VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Trung Quốc báo cáo tăng trưởng 5% sau khi tung kích thích

Trung Quốc báo cáo tăng trưởng 5% sau khi tung kích thích

14:19 - 17/01/2025

Bắc Kinh nói rằng nền kinh tế tăng trưởng 5% trong năm ngoái, nhưng một loạt các tín hiệu khác gây ra sự hoài nghi.

Trung Quốc cho biết nền kinh tế đã tăng trưởng 5% trong năm ngoái, đạt mục tiêu tăng trưởng chính thức trong một năm khó khăn khiến Bắc Kinh phải tung ra những biện pháp kích thích mạnh mẽ nhất trong nhiều năm.

Cục Thống kê Quốc gia cho biết GDP được thúc đẩy bởi đầu tư và xuất khẩu tăng trưởng tốt, bù đắp cho tiêu dùng yếu hơn, thể hiện sự không đồng đều trong tăng trưởng.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế bên ngoài nhận xét rằng số liệu tổng quát mạnh mẽ trái ngược với nhiều điểm dữ liệu khác cho thấy bức tranh sức khỏe kinh tế yếu hơn, bao gồm lạm phát giá tiêu dùng, doanh thu thuế và chi tiêu trực tuyến thấp. Nền kinh tế vẫn sa lầy trong suy thoái bất động sản và đang vật lộn với tình trạng giảm phát giá sản xuất.

Bắc Kinh phải đối mặt với một rủi ro khác trong năm nay khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cam kết áp dụng quan nghiêm ngặt hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc – điều sẽ kìm hãm hoạt động xuất khẩu đang bùng nổ cũng như tăng trưởng chung của Trung Quốc.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 60%, một điểm chính của chương trình chính sách thương mại tập trung vào định hình lại quan hệ thương mại của Mỹ với cả các đối thủ và đồng minh.

Tổng thống đắc cử – sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 – nói về thuế quan như một giải pháp cho nhiều vấn đề và đã nói với các nhà lập pháp đảng Cộng hòa rằng ông sẽ không chờ Quốc hội và sẽ bắt đầu thực hiện chương trình chính sách thương mại của mình ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức.

Doanh số bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc năm 2024 gần như không tăng trưởng. Ảnh: Cfoto/DDP/Zuma Press.

Doanh số bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc năm 2024 gần như không tăng trưởng. Ảnh: Cfoto/DDP/Zuma Press.

Sự khác biệt giữa số liệu GDP cả năm vừa công bố và những dữ liệu trước đó có thể được giải thích thông qua sự gia tăng đáng kể của hoạt động kinh tế về cuối năm, sau khi chính quyền Trung Quốc tung ra một loạt các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa hồi cuối tháng 9 và tháng 10.

Dữ liệu ngày 17/1 cho thấy tăng trưởng quý IV tăng tốc lên 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhà kinh tế vẫn hoài nghi về độ bền vững của tăng trưởng như vậy.

Những người khác đi xa hơn, lập luận rằng các con số không phù hợp với nhau, cho thấy nỗ lực làm đẹp một cách giả tạo số liệu tổng quát để đạt mục tiêu chính trị. Những nhà kinh tế bên ngoài này nhắc đến các báo cáo chính thức của chính quyền Trung Quốc cho thấy doanh thu thuế, tín dụng ngân hàng, doanh thu bán lẻ và những dữ liệu khác yếu hơn.

“Con số tăng trưởng này vượt quá giới hạn tin được và sẽ không giúp xây dựng niềm tin hoặc thay đổi bức tranh về một nền kinh tế đang trên bờ vực”, theo Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại và kinh tế tại Đại học Cornell và cựu giám đốc bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

“Một bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế được cung cấp thông qua thị trường chứng khoán lao dốc, tình trạng hỗn loạn liên tục trong lĩnh vực bất động sản, đồng tiền mất giá và dòng vốn chảy ra. Những chỉ số này khó có thể nhất quán với một nền kinh tế đạt được chính xác mục tiêu tăng trưởng”.

Dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc từ lâu đã bị đặt câu hỏi về độ tin cậy, bao gồm cả lo ngại rằng dữ liệu chính thức đôi khi đánh giá thấp kết quả thật sự. Các câu hỏi đó nổi lên trong những năm sau đại dịch khi các vấn đề của nền kinh tế trầm trọng hơn và các dữ liệu kinh doanh, tài chính và kinh tế biến mất hoặc không thể truy cập được.

