VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Trung Quốc xuất khẩu thép nhiều kỷ lục, gây phản ứng ở các nước nhập khẩu

Trung Quốc xuất khẩu thép nhiều kỷ lục, gây phản ứng ở các nước nhập khẩu

09:11 - 26/11/2024

Việt Nam và Hàn Quốc đã khởi xướng điều tra bán phá giá với thép nhập khẩu từ Trung Quốc, còn Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ tăng thuế, trong bối cảnh nước sản xuất thép lớn nhất thế giới xuất khẩu nhiều kỷ lục vì nhu cầu trong nước không hấp thụ được nguồn cung.

Trung Quốc – nước sản xuất thép lớn nhất thế giới – đang xuất khẩu thép ở mức cao kỷ lục. Điều này gây phản ứng dữ dội ở các nước nhập khẩu và là một ví dụ cho hiện tượng dư thừa sản xuất ở Trung Quốc.

Trước đây, Trung Quốc – quốc gia chiếm hơn một nửa sản lượng thép toàn cầu – có thể hấp thụ hầu hết lượng thép nhờ ngành xây dựng và sản xuất chế tạo bùng nổ. Nhưng khi thị trường nhà sụp đổ, nhu cầu trong nước chậm dẫn đến tình trạng nguồn cung dư thừa.

Do quy mô khổng lồ của ngành thép Trung Quốc – sản xuất khoảng 1 tỷ tấn vào năm ngoái – bất kỳ biến động nào của nhu cầu trong nước có thể gây chấn động đến thị trường thép ở các nước khác. Xuất khẩu thép ròng của Trung Quốc đạt kỷ lục 10,6 triệu tấn vào tháng 10. Trong 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã xuất khẩu 92 triệu tấn thép, tương đương hơn 10% tổng sản lượng thép bên ngoài Trung Quốc.

Lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay tương đương hơn 10% tổng sản lượng thép bên ngoài Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm nay tương đương hơn 10% tổng sản lượng thép bên ngoài Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Hầu hết thép giá rẻ của Trung Quốc được đưa đến các nước đang phát triển, nơi vẫn đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng và ngành sản xuất chế tạo. Việt Nam – điểm đến hàng đầu cho thép xuất khẩu Trung Quốc – đã nhập khẩu thêm 53% thép từ Trung Quốc trong 10 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất – những quốc gia đang trong giai đoạn bùng nổ xây dựng – cũng tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

Ban đầu, thép Trung Quốc được chào đón ở các quốc gia này vì lượng hàng nhập khẩu giá rẻ giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Nhưng đã bắt đầu có những phản ứng. Ví dụ, hồi tháng 6, Việt Nam bắt đầu tiến hành điều tra chống bán phá giá một số sản phẩm thép của Trung Quốc. Hàn Quốc – quốc gia nhập khẩu thép Trung Quốc lớn thứ hai – đã khởi xướng một cuộc điều tra tương tự vào tháng trước. Các nước từ Ấn Độ đến Thổ Nhĩ Kỳ đã áp thuế cao đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài thép, xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh trong năm qua, giúp bù đắp cho vấn đề của thị trường nhà ở. Nhưng có thể những phản ứng tương tự từ các nước khác – không chỉ đối với thép – sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc. Ví dụ, Châu Âu và Mỹ đã áp thuế cao đối với xe điện của Trung Quốc, ngay cả trước khi Donald Trump – với đề xuất đánh thuế 60% lên tất cả hàng hóa Trung Quốc – đắc cử Tổng thống Mỹ. Những sản phẩm của Trung Quốc không đến được Mỹ có thể sẽ tràn sang phần còn lại của thế giới, gây phản ứng dữ dội hơn nữa.

Xuất khẩu thép của Trung Quốc từng tăng đột biến hồi năm 2015-2016, khi thị trường nhà ở của nước này rơi vào suy thoái. Một khi thị trường đó phục hồi, nước này bắt đầu hấp thụ trở lại toàn bộ nguồn cung thép. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng bất động sản hiện tại đã kéo dài lâu hơn và Bắc Kinh chưa có dấu hiệu sẽ mạnh tay kích thích thị trường như từng làm trước đây.

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục ưa chuộng chiến lược kinh tế ưu tiên sản xuất công nghiệp và xuất khẩu – mà Trung Quốc đã áp dụng trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, vấn đề dư thừa sản xuất của nước này đang gây quan ngại trên toàn cầu, và tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu chính quyền Trump tăng thuế như đã cam kết.