VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Người bán hàng đang bị sàn thương mại điện tử “bóp nghẹt”

Người bán hàng đang bị sàn thương mại điện tử “bóp nghẹt”

17:03 - 28/10/2024

Trong khi các sàn thương mại điện tử Trung Quốc liên tục gia nhập thị trường Việt Nam, phí cùng chính sách khắt khe của nhiều sàn đang “bóp nghẹt” chính những người bán hàng.

Nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm đã phải rời sàn thương mại điện tử. Ảnh: CNBC, Znews.

Nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm đã phải rời sàn thương mại điện tử. Ảnh: CNBC, Znews.

Trung tuần tháng 9 vừa qua, thương hiệu thời trang Welenty (TP HCM) đã thông báo dừng hoạt động trên Shopee.

“Đây là quyết định khó khăn, nhưng cần thiết do chính sách hiện tại của Shopee không còn phù hợp với định hướng phát triển và giá trị cốt lõi mà Walenty đang theo đuổi”, thương hiệu thời trang Việt Nam viết trong thông báo gửi đến khách hàng.

Đây không phải là đơn vị duy nhất gặp khó khăn vì vấn đề phí, chính sách của các sàn thương mại điện tử trong thời gian qua. Gần đây, sự xuất hiện của Temu – phiên bản quốc tế của sàn thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo – được dự báo tiếp tục gây “sóng gió” cho những người bán vừa và nhỏ trên các sàn.

Xu hướng “bỏ cuộc chơi”

Trong báo cáo toàn cảnh năm 2023 của Metric, công ty nghiên cứu thị trường này ghi nhận hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường. Con số này cho thấy nhiều chủ gian hàng đang dần “thất thế” trên sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Thương hiệu thời trang The Peachy (Hà Nội) cũng đã thông báo rời khỏi tất cả nền tảng thương mại điện tử vì bức xúc với chính sách của các sàn.

“Vì một số kẽ hở trong chính sách của sàn, shop thường xuyên bị kẻ gian trục lợi, trả lại sản phẩm không còn nguyên vẹn thậm chí bị đánh tráo sản phẩm rẻ tiền”, đại diện thương hiệu nói đồng thời khuyến khích khách đến mua trực tiếp tại cửa hàng.

Trong khi đó, thương hiệu Mono Talk (Hà Nội) lại chọn cách điều chỉnh giá các sản phẩm niêm yết trên sàn thương mại điện tử để đảm bảo chi phí vận hành trong khi vẫn giữ nguyên giá tại website và cửa hàng.

Nhận định về xu hướng “bỏ cuộc chơi” này, ông Trần Lâm, chuyên gia bán hàng trực tuyến và CEO của Julyhouse cho biết tình trạng các nhà bán hàng rời khỏi các sàn thương mại điện tử không chỉ do cạnh tranh khốc liệt về giá, mà còn bởi chi phí vận hành tăng cao, khả năng cạnh tranh kém với các nhà bán hàng quốc tế, và thiếu đổi mới trong sản phẩm và dịch vụ.

Người bán phải chịu mức phí sàn ngày càng cao. Ảnh: Việt Đức/Znews.

Người bán phải chịu mức phí sàn ngày càng cao. Ảnh: Việt Đức/Znews.

Trong đó, chuyên gia nhận định việc thay đổi chính sách bán hàng khắt khe hơn và nâng phí bán hàng trên các sàn thương mại điện tử là một trong những lý do chính khiến nhiều nhà bán hàng từ bỏ “cuộc chơi”.

“Khi các chi phí hoa hồng, phí vận chuyển và phí quảng cáo tăng lên, đồng thời các yêu cầu về chất lượng dịch vụ và sản phẩm ngày càng khắt khe hơn. Nhiều nhà bán nhỏ và vừa không thể duy trì được lợi nhuận. Điều này gây áp lực lớn và buộc họ phải rời khỏi cuộc chơi do không thể cân bằng chi phí với doanh thu”, ông Lâm nói.

Khi sàn thương mại điện tử “bóp nghẹt” người bán

Thực tế, trong những năm qua, chi phí bán hàng trên cả TikTok Shop, Shopee và Lazada đều tăng cao.

Biểu đồ: Znews.

Biểu đồ: Znews.

Chuyên gia nhận định chi phí bán hàng tăng cao gần như không mang lại lợi ích cho cả người mua lẫn người bán. Người bán có thể rời khỏi thị trường nếu không thể chịu nổi áp lực tài chính cũng như tìm ra con đường phát triển dài hạn, tìm được các sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao để có chi phí cho các hoạt động bán hàng.

Các chính sách ngày càng khắt khe hơn như giao hàng nhanh trong ngày, khiếu nại hàng giả, hàng thật và việc tăng cường quản lý chất lượng giúp người tiêu dùng nhận được sản phẩm tốt hơn, dịch vụ hậu mãi tốt hơn và quá trình giao hàng nhanh chóng, chính xác hơn.

Tuy nhiên, với người bán, chính sách về giao hàng trong ngày sẽ gây khó khăn cho các nhà bán hàng nhỏ, đặc biệt là các nhà bán hàng xem công việc bán hàng online là công việc thứ 2. Ngoài ra, chính sách không được phép liên hệ ngoài với khách hàng mua hàng còn gây khó khăn trong việc chăm sóc, xử lý khiếu nại cho khách hàng.

Việc Temu "đổ bộ" Việt Nam mang đến nhiều lo ngại. Ảnh: Xuân Sang/Znews.

Việc Temu “đổ bộ” Việt Nam mang đến nhiều lo ngại. Ảnh: Xuân Sang/Znews.

Công ty YouNet ECI đánh giá các thương hiệu OEM (sản xuất gia công) và các doanh nghiệp SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) đang kinh doanh trên thương mại điện tử sẽ bị cạnh tranh mạnh.

Hiện nay, phần lớn sản phẩm nội địa Trung Quốc trên thị trường Việt Nam chủ yếu nằm ở các ngành hàng thời trang và mỹ phẩm. Tuy nhiên, với sự mở rộng danh mục sản phẩm của Temu, những thương hiệu giá trung đến thấp (low to mainstream) tại Việt Nam sẽ cảm nhận sức ép trong cả các ngành hàng khác ngoài thời trang và mỹ phẩm.

Ông Trần Lâm nhận định các shop bán hàng cần linh hoạt và sáng tạo trong cách quản lý chi phí, tối ưu hóa quy trình, và nâng cao trải nghiệm khách hàng để có thể duy trì và phát triển trong môi trường thương mại điện tử ngày càng khắc nghiệt.

“Tập trung vào giá trị lâu dài thay vì chỉ cạnh tranh giá ngắn hạn sẽ giúp bạn tồn tại bền vững”, chuyên gia khẳng định.

Theo: https://znews.vn/nguoi-ban-hang-dang-bi-san-thuong-mai-dien-tu-bop-nghet-post1506522.html