Ít ai nghi ngờ kinh tế Trung Quốc có những điểm mạnh đáng kể: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng nhanh khi Bắc Kinh chỉ đạo đầu tư vào các nhà máy. Xuất khẩu đang bùng nổ, được hỗ trợ bởi giá bán thấp, tỷ giá hối đoái yếu và chuyên môn vượt trội của Trung Quốc về những sản phẩm mới như xe điện.

Nhưng các chỉ số khác lại mâu thuẫn với những điểm mạnh đó. Bất động sản từng chiếm tới 1/4 sản lượng kinh tế hàng năm của Trung Quốc, nhưng sự suy thoái sâu và trong thời gian dài khiến lĩnh vực này thành lực cản với tăng trưởng chung. Dữ liệu chính thức về niềm tin của người tiêu dùng đang trong tình trạng trì trệ. Tăng trưởng thu nhập và chi tiêu yếu hơn so với trước đây. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang giảm.

Doanh thu bán lẻ năm 2024 của Trung Quốc tăng 3,5%. Ảnh: AFP/Getty Images.

Doanh thu bán lẻ năm 2024 của Trung Quốc tăng 3,5%. Ảnh: AFP/Getty Images.

Một số nhà phân tích cho rằng các chỉ số khác – chẳng hạn như doanh thu thuế, doanh số bán hàng tại các cửa hàng trực tuyến lớn, hoạt động xây dựng, tín dụng ngân hàng và tăng trưởng danh nghĩa không điều chỉnh theo giá cả – báo hiệu nền kinh tế Trung Quốc yếu hơn nhiều so với dữ liệu tổng quát.

Giá sản xuất đã giảm trong hơn 2 năm và giá tiêu dùng chỉ tăng 0,1% vào tháng 12. Doanh số bán hàng tại các sàn giao dịch trực tuyến Taobao và Tmall năm 2024 chỉ cao hơn 0,2% so với năm 2023, theo nhà cung cấp dữ liệu CEIC.

Tăng trưởng tín dụng ngân hàng chậm lại còn 7,6% theo năm vào tháng 12, từ mức 11% một năm trước. Doanh thu thuế của chính phủ trong 11 tháng thấp hơn 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Sản xuất xi măng giảm tất cả các tháng trong năm 2024. Nếu không điều chỉnh lạm phát, tăng trưởng trong 3 quý đầu năm 2024 đạt khoảng 4% theo năm, từ mức hơn 7% trước đại dịch, theo cơ quan thống kê chính thức của Trung Quốc.

23% doanh nghiệp niêm yết top đầu báo lỗ ròng trong quý III và hơn một nửa báo lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước, theo một phân tích của Wall Street Journal.

Rhodium Group, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại New York, đã sử dụng những dữ liệu trên và các dữ liệu khác để đưa ra ước tính riêng của mình về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2024. Rhodium đưa ra con số khoảng 2,8%, cao hơn so với ước tính 2,4% năm 2023, nhưng thấp hơn nhiều so với con số chính thức mà cơ quan thống kê công bố ngày 17/1.

“Có một khoảng cách lớn giữa câu chuyện và thực tế kinh tế của họ”, theo Logan Wright, giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc của Rhodium.

Ông Wright cũng chỉ ra thực tế là trong năm qua, chính quyền Trung Quốc đã giảm lãi suất, triển khai hỗ trợ tài chính cho thị trường chứng khoán và các chính quyền địa phương, đồng thời báo hiệu sẽ phát hành trái phiếu chính phủ đáng kể trong năm 2025. Ông cho biết những động thái như vậy không cần thiết nếu nền kinh tế chỉ chậm lại một chút so với tốc độ chính thức 5,2% của năm 2023.

Dữ liệu công bố ngày 17/1 cho thấy sản lượng công nghiệp tăng 5,8% năm 2024, vượt xa mức tăng 3,5% của doanh thu bán lẻ. Đầu tư tăng 3,2% trong năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 3,0% của năm 2023.

