VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Xu hướng tiêu dùng của người Việt năm 2025

Xu hướng tiêu dùng của người Việt năm 2025

13:27 - 29/11/2024

Năm 2025, khi công nghệ số ngày càng len lỏi vào cuộc sống, bức tranh tiêu dùng của người Việt Nam dự kiến sẽ có những thay đổi đáng kể.

Theo kết quả khảo sát vừa được công bố của Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) Việt Nam, dự kiến trong năm 2025, có tới 63% người tiêu dùng Việt Nam sẽ gia tăng chi tiêu cho mặt hàng nhu yếu phẩm, 52% chi tiêu cho quần áo và 48% dành cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe…

Đáng chú ý, báo cáo cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong đó, 67% qua điện thoại di động và 44% qua máy tính cá nhân, mặc dù việc mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vẫn đang ở mức cao (63%).

Không chỉ thế, người tiêu dùng Việt Nam cũng tích cực đón nhận và sử dụng các nền tảng mạng xã hội, với mục đích tiếp cận các thương hiệu mới và tham khảo đánh giá trước khi mua hàng. 71% cho biết đã từng mua sắm thông qua nền tảng này.

Thực tế, với sự phát triển của hạ tầng Internet và các sàn thương mại điện tử, người tiêu dùng ngày càng quen thuộc và tin tưởng vào hình thức mua sắm trực tuyến. Chưa kể đến các nền tảng mạng xã hội sẽ tích hợp thêm nhiều tính năng mua sắm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng mua sắm trực tiếp từ các bài đăng, livestream sẽ giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hơn với các sản phẩm được bày bán trên không gian mạng. Hơn nữa, việc sử dụng ví điện tử, thẻ ngân hàng và các hình thức thanh toán trực tuyến cũng góp phần khiến mua sắm trực tuyến trở thành xu hướng của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, với 77% ý kiến lo ngại về quyền riêng tư và chia sẻ dữ liệu, có vẻ người tiêu dùng bị suy giảm niềm tin bị khi cân nhắc về sự an toàn và độ tin cậy của mạng xã hội trước những phản hồi tiêu cực khi mua sắm trực tuyến.

Người tiêu dùng Việt Nam đang có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, khảo sát cũng cho thấy, người tiêu dùng Việt sẽ có xu hướng tìm đến những thương hiệu mà họ tin tưởng. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng ưu tiên tính bền vững trong thói quen tiêu dùng. Theo khảo sát, 74% người tiêu dùng Việt Nam bày tỏ sẵn sàng chi trả cao hơn 20% so với mức giá trung bình cho một sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế/bền vững; 85% sẽ cân nhắc việc mua xe hybrid (xe lai) hoặc xe điện trong 3 năm tới.

Bên cạnh đó, Báo cáo về những xu hướng mới có thể dẫn đầu tăng trưởng trong thị trường bán lẻ năm 2025 của NIQ cho thấy người tiêu dùng ngày càng trọng trong việc mua sắm. Trong đó, 64% cho biết họ chỉ mua các mặt hàng thiết yếu khi giá thực phẩm tăng và 63% sẽ giảm số lượng mua sắm. Đồng thời, họ rất chú trọng đến các ưu đãi và khuyến mãi, với 75% luôn tận dụng các chương trình giảm giá để tiết kiệm chi phí.

Người tiêu dùng Việt Nam hiện đang trở nên thông thái và có ý thức hơn trong việc mua sắm. Theo đó, 85% người tiêu dùng so sánh giá cả trước khi quyết định mua hàng, 80% ưu tiên những sản phẩm đã được nhiều người tiêu dùng khác lựa chọn và 78% sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho sản phẩm chất lượng cao.

Điều này cho thấy chất lượng sản phẩm đang được ưu tiên hàng đầu trong quyết định mua sắm. Đây là một kết luận quan trọng với các doanh nghiệp, dựa vào đây, các doanh nghiệp cần biết cách xây dựng niềm tin trên mọi phương diện và hình thành các mối liên kết bền vững với người tiêu dùng.

Cũng theo khảo sát, người tiêu dùng Việt Nam ngày nay khá cởi mở với việc sử dụng AI trong các hoạt động ít rủi ro. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn muốn có sự tương tác trực tiếp với con người trong các giao dịch phức tạp. Nhưng có lẽ trong tương lai gần, AI sẽ được ứng dụng rộng rãi trong việc dự đoán nhu cầu của khách hàng, cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm và tối ưu hóa chuỗi cung ứng

Với những kỳ vọng đang ngày càng gia tăng của người tiêu dùng khi mua sắm tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến, báo cáo khuyến nghị, các thương hiệu và nhà bán lẻ cần áp dụng chiến lược đa kênh một cách linh hoạt.

Mặt khác, cần đảm bảo xây dựng lòng tin và đáp ứng nhu cầu tức thời của người tiêu dùng. Doanh nghiệp cần mang tới những giá trị vượt trội ngoài cạnh tranh về giá, xây dựng chiến lược bán lẻ phù hợp với mục đích cá nhân của khách hàng, đồng thời khuyến khích các lựa chọn tiêu dùng có trách nhiệm. Tăng tính cá nhân hoá trong trải nghiệm mua sắm khi tập trung vào việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng khách hàng cụ thể thông qua nhiều kênh khác nhau như website, ứng dụng di động, cửa hàng truyền thống.

Nhìn chung, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm mới đầy biến động của thị trường tiêu dùng Việt Nam. Các doanh nghiệp cần nắm bắt thị trường để đưa ra những chiến lược và sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

https://thuonghieuvaphapluat.vn/xu-huong-tieu-dung-cua-nguoi-viet-nam-2025-d70288.html