, một số trang web mạo danh các nhà thuốc uy tín để lừa đảo người tiêu dùng, khiến họ không chỉ mất tiền mà còn nhận được sản phẩm kém chất lượng.

Hiện nay, ở Việt Nam người tiêu dùng thường mua thuốc theo các “bác sĩ tự xưng”, thậm chí mua kháng sinh không cần đơn, trong trường hợp mua thuốc online lại càng không nhận được tư vấn chuyên môn từ bác sĩ hoặc dược sĩ, dẫn đến việc sử dụng thuốc không đúng cách hoặc không hiệu quả.

Đặc biệt, mua thuốc từ các trang web không được cấp phép có thể vi phạm quy định pháp lý, gây ra những hậu quả không mong muốn. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng và thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân khi quyết định mua thuốc online, như chọn trang web uy tín và tìm kiếm sự tư vấn chuyên môn.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định ông rất ủng hộ việc mua bán qua thương mại điện tử nhưng vì thuốc là một mặt hàng đặc biệt. Vì vậy, trước khi đưa thuốc lên thương mại điện tử cần đảm bảo giải quyết 2 vấn đề đó là: Người mua được hướng dẫn tư vấn sử dụng thuốc và sản phẩm thuốc phải là sản phẩm được Bộ Y tế cấp phép.

Để chặt chẽ hơn trong vấn đề này, dự thảo Luật Dược sửa đổi cũng đã có một số điểm mới đáng lưu ý.

Thứ nhất, trong lĩnh vực bán lẻ, thuốc được bán lẻ trực tuyến qua website, các ứng dụng, sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến. Theo dự thảo luật chỉ được bán thuốc không kê đơn, các cơ sở kinh doanh chỉ bán theo phạm vi kinh doanh được ghi trong giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược. Trong trường hợp bán lẻ, có đại dịch xảy ra đã được công bố, được bán lẻ thuốc kê đơn.

Với bán buôn, các cơ sở được bán buôn, trừ sản phẩm dược phẩm phải kiểm soát đặc biệt.

Điểm mới thứ 2, cấm kinh doanh dược phẩm trên các mạng xã hội. Nhưng việc livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương cấp phép thì được phép. Còn livestream bán hàng trên mạng xã hội theo dự thảo luật là cấm.

Đa phần mạng xã hội có yếu tố nước ngoài, rất khó xác định danh tính người bán trên đó. Trong khi nhận thức người tiêu dùng, trong đó thuốc kê đơn hạn chế. Để hạn chế rủi ro, ban soạn thảo có đề xuất, giai đoạn này, khi nhận thức xã hội, điều kiện quản lý hiện nay, ưu tiên mở rộng kinh doanh bán thuốc không kê đơn trước.

Cơ sở kinh doanh được bán hàng trên website, sàn thương mại điện tử, miễn là họ đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh. Các cơ sở này phải công bố trên website giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Nhìn chung, không chỉ riêng thuốc mà bất kỳ mặt hàng nào được mua trên các sàn TMĐT, người tiêu dùng cũng phải cẩn trọng tìm hiểu thông tin cần thiết để đảm bảo về chất lượng cũng như nguồn gốc của sản phẩm. Tốt nhất là hãy nghe tư vấn từ các bác sĩ, tìm kiếm các địa chỉ mua thuốc uy tín để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân.

https://dantri.com.vn/suc-khoe/thuoc-la-mat-hang-dac-biet-can-che-tai-kiem-soat-khi-cho-phep-ban-online-20241017105031902.htm