VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Ảm đạm tiêu dùng thời trang do người dân thắt chặt chi tiêu

Ảm đạm tiêu dùng thời trang do người dân thắt chặt chi tiêu

12:05 - 06/11/2024

Kinh tế khó khăn đã khiến nhiều người tiêu dùng thận trọng hơn trong việc chi tiêu. Sự thận trọng này được phản ánh rõ nét trong lĩnh vực thời trang khi mà người tiêu dùng giảm chi khoản mua sắm thời trang.

Thông thường trong dịp cuối năm, người tiêu dùng sẽ đẩy mạnh chi tiêu cho các sản phẩm thời trang, sắm sửa để chuẩn bị đón chào một năm mới. Thế nhưng, khảo sát tại một số phố thời trang nổi tiếng tại Hà Nội như: Cầu Giấy, Chùa Láng, Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch… cho thấy không khí mua sắm khá ảm đạm do người dân phải thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh suy giảm kinh tế.

Nhiều chủ shop chia sẻ rằng, doanh thu từ đầu năm 2024 đến nay không thể so sánh với doanh thu cùng kỳ năm trước. Mặc dù đường phố lúc nào cũng đi lại đông đúc nhưng khách vào xem hàng, lựa chọn sản phẩm rất vắng. Thậm chí, các chủ cửa hàng thời trang còn cho rằng, mua sắm các sản phẩm thời trang hiện không còn nằm trong danh sách ưu tiên chi tiêu của nhiều người. Do đó, các cửa hàng thời trang nhỏ lẻ, kể cả những shop quần áo nổi tiếng cũng đang phải trải qua thời gian chật vật, khó khăn.

Tiêu dùng thời trang là hành vi mua sắm và sử dụng các sản phẩm thời trang, bao gồm quần áo, giày dép, phụ kiện và đồ trang sức. Đây là một lĩnh vực rộng lớn, phản ánh không chỉ nhu cầu về mặt vật chất mà còn về phong cách, bản sắc cá nhân và xu hướng xã hội. Khi nhu cầu này giảm sút, nó gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp.

không khí mua sắm khá ảm đạm do người dân phải thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh suy giảm kinh tế.

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ Việt Nam cho thấy: 50% người tiêu dùng tham gia khảo sát đã dừng mua hàng xa xỉ, tăng 8% so với quý 3 năm ngoái. Theo NielsenIQ, người tiêu dùng Việt đã quen với sự có mặt của các thương hiệu và sản phẩm mới, nhưng không mấy háo hức trải nghiệm như trước. Ngược lại, họ quan tâm hơn đến giá cả và sự thay đổi giá của các sản phẩm chọn mua.

Thực tế, có nhiều lí do để tiêu dùng thời trang giảm. Nhiều khách hàng chia sẻ, do giá cả “leo thang” nên họ phải thắt chặt chi tiêu. Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ đi kèm nhiều khuyến mãi vào các giờ vàng cũng như ưu đãi khi săn hàng trên livestream, người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm ở phân khúc giá rẻ hơn mà vẫn có chất lượng chấp nhận được trên các nền tảng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng, những lo ngại về tương lai cũng khiến người tiêu dùng thận trọng hơn trong chi tiêu. Người tiêu dùng cần phải chi tiêu nhiều khoản khác cho gia đình như giáo dục, sức khoẻ, thời trang là khoản mà người tiêu dùng sẽ phải cân nhắc nếu không thực sự quá cần thiết tại thời điểm hiện tại.

Nhiều chuyên gia nhận định, sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng, cùng với chi phí sản xuất và vận hành “leo thang”, buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự và thu hẹp quy mô hoạt động. Ngoài ra, sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu quốc tế và sự đổ bộ của hàng hóa giá rẻ từ các nước cũng tạo ra thách thức trong việc duy trì vị thế trên thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn phải tăng giá nhẹ các sản phẩm thời trang do áp lực lạm phát và chi phí nguyên vật liệu tăng. Các thương hiệu thời trang đang phải điều chỉnh giá bán để duy trì lợi nhuận trong bối cảnh nhu cầu mua sắm chậm lại. Nhìn chung, các doanh nghiệp thời trang nội địa đang phải đối mặt với khó khăn, áp lực từ nhiều phía.

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp hi vọng doanh số sẽ có sự biến đổi trong dịp mua sắm cuối năm tới đây. Nhiều nhãn hiệu, thương hiệu thời trang đã tung ra các chương trình khuyến mãi lớn, hấp dẫn, cùng với liên tục cập nhật xu hướng thời trang, tạo trải nghiệm mua sắm đa dạng cho khách hàng…

Trong đó, nổi bật và bắt kịp thị hiếu các sản phẩm “trend” cho mùa Thu Đông năm nay như: áo khoác lông thú, áo len oversize, quần áo phong cách thể thao năng động… Đi kèm với đó là hàng loạt chương trình giảm giá tới 50% nhiều sản phẩm, chính sách mua 2 tặng 1, mua 3 sản phẩm trở lên được giảm giá 30% đối với các sản phẩm cùng loại, tích điểm đổi quà…

Các chuyên gia của NielsenIQ cũng chỉ ra nếu muốn thay đổi cục diện hiện tại, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thời trang cần tạo ra các chương trình thu hút khách hàng độc đáo, giá cả cạnh tranh và chất lượng ổn định hơn nữa. Đặc biệt là quan tâm dịch vụ chăm sóc khách hàng, chương trình khách hàng thân thiết giúp duy trì sự tin tưởng của người tiêu dùng và doanh thu.

https://tieudung.kinhtedothi.vn/thi-truong/am-dam-tieu-dung-thoi-trang-do-nguoi-dan-that-chat-chi-tieu-82343.html