VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá thực phẩm “nhảy múa”, người tiêu dùng giật mình, tiểu thương lo lắng

Giá thực phẩm “nhảy múa”, người tiêu dùng giật mình, tiểu thương lo lắng

14:43 - 06/01/2025

Còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, nhưng thời điểm hiện tại, tại các chợ truyền thống lẫn “chợ mạng”, không khí mua sắm đang rất sôi nổi. Đáng nói là hàng loạt thực phẩm, trong đó có thịt heo, cá, thịt bò đã tăng từ 10 – 20 nghìn đồng/kg, tương đương từ 10 – 20% so với tuần trước.

Mới đây, theo nguồn tin Báo điện tử VTC News, tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội, giá của một số mặt hàng đang có xu hướng tăng.

Cụ thể, tại chợ Ngã tư Sở (Đống Đa), chợ Xanh (Cầu Giấy), chợ Tứ Hiệp, chợ Yên Xá (Thanh Trì) giá các loại như: cải chíp tăng 10.000 đồng/kg, lên 25.000 đồng/kg; su hào tăng 2.000 đồng/củ, lên 7.000 đồng/củ; cà chua tăng 5.000/kg, lên 20.000 đồng/kg; khoai tây tăng 2.000 đồng/kg, lên 22.000 đồng/kg; bắp cải tăng 3.000 đồng/kg, lên 16.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá các loại nguyên liệu làm bánh như bột mì, dầu ăn, đỗ xanh, lạc… tăng 5-10%; giá thịt lợn, gà, cá và hải sản cũng tăng từ 10 – 20%.

Không chỉ thế, nhà cung cấp các mặt hàng dầu ăn, bột mỳ, đậu xanh, lạc, đậu tương đã tăng giá từ 5- 10%. Riêng dầu ăn đã tăng từ 175.000 đồng/ can 5 lít, lên 200.000 đồng/can so với tháng trước.

Bên cạnh các mặt hàng khô, thịt gà, thịt bò và hải sản tăng giá đáng kể. Theo đó, gà ta nguyên con tại các chợ Yên Xá, chợ Ngã Tư Sở, chợ Xanh có giá 140.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tháng trước.

Giá của một số mặt hàng tại chợ truyền thống có xu hướng tăng.

Các loại thịt bò tăng 10.000 – 20.000 nghìn đồng/kg tùy loại, lên từ 260.000- 290.000 đồng/kg. Thịt heo các loại tăng từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, giá thịt ba chỉ đang được bán ở mức 150.000/kg, thịt nạc vai có giá 125.000 đồng/kg; thịt đùi heo có giá 115.000 đồng/kg.

Các tiểu thương tại chợ cũng cho biết, những ngày gần đây, chi phí vận chuyển tăng, các nhà buôn phải trả chi phí cao hơn các tháng trước, vì vậy giá bán tới người tiêu dùng cũng leo thang.

Thực tế, mỗi dịp “tết đến xuân về”, giá hàng hoá thường có xu hướng tăng do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Tuy nhiên, trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình kinh tế – chính trị và lạm phát trên thế giới, xem xét tác động của chúng đến Việt Nam để có biện pháp ứng phó phù hợp. Đồng thời, cần cập nhật thông tin về cung cầu và giá cả thị trường trong nước, nhằm kịp thời đề xuất các biện pháp quản lý, điều hành và ổn định giá cả, đặc biệt là trong và sau dịp Tết, để tránh xảy ra biến động bất thường ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – xã hội. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc tăng cường công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cũng như kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, quyết toán thuế và công tác hoàn thuế.

Về tình trạng giá cả hàng hoá đang tăng tại một số chợ ở Hà Nội, chia sẻ với Báo điện tử VTC News, Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết ngành Công Thương và các doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Cụ thể, Hà Nội đã dự trữ 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt heo, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng, 331.500 tấn rau củ, 16.560 tấn thủy sản, 16.560 tấn thực phẩm chế biến, 238.500 tấn trái cây và 1.575 tấn bánh mứt kẹo.

Mặt khác, để tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng Thủ đô mua sắm, hàng hóa Tết sẽ được cung cấp tại 30 trung tâm thương mại, 131 siêu thị, 455 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện lợi, 110 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa.

Sở Công Thương cũng sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều sự kiện, hội chợ và tuần hàng giới thiệu sản phẩm, cũng như các chợ hoa xuân để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp và khu chế xuất.

Bộ Công Thương yêu cầu các tỉnh, thành phố, đơn vị thuộc Bộ và các doanh nghiệp lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, và phương án cung ứng hàng hóa, nhằm xử lý kịp thời các biến động bất thường trên thị trường. Đồng thời, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường và cung cầu các mặt hàng thiết yếu, để đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc gián đoạn nguồn cung, gây tăng giá đột biến.

https://cafef.vn/gia-thuc-pham-nhay-mua-nguoi-tieu-dung-giat-minh-tieu-thuong-lo-lang-188250104221327199.chn