VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Giá cà phê cao nhất 47 năm do lo ngại thiếu nguồn cung và luật mới của EU

Giá cà phê cao nhất 47 năm do lo ngại thiếu nguồn cung và luật mới của EU

17:07 - 29/11/2024

Giá cà phê arabica và robusta đã tăng gần gấp đôi trong năm nay.

Giá cà phê đã tăng lên mức cao nhất gần nửa thế kỷ vào ngày 27/11, do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu cộng với luật sắp tới của EU liên quan đến phá rừng.

Hợp đồng tương lai cà phê arabica tăng 4,7% lên 3,23 USD/pound tại New York, cao nhất kể từ năm 1977 và đưa mức tăng giá trong năm nay lên hơn 70%.

Hợp đồng tương lai tại London cho cà phê robusta tăng 7,7% lên 5.507 USD/tấn, gần gấp đôi giá thời điểm đầu năm.

Ảnh minh họa: Helena Coffee.

Ảnh minh họa: Helena Coffee.

Các nhà giao dịch cho biết sự tăng giá này được thúc đẩy bởi sức mua từ các doanh nghiệp rang xay cà phê nhằm cố gắng đảm bảo nguồn cung trước khả năng thiếu hụt và sự bất ổn do luật mới của EU cấm sản phẩm trồng trên đất rừng bị phá.

“Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế này trước đây”, theo Tomas Araujo thuộc công ty môi giới StoneX. “Vấn đề này sẽ không được giải quyết trong năm nay và đó là lý do tại sao các nhà rang xay bắt đầu chuyển sang chế độ hoảng loạn.”

Thời tiết nóng và khô ở Brazil làm dấy lên lo ngại rằng sản lượng từ nước sản xuất arabica lớn nhất thế giới sẽ giảm trong mùa vụ tới, thu hẹp nguồn cung toàn cầu vốn đang thấp. Quốc gia này đã trải qua hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm vào tháng 8 và tháng 9, tiếp theo là mưa lớn vào tháng 10, gây đến lo ngại vụ ra hoa sẽ héo úa.

Trong khi đó, thời tiết xấu ở Việt Nam, nước sản xuất robusta lớn nhất, đã gây ra tình trạng thiếu nguồn cung hạt robusta trong 3 năm liên tiếp. Vụ arabica 2025-2026 của Brazil có vẻ sẽ không đạt mục tiêu dù ngành đang trông chờ vào nó, ông Araujo nói.

Nhu cầu càng tăng do các nhà nhập khẩu châu Âu mua sớm hơn thường lệ vì gặp phải quy định mới của EU yêu cầu chứng minh cà phê họ nhập không được trồng trên đất rừng bị phá.

Luật này có hiệu lực từ đầu năm sau nhưng dự kiến sẽ bị giới chức EU trì hoãn 12 tháng. Các nhà lập pháp đang đề xuất sửa đổi luật, nhưng bị các quốc gia thành viên phản đối và khó có thể đạt được thỏa thuận trước giữa tháng 12. Vì vậy, các thương nhân lo rằng việc trì hoãn có thể không được chấp thuận hoặc không kịp để ghi vào luật trước cuối năm nay.

Trong khi các doanh nghiệp rang xay châu Âu đang gấp rút xây dựng kho dự trữ cho năm tới, “các nhà rang xay của Mỹ cũng đã tham gia để đảm bảo họ không bị loại khỏi thị trường vì giá”, ông Araujo cho biết.

Các doanh nghiệp rang xay Mỹ cũng phản ứng với lời hứa của Tổng thống Đắc cử Donald Trump áp thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa sau khi ông nhậm chức vào tháng 1, theo Carlos Mera, giám đốc hàng hóa nông nghiệp tại Rabobank.

“Nếu bạn là một nhà rang xay và bạn tin rằng sẽ có thuế đối với cà phê, bạn sẽ cố gắng nhập khẩu ngay bây giờ, vì nếu không, bạn sẽ phải trả thuế sau này”, ông Mera nói, bổ sung rằng 23% xuất khẩu toàn cầu là đến Mỹ.

Theo ông Mera, người tiêu dùng sẽ phải chịu giá cà phê cao hơn nữa. “Sự tăng giá mà chúng ta thấy gần đây không phải là do đợt tăng mới nhất, mà là đợt tăng trước đó”, ông nói, ám chỉ đến đợt tăng giá robusta hồi đầu năm nay. “Vì vậy, người tiêu dùng vẫn còn phải chịu đau nhiều hơn nữa”.

Theo: https://www.ft.com/content/02ed448b-7205-40c9-b4fd-2e56b8b1e4db