VNReport»Kinh tế»Tài chính»“Tấm khiên” bảo vệ người tiêu dùng trước rủi ro sử dụng tài chính số

“Tấm khiên” bảo vệ người tiêu dùng trước rủi ro sử dụng tài chính số

15:23 - 26/11/2024

Ngày nay, thanh toán bằng ví điện tử, chuyển tiền online khi mua sắm trở nên phổ biến với người tiêu dùng. Thế nhưng, trong bối cảnh thương mại điện tử và thanh toán không tiền mặt bùng nổ như hiện nay, việc thanh toán qua ví điện tử cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Thanh toán trực tuyến là hình thức thanh toán được thực hiện online trên các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính có kết nối internet. Để thanh toán online, quý khách cần đăng ký mở tài khoản ngân hàng online và có sẵn tiền trong tài khoản. Như vậy, quý khách đã có thể dễ dàng chuyển nhận tiền trên các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử,… mà không cần sử dụng đến tiền mặt.

Hiện nay, ở Việt Nam, thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024 hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực. Tính đến tháng 7/2024, có hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.

Số liệu thống kê cho thấy, so với cùng kỳ năm 2023, số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân tăng 2,83% về số lượng và tăng 26,94% về giá trị. Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 38,18% về số lượng và tăng 23,26% về giá trị. Hệ thống ATM nhìn chung hoạt động ổn định, an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán của người dân.

Thanh toán không tiền mặt ngày càng phổ biến

Giao dịch TTKDTM đạt 7,83 tỷ giao dịch, với giá trị đạt 134,9 triệu tỷ đồng (tăng 58,23% về số lượng và 35,01% về giá trị) so với cùng kỳ năm 2023, trong đó: thanh toán qua kênh Internet tăng 49,97% về số lượng và 32,13% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 59,3% về số lượng và 38,53% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 104,2% về số lượng và 99,5% về giá trị.

Tuy nhiên, sự bùng nổ trong lĩnh vực tài chính này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng mua sắm trực tuyến như hiện nay. Theo số liệu thống kê, năm 2023, Việt Nam nằm trong số 10 điểm nóng tội phạm mạng hàng đầu thế giới. Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2022, trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính.

5 tháng đầu năm nay, số tiền của người dân bị kẻ gian chiếm đoạt trên không gian mạng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng; số thông tin cá nhân của người dùng bị đánh cắp trong 6 tháng đầu năm tăng 50% so với cùng kỳ 2023, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Trước tình hình này, để bảo vệ người tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2345, trong đó quy định kể từ ngày 1/7, giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học.

Nhờ triển khai xác thực sinh trắc học, tỷ lệ lừa đảo trên môi trường tài chính số đã giảm tới 50%.

Thực tế cho thấy, sau khoảng 3 tháng triển khai sinh trắc học, biện pháp này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc phòng, chống lừa đảo. Được biết, số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50% so với trước đây.

Cùng với số vụ lừa đảo giảm 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng đầu năm. Đặc biệt, một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9.

Việc tội phạm lừa đảo trong lĩnh vực tài chính số được kiềm chế nhanh chóng có đóng góp lớn từ các đơn vị cung ứng dịch vụ tài chính và ngân hàng. Trên thực tế, với quy mô thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đạt giá trị gấp 23 lần GDP năm 2023 và dự kiến gần 25 lần vào năm 2025, khối lượng công việc mà các đơn vị này phải xử lý trong thời gian qua để bảo vệ người tiêu dùng là rất lớn.

Sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt là một bước hội nhập trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, chính vì thế, để tận hưởng những tiện ích mà nó mang lại, cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng, ngân hàng và người dân cần tạo nên một bức tường thành vững chắc, bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro từ không gian mạng.

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tam-khien-bao-ve-nguoi-tieu-dung-truoc-rui-ro-su-dung-tai-chinh-so-20241121181707143.htm