VNReport»Kinh tế»Tài chính»Dùng quy tắc 6 chiếc lọ trong quản lý tài chính cá nhân như thế nào cho hiệu quả?

Dùng quy tắc 6 chiếc lọ trong quản lý tài chính cá nhân như thế nào cho hiệu quả?

17:06 - 03/12/2024

Quản lý tài chính cá nhân hiệu quả là một trong những yếu tố quyết định đến sự ổn định của cuộc sống. Hiện nay, nhiều phương pháp quản lý tài chính cá nhân ra đời. Trong đó, quy tắc 6 chiếc lọ là phương pháp được nhiều người tin dùng.

Quy tắc 6 chiếc lọ, do tác giả Harv Eker sáng tạo. Đây là một phương pháp quản lý tài chính cá nhân, xây dựng trên nguyên tắc phân chia thu nhập thành sáu phần riêng biệt, mỗi phần dành cho một mục đích cụ thể, từ tiết kiệm, đầu tư cho tương lai đến chi tiêu cho nhu cầu hằng ngày.

Quy tắc này có vẻ đơn giản nhưng bằng cách này, nó đã giúp nhiều người quản lý tiền bạc một cách có kế hoạch, khoa học và hợp lý hơn, từ đó không chỉ đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn, mà còn tạo ra thói quen tiêu dùng thông minh.

Áp dụng quy tắc 6 chiếc lọ tài chính của T.Harv Eker để quản lý tài chính hiệu quả.

Mặc dù đây là một quy tắc phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng biết áp dụng quy tắc này. Cốt lõi của quy tắc này là tỷ lệ phân bổ thu nhập vào từng lọ. Cụ thể:

Lọ 1: Chi tiêu cần thiết – 55% thu nhập

Để 55% thu nhập vào lọ 1 với mục đích phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt cơ bản trong cuộc sống, bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước, thực phẩm, chi phí đi lại và các chi phí thiết yếu khác.

Xác định đây là phần thu nhập cần thiết để bạn duy trì cuộc sống.

Lọ 2: Tiết kiệm dài hạn – 10% thu nhập

Trích 10% thu nhập vào lọ này với mục đích tiết kiệm cho các mục tiêu dài hạn, ví dụ như mua nhà, mua xe, tiết kiệm cho nghỉ hưu,…

Ghi nhớ là khoản tiền ở trong lọ này chỉ được phép rút ra để sử dụng cho các kế hoạch dài hạn hoặc mục tiêu tài chính quan trọng.

Lọ 3: Quỹ giáo dục – 10% thu nhập

Giáo dục là một phần quan trọng của đời người. Chính vì thế, dành 10% thu nhập cho sự nghiệp học hành là rất cần thiết. Bao gồm các khóa học chuyên môn, học phí đại học, hoặc các chương trình đào tạo nâng cao.

Việc dành ra một khoản riêng để phục vụ cho nhu cầu học tập, dù là của bản thân hay của con cái cũng sẽ giúp giảm nhẹ áp lực trong tương lai.

Lọ 4: Hưởng thụ – 10% thu nhập

Dù việc tiết kiệm là rất quan trọng nhưng trích ra một phần thu nhập để hưởng thụ cũng là việc cần thiết.

Việc có một khoản chi tiêu để hưởng thụ sẽ giúp bạn duy trì tinh thần thoải mái và không cảm thấy bị gò bó trong một kế hoạch tài chính quá chặt chẽ. Song song với tiết kiệm, hãy biết cách tận hưởng cuộc sống để có đời sống tinh thần lành mạnh.

Lọ 5: Tự do tài chính – 10% thu nhập

Số tiền trong lọ này có thể được sử dụng để đầu tư vào các dự án sinh lời như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, hoặc các khoản đầu tư khác.

Các khoản đầu tư này sẽ tạo ra thu nhập thụ động, gia tăng tài sản cá nhân để sớm hướng đến tự do tài chính.

Lọ 6: Quỹ từ thiện – 5% thu nhập

Lọ này được dùng để đóng góp vào các hoạt động từ thiện hoặc các quỹ xã hội.

Không bắt buộc phải có quỹ từ thiện nhưng nếu có điều kiện, hãy trích một phần nhỏ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn để có trách nhiệm hơn với cộng đồng. Đồng thời thể hiện sự chia sẻ và lòng nhân ái.

Nhìn chung, không phải tự nhiên mà quy tắc 6 chiếc lọ được nhiều người áp dụng cho hành trình quản lý tài chính cá nhân của mình. Nó không chỉ giúp quản lý chi tiêu và tránh tình trạng chi tiêu quá đà vào các khoản không cần thiết, mà còn giúp bạn có động lực để tiết kiệm.

Tuy nhiên, để có thể sử dụng thành thạo quy tắc này, cần tránh một số lỗi sau:

Không theo dõi tỷ lệ chi tiêu đúng mức: Đây là lỗi phổ biến nhất bởi thực tế, có nhiều người không tuân thủ tỷ lệ phân bổ cho từng lọ, dẫn đến không đủ tiền cho một số mục tiêu, trong khi một số mục tiêu khác lại được chi tiêu quá mức. Chính vì thế, hãy phân bổ tỷ lệ cho từng lọ theo quy tắc và kiên trì tuân thủ theo tỷ lệ để đạt hiệu quả.

Không tạo ra quỹ khẩn cấp: Kế hoạch tài chính có thể bị gián đoạn khi nhiều “quên” tạo quỹ khẩn cấp. Dẫn đến khi xảy ra tình huống bất ngờ, buộc phải rút tiền từ các lọ khác, làm gián đoạn kế hoạch tài chính.

Không điều chỉnh khi có thay đổi thu nhập: Hãy linh động điều chỉnh tỷ lệ phân bổ các lọ khi thu nhập của bạn thay đổi. Nếu không, rất dễ xảy ra tình trạng thiếu hụt tài chính trong các mục tiêu quan trọng.

Không duy trì kỷ luật tài chính: Kỷ luật là yếu tố quan trọng nhất để áp dụng thành công quy tắc 6 chiếc lọ. Hãy cố gắng duy trì kỷ luật trong việc phân bổ cũng như chi tiêu để kiểm soát thói quen chi tiêu nhé.

https://markettimes.vn/dung-quy-tac-6-chiec-lo-trong-quan-ly-tai-chinh-ca-nhan-nhu-the-nao-cho-hieu-qua-70681.html