Những chỉ số như hoạt động xây dựng báo hiệu kinh tế Trung Quốc yếu hơn nhiều so với dữ liệu tăng trưởng chung, các nhà phân tích nhận xét. Ảnh: Na Bian/Bloomberg News.

Những chỉ số như hoạt động xây dựng báo hiệu kinh tế Trung Quốc yếu hơn nhiều so với dữ liệu tăng trưởng chung, các nhà phân tích nhận xét. Ảnh: Na Bian/Bloomberg News.

Từ lâu đã có những lo ngại, ngay cả ở trong nước, về việc liệu dữ liệu kinh tế chính thức của Trung Quốc có vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh hay không. Lý Khắc Cường – cựu thủ tướng Trung Quốc – từng theo dõi mức tiêu thụ điện, tín dụng ngân hàng và khối lượng hàng hóa đường sắt chuyên chở để đánh giá hoạt động kinh tế, thay vì dữ liệu GDP chính thức, khi điều hành tỉnh Liêu Ninh – theo báo cáo của một nhà ngoại giao Mỹ trong một bản ghi nhớ ngoại giao bị rò rỉ.

Các nhà kinh tế và nhà đầu tư – để tìm cách hiểu chính xác hơn về nền kinh tế Trung Quốc – đã xây dựng các chỉ số đại diện dựa trên những dữ liệu bao gồm xuất khẩu của các đối tác thương mại của Trung Quốc và cường độ ánh sáng ban đêm ở các thành phố lớn.

Những câu hỏi về dữ liệu đã gia tăng kể từ đại dịch. Năm 2022, Trung Quốc đã áp đặt lệnh phong tỏa hà khắc tại các thành phố gồm Thượng Hải và Thâm Quyến, làm gián đoạn sản xuất của các nhà máy, làm tổn hại bán lẻ, nhà hàng và những dịch vụ khác.

Mặc dù chính phủ đã bỏ mục tiêu 5,5% cho năm đó, dữ liệu chính thức vẫn cho thấy tăng trưởng khoảng 3%, mặc dù một số nhà kinh tế bên ngoài ước tính rằng nền kinh tế gần rơi vào suy thoái tuyệt đối trong năm đó. Trong khi đó, đầu tư bất động sản sụp đổ kéo sang năm 2023, nhưng theo dữ liệu chính thức, kinh tế vẫn tăng trưởng 5,2% trong năm đó.

“Có sự không chắc chắn lớn hơn chút về hướng đi của nền kinh tế”, theo Iikka Korhonen, giám đốc Viện Kinh tế mới nổi thuộc ngân hàng trung ương Phần Lan. Ước tính của viện, điều chỉnh lạm phát theo cách khác với cách của cơ quan thống kê Trung Quốc, cho thấy tăng trưởng năm 2024 thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với ước tính chính thức.

Cao Văn Sơn – nhà kinh tế trưởng tại công ty tài chính thuộc sở hữu nhà nước SDIC Securities – đã đặt câu hỏi về độ tin cậy của dữ liệu tăng trưởng gần đây tại một diễn đàn vào tháng 12 do một viện chính sách của Mỹ và một viện chính sách của Trung Quốc đồng tổ chức.

“Chúng tôi không biết con số thực sự về dữ liệu tăng trưởng thực của Trung Quốc”, ông phát biểu tại sự kiện ngày 12/12. “Tôi suy đoán rằng trong 2 đến 3 năm qua, con số [tăng trưởng GDP] thực trung bình có thể vào khoảng 2% mặc dù con số chính thức gần 5%”.

Phát biểu của ông Cao đã khiến Tập Cận Bình nổi giận và ông bị cấm phát biểu công khai trong một thời gian không xác định, dù vẫn giữ được công việc của mình, Wall Street Journal đưa tin.

Nhiều nhà kinh tế nói rằng Trung Quốc đang trải qua sự thay đổi lớn về triển vọng tăng trưởng, khi nền kinh tế phải vật lộn với nhiều vấn đề sâu xa, bao gồm khủng hoảng bất động sản, tài chính chính phủ căng thẳng, lợi nhuận giảm từ đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tài sản khác, và dân số giảm.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại còn khoảng 4,5% trong năm nay và chỉ hơn 3% một chút vào năm 2029.

Theo: https://www.wsj.com/world/china/china-economic-growth-data-reliability-9242e07b