VNReport»Kinh tế»Tài chính»Bảo vệ người tiêu dùng trước các rủi ro sử dụng tài chính số

Bảo vệ người tiêu dùng trước các rủi ro sử dụng tài chính số

12:56 - 28/10/2024

Các sản phẩm, dịch vụ tài chính số, các kênh phân phối ứng dụng công nghệ số (Internet Banking, Mobile Banking, QR Code…) ngày nay phát triển đa dạng, nó sở hữu nhiều tính năng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Các thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong suốt thời gian qua đã có tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực trong đời sống. Trong đó, có lĩnh vực tài chính số.

Tài chính số là lĩnh vực kết hợp giữa công nghệ và tài chính, nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính thông qua nền tảng số hóa. Tài chính số bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau, từ ngân hàng trực tuyến, thanh toán điện tử đến các ứng dụng đầu tư và quản lý tài sản. Được biết, các giải pháp tài chính công nghệ trong tài chính số đã tác động đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, làm gia tăng cơ hội tiếp cận cho người tiêu dùng, thúc đẩy tàu chính toàn diện.

Theo đó, các sản phẩm, dịch vụ tài chính số, các kênh phân phối ứng dụng công nghệ số (Internet Banking, Mobile Banking, QR Code…) ngày nay không chỉ phát triển đa dạng, mà nó còn sở hữu nhiều tính năng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Tại tọa đàm “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam” mới diễn ra gần đây, Tiến sĩ Phạm Minh Tú – Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, đến cuối năm 2023, có 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động.

Bên cạnh đó, các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và giá trị giao dịch. Đến cuối năm 2023, so với năm 2022, giá trị thanh toán qua Internet tăng gần 6,50%; thanh toán qua điện thoại di động tăng gần 12,73%; thanh toán qua mã QR tăng 157,2%; và thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 17,72%.

Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước cũng thống kê được, trong năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 11.342,8 triệu giao dịch với giá trị đạt 222,3 triệu tỷ đồng (tăng 49,36% về số lượng và 1,28% về giá trị). Tỷ lệ giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp gần 22 lần GDP.

Các sản phẩm, dịch vụ tài chính số, các kênh phân phối ứng dụng công nghệ số (Internet Banking, Mobile Banking, QR Code…) ngày càng phát triển đa dạng,

Được biết, bên cạnh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống, xuất hiện nhiều các tổ chức cung ứng dịch vụ tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm dịch vụ, tiện ích mới như dịch vụ tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất, cách thức gửi tiền đa dạng, linh hoạt; dịch vụ mở tài khoản trực tuyến bằng E-KYC tài khoản thanh toán không chịu phí duy trì tài khoản và số dư tài khoản tối thiểu, liên kết với thẻ ATM; dịch vụ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn các dịch vụ cơ bản của gia đình như điện, nước, thẻ điện thoại, truyền hình cáp, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến thuế, các loại dịch vụ khác như bảo hiểm, phí, lệ phí, bảo hiểm xã hội trên cổng dịch vụ công quốc gia;…

Cụ thể, thời điểm bắt đầu triển khai cuối tháng 3/2021 đến cuối tháng 12/2023, có 40 ngân hàng đã triển khai mở tài khoản thanh toán cho khách hàng bằng E-KYC với gần 35 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động. Đến tháng 12/2023, có 27 tổ chức đã triển khai phát hành thẻ bằng E-KYC với khoảng 14,9 triệu thẻ đang lưu hành được phát hành bằng E-KYC.

Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Các tổ chức cung ứng dịch vụ tiếp tục phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích mới.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, doanh số cho vay bằng phương tiện điện tử trong tháng 7/2024 đạt khoảng 180 nghìn tỷ đồng. Tại một số ngân hàng, đã ghi nhận tỷ lệ trên 95% giao dịch được thực hiện trên kênh số.

Nhìn chung, thị trường tài chính số đã có sự bùng nổ mạnh mẽ với các giải pháp thúc đẩy tài chính công nghệ. Đặc biệt, hệ sinh thái thanh toán số kết nối, tích hợp đa dạng các loại ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau được hình thành và đang phát triển mạnh mẽ. Nhờ vậy, khách hàng được phục vụ liên tục không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Song, đi kèm với sự bùng nổ này là vô vàn rủi ro tiềm ẩn với người tiêu dùng.

Một số vấn đề liên quan đến sản phẩm, dịch vụ tài chính số mà người tiêu dùng nên quan tâm là: Vấn đề công bố và minh bạch thông tin, thông lệ kinh doanh; bảo mật thông tin và dữ liệu cá nhân của khách hàng; quy trình và cơ chế giải quyết tranh chấp… Như vậy. hiện nay, tài chính số chưa có quy định định rõ các tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ tài chính số, nghĩa vụ của các chủ thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính số cho thị trường.

Một số lỗ hổng trong quy định pháp lý của hoạt động fintech phải kể đến như cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng thanh toán không dùng tiền mặt, tiền kỹ thuật số, chia sẻ và bảo mật thông tin cần nhanh chóng được xử lý.

Chính vì thế, đại diện Viện Chiến lược Ngân hàng cũng cho biết, để triển khai có hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện, tăng cường tiếp cận tài chính của người dân và doanh nghiệp. Trong thời gian tới, cần thúc đẩy tài chính số để đẩy nhanh tiến độ đạt được các mục tiêu đề ra.

Trước tiên, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin – viễn thông vận hành trơn tru với phạm vi phủ sóng rộng khắp cả nước. Từ đó, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ điện thoại di động cơ bản, quyền truy cập vào các dịch vụ dữ liệu để cải thiện trải nghiệm người dùng đối với các dịch vụ tài chính số. Cùng với đó, tạo lập thị trường cung ứng dịch vụ tài chính lành mạnh, minh bạch, hỗ trợ bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Trong đó, đặc biệt hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Chú trọng đến cơ chế giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

Về nhân lực, đẩy mạnh phát triển nhân lực số ngành Ngân hàng. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính, giảm thiểu rủi ro cho nhà cung cấp và người dùng, đặc biệt đối với các Fintech cung cấp dịch vụ tín dụng số.

Đẩy mạnh an ninh, an toàn trong thanh toán, bảo vệ dữ liệu cá nhân, áp dụng tiêu chuẩn bảo mật mới, bảo đảm thanh toán nhanh chóng, an toàn, tiện lợi và chi phí hợp lý. Hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, nhằm tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, rửa tiền.

Cùng với đó là nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng tài chính và tăng cường niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm, dịch vụ tài chính số. Tăng cường tuyên truyền về những rủi ro khi sử dụng các dịch vụ tài chính số, giúp người tiêu dùng tài chính hiểu và tự mình hoặc sử dụng hiệu quả các cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

https://laodongthudo.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung-truoc-cac-rui-ro-su-dung-tai-chinh-so-179658.html