VNReport»Kinh tế»Tài chính»Bí kíp tránh bẫy “lạm phát lối sống” dành cho người trẻ

Bí kíp tránh bẫy “lạm phát lối sống” dành cho người trẻ

08:24 - 24/10/2024

Kinh tế ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống của con người cũng đòi hỏi được nâng cao hơn. Khi thu nhập tăng lên, các nhu cầu trong cuộc sống cũng tăng lên, điều này dễ dẫn đến hiện tượng lạm phát lối sống, đặc biệt tình trạng này thường xảy ra với người trẻ.

Theo đó, lạm phát lối sống (lifestyle creep) là sự tăng lên về mức sống khi thu nhập cá nhân tăng lên. Có thể hiểu mức sống chính là các khoản chi tiêu, mua hàng hoá, dịch vụ. Khi mức sống tăng lên, các món hàng trước đây được coi là xa xỉ giờ sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu.

Đặc điểm nổi bật dễ dàng nhận thấy của lối sống này là sự thay đổi của cá nhân trong hành vi và suy nghĩ. Những người có xu hướng lạm phát lối sống thường coi việc chi tiêu cho các khoản không thực sự cần thiết là một quyền thay vì là sự lựa chọn. Khi thu nhập của một cá nhân tăng lên, họ cho rằng việc dễ dàng chi tiêu cho những thứ xa xỉ là hoàn toàn xứng đáng với công sức của họ. Những người này, thay vì suy nghĩ tới những lợi ích mà việc tiết kiệm tiền thêm đem lại, họ lại cho rằng bản thân xứng đáng được hưởng thụ nhiều hơn.

Ngày nay, nhiều người trẻ dễ dàng rơi vào cái bẫy này khi có xu hướng chi tiêu vượt khả năng tài chính của mình do áp lực từ môi trường xã hội, bạn bè hoặc các tiêu chuẩn sống hiện đại trong thời đại mới. Những người sống ở các thành phố lớn, có xu hướng chi tiêu cho các sản phẩm và dịch vụ cao cấp như thời trang hàng hiệu, công nghệ mới nhất, và các trải nghiệm du lịch xa xỉ. Xu hướng này thường bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, nơi mà hình ảnh cuộc sống xa hoa được quảng bá rộng rãi.

Theo đó, theo một nghiên cứu được NBC News công bố tại Mỹ, giá trị tài sản của những người trong độ tuổi từ 18 – 39 đã tăng 80% kể từ năm 2018, vượt xa con số của các thế hệ cũ. Tuy vậy, nhiều người cho biết, họ vẫn chỉ đang chi tiêu cho hiện tại, chưa nghĩ tới việc cần dự phòng tài chính cho tương lai. Trong đó, nổi bất nhất là Gen Z, đây cũng là thế hệ được đánh giá sẽ khó tiết kiệm tiền hơn các thế hệ trước vì những thử thách của vật giá bủa vây.

Cuộc sống xa hoa, các món đồ hàng hiệu,… khiến nhiều người rơi vào tình trạng lương luôn không đủ tiêu

Bên cạnh đó, cũng theo CNBC, 53% Gen Z cho biết, chi phí sinh hoạt, lạm phát là những rào cản đối với an toàn tài chính cá nhân của họ. Chính vì vậy, 73% cho biết muốn có một cuộc sống chất lượng hơn thay vì có thêm tiền tiết kiệm.

Một báo cáo của Công ty chuyên về báo cáo tín dụng Experian cho biết, 63% Gen Z và 50% những người thuộc thế hệ Millennial có xu hướng tiêu tiền cho các trải nghiệm sống như du lịch, xem concert hơn là tiết kiệm cho tương lai, chuẩn bị tài chính khi về hưu.

Cuộc sống xa hoa, các món đồ hàng hiệu,… khiến nhiều người rơi vào tình trạng lương luôn không đủ tiêu. Khi người tiêu dùng liên tục chi tiêu vượt quá khả năng tài chính của mình để duy trì một lối sống xa hoa, họ dễ dàng rơi vào tình trạng nợ nần. Bên cạnh đó, lạm phát lối sống còn dẫn đến sự mất cân bằng trong cuộc sống, và thậm chí làm giảm chất lượng các mối quan hệ xã hội. Vậy làm thế nào để tránh bẫy lạm phát lối sống?

Xác định mục tiêu tài chính rõ ràng

Xác định các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn, từ chi phí sinh hoạt hàng ngày đến các quỹ khẩn cấp, đầu tư, tiết kiệm. Việc liệt kê như thế sẽ giúp bạn phân biệt được đâu là nhu cầu thực sự cần thiết cần ưu tiên.

Phân biệt rõ nhu cầu thiết yếu và mong muốn của cá nhân. Ưu tiên những nhu cầu thiết yếu trước, những thứ thực sự cần thiết trong cuộc sống của bạn.

Lập ngân sách chi tiêu

Sau khi xác định được các mục tiêu tài chính, hãy xây dựng ngân sách cho từng mục tiêu. Dựa trên thu nhập và nhu cầu để phân chia hợp lý các khoản.

Xây dựng ngân sách giúp bạn kiểm soát tài chính hiệu quả hơn và hạn chế chi tiêu vào những thứ không cần thiết. Đồng thời có thể gia tăng các khoản tiết kiệm và đầu tư cho tương lai.

Thực hành tiết kiệm:

Hãy cố gắng thói quen tiết kiệm mỗi tháng, ngay cả khi số tiền nhỏ. Việc này giúp bạn xây dựng quỹ dự phòng và tạo cảm giác an tâm tài chính.

Giới hạn sdụng mạng xã hội

Mạng xã hội thường tạo ra áp lực từ bạn bè và người nổi tiếng, khiến bạn cảm thấy cần phải tiêu dùng nhiều hơn. Dễ khiến bạn rơi vào cái bẫy lạm phát lối sống. Vì thế, giới hạn sử dụng mạng xã hội và tránh so sánh bản thân với người khác để có một đời sống lành mạnh.

Nhìn chung, hạn chế chi tiêu không kiểm soát, tập trung vào kế hoạch quản lý tài chính, tích luỹ tài chính để hướng tới mục tiêu tự do tài chính, có một tương lai an nhàn.