VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử gây ra tác động xấu tới môi trường

80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử gây ra tác động xấu tới môi trường

09:41 - 11/12/2024

Có đến 80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử (TMĐT) gây ra tác động xấu hoặc rất xấu đến môi trường trong năm 2024.

Tại hội thảo “Phát triển TMĐT gắn với bảo vệ môi trường” do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải tổ chức tại Hà Nội mới đây, thông tin trên nhận được nhiều sự chú ý.

Cụ thể, có tới 80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử gây ra tác động xấu hoặc rất xấu tới môi trường, 21% cho rằng thương mại điện tử gây ra tác động xấu tới môi trường hơn thương mại truyền thống.

Những năm gần đây, TMĐT là lĩnh vực có nhiều thành tựu nổi bật và khẳng định được vai trò tiên phong trong nền kinh tế số. TMĐT Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18-25% mỗi năm. Năm 2023, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng 25%, với quy mô doanh thu 20,5 tỷ USD. Dự báo, năm 2024, quy mô thị trường sẽ vượt mốc 25 tỷ USD.

Hiện cả nước có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với số thu ngân sách là 19.774 tỷ đồng. Thời gian gần đây, đường đua TMĐT gay cấn hơn khi bên cạnh sự hiện diện của các sàn thương mại điện tử bán lẻ trong nước như: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, thị trường còn có thêm sàn xuyên biên giới như: Temu, Shein… Với số lượng sàn TMĐT đa dạng, tính riêng số thu khai trực tiếp qua cổng thông tin năm nay đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ; trong đó có những sàn thương mại điện tử lớn như Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple…

Lượng chất thải nhựa từ TMĐT năm 2021 ở Việt Nam là 2,93 triệu tấn

Hơn nữa, 11 tháng của năm 2024, các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử cũng đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Với thành tích ấn tượng, thế nhưng thực tế, Việt Nam lại đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ chất thải nhựa. Nhiều bằng chứng cho thấy thương mại điện tử càng phát triển thì tác động càng xấu tới môi trường, đặc biệt là việc thải bỏ lượng lớn bao bì, rác thải nhựa.

Theo đó, lượng chất thải nhựa năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn, năm 2016 khoảng 2,0 triệu tấn. Theo “Báo cáo tình hình phát sinh chất thải nhựa năm 2022” của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), khối lượng chất thải nhựa những năm sau đó vẫn tiếp tục xu hướng tăng nhanh, từ mức 2,7 triệu tấn năm 2018 lên 2,93 triệu tấn năm 2021. Trong đó, túi ni lông chiếm tỷ trọng từ 45 – 63%, tiếp đến là các loại nhựa dùng một lần dao động từ 12 – 26% trong chất thải nhựa ở các địa phương.

Lượng chất thải nhựa tăng nhanh do sự phát triển nhanh chóng của TMĐT ở lĩnnh vực bán lẻ hàng hoá trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ. Theo WWF Việt Nam, năm 2023 TMĐT ở Việt Nam sử dụng 332 nghìn tấn bao bì, trong đó khối lượng bao bì nhựa các loại là 171 nghìn tấn. Tới năm 2030 khi quy mô thương mại điện tử nước ta đạt gần 100 tỷ USD nếu không có các giải pháp mạnh mẽ về đóng gói hàng hoá thì khi đó lượng rác thải nhựa từ lĩnh vực này sẽ lên tới 800 nghìn tấn.

Mặc dù số lượng chất thải nhựa, bao bì,… cao, song tỷ lệ thu gom, tái chất, tái sử dụng còn thấp.

Trước thực trạng này, theo khảo sát, 79% khách hàng trực tuyến cho rằng Nhà nước cần nhanh chóng ban hành và phổ biến chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử. Bên cạnh giải pháp đó, có khoảng 71% khách hàng trực tuyến cũng đề xuất giải pháp các doanh nghiệp và thương nhân bán hàng trực tuyến phải công bố các lựa chọn thân thiện môi trường để khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định. Mặt khác, người tiêu dùng cũng gợi ý sự cần thiết của các hình thức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người mua sắm trực tuyến.

https://congthuong.vn/80-nguoi-tieu-dung-truc-tuyen-danh-gia-thuong-mai-dien-tu-gay-ra-tac-dong-xau-toi-moi-truong-363571.html