VNReport»Kinh tế»Tài chính»Tiền thưởng Tết 2025 sẽ tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào? Cách quản lý thưởng tết

Tiền thưởng Tết 2025 sẽ tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào? Cách quản lý thưởng tết

16:30 - 17/01/2025

Tết Nguyên đán đang đến gần, cùng với đó là những khoản thưởng Tết hấp dẫn. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, thưởng Tết là nguồn động viên tinh thần to lớn với người lao động. Vậy, tiền thưởng Tết 2025 sẽ được tính thuế như thế nào và làm thế nào để quản lý khoản tiền này một cách hiệu quả?

Thưởng Tết và lương tháng 13 là khoản tiền hoặc các hình thức phúc lợi khác mà người sử dụng lao động (công ty, doanh nghiệp) thưởng cho người lao động vào dịp Tết Nguyên Đán. Đây là một cách để doanh nghiệp ghi nhận những đóng góp của nhân viên trong suốt một năm làm việc và tạo động lực cho nhân viên trong năm tới. Dù là khoản thưởng phát sinh ngoài thu nhập từ tiền lương, tiền công hàng tháng, theo quy định pháp luật, đây vẫn thuộc nhóm thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Tuy nhiên, trong năm 2025 này, sẽ có một chút thay đổi về khoản thưởng tết và lương tháng 13. Theo đó, khoản thưởng Tết và lương tháng thứ 13 năm 2025 sẽ không tính vào quyết toán thuế của năm 2024 mà sẽ được chuyển sang tính vào phần thu nhập của năm 2025.

Quy định này nhằm mục đích giúp người lao động không bị gộp phần thưởng vào thu nhập của năm 2024, tránh được việc phải chịu mức thuế cao hơn do nhảy bậc thuế.

Được biết, theo quy định hiện hành, thuế TNCN từ tiền lương, tiền công được tính theo biểu thuế luỹ tiến từng phần, gồm 7 bậc thuế 5-35%. Trong đó, khoản tiền thưởng Tết và lương tháng 13 cũng thuộc nhóm thu nhập buộc phải tính thuế.

Tuy nhiên, người lao động chỉ phải nộp thuế sau khi trừ các khoản giảm trừ gia cảnh (cá nhân và người phụ thuộc) mà vẫn đạt đến mức phải nộp thuế TNCN.

Và theo thông tư của Bộ Tài chính, thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính theo hai trường hợp chính.

Thưởng Tết là một cách để doanh nghiệp ghi nhận những đóng góp của nhân viên trong suốt một năm làm việc và tạo động lực cho nhân viên trong năm tới.

Vậy thuế TNCN được tính như thế nào?

Trường hợp là người lao động từ 3 tháng trở lên

Được quy định trong điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC về căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Cụ thể được tính theo công thức:

Số thuế TNCN = Thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công x Thuế suất

Trong đó:

Thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công được định nghĩa là khoản thu nhập được xác định bằng thu nhập chịu thuế, bao gồm Các khoản giảm trừ gia cảnh áp dụng theo quy định tại Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14; Các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện; Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Trong khi đó, thuế suất được định nghĩa là thuế TNCN đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công được áp dụng theo Biểu thuế luỹ từng phần quy định tại điều 22 Luật thu nhập thuế cá nhân.

Trường hợp người lao động không ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng dưới 3 tháng

Với trường hợp này, nếu tổng thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên/lần chi trả, thu nhập từ tiền công, tiền lương, hoặc khoản thưởng sẽ bị khấu trừ 10% trước khi trả cho người lao động

Cụ thể công thức khấu trừ như sau:

Thuế thu nhập cá nhân = Thu nhập chịu thuế × 10%

Tuy nhiên, lưu ý đây chỉ là phần thuế TNCN tạm khấu trừ, bởi phần thưởng Tết, lương tháng 13 của năm trước mà người lao động nhận vào tháng 1 của năm tiếp theo sẽ được quyết toán thuế vào năm tiếp theo.

Còn người lao động ký hợp đồng ngắn hạn nếu bị khấu trừ 10% thuế có thể thực hiện thủ tục quyết toán để xin hoàn thuế nếu thu nhập cả năm chưa đến mức chịu thuế.

Nhìn chung, khoản thưởng tết là khoản mà người lao động mong chờ nhất trong năm. Tuy nhiên, cần phải cân đối và có kế hoạch chi tiêu dài hạn khoản thưởng này để tránh tiền thưởng Tết “không cánh mà bay”.

Làm thế nào để chi tiêu hợp lý tiền thưởng Tết?

Thực tế, thưởng Tết không giống như các khoản thu nhập hàng tháng, nó là khoản thu nhập đặc biệt, nên cũng có cách chi tiêu đặc biệt. Thông thường, tháng cuối cùng của năm, chi tiêu sẽ tăng lên do nhu cầu ăn chơi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để tránh tình trạng “cháy túi” sau tết, hãy ưu tiên cắt trước một phần cho tiết kiệm và tái đầu tư, sau đó mới đến phần quà biếu, mừng tuổi người thân và sắm tết.

Nên chia khoản này thành 3 phần, cụ thể:

Đầu tiên là trích một khoản tiết kiệm từ thưởng Tết theo nhu cầu và tỷ lệ phù hợp.

Tiếp theo là đến khoản tiền dành cho việc mua sắm trong gia đình. Khoản này thường gồm cây cảnh, hoa tươi, đồ trang trí nhà cửa, bánh kẹo tiếp khách, đồ ăn, mâm ngũ quả, trang trí bàn thờ trong các ngày ông Công ông Táo, tất niên, 3 ngày Tết và Hóa vàng. Tỷ lệ cho khoản này thường là 30-40% khoản thưởng tết.

Cuối cùng là khoản tiền để mua quà biếu, mừng tuổi. Dành khoảng 20-30% tiền thưởng Tết là phù hợp, tránh tiêu khoản này theo cảm xúc ngẫu hứng.

Hãy chi tiêu thưởng tết một cách hợp lý để có một mùa Tết ấm no, đủ đầy mà ra Tết vẫn dư dả tiền bạc nhé.

https://afamily.vn/tien-thuong-tet-2025-se-tinh-thue-thu-nhap-ca-nhan-nhu-the-nao-20250115161645711.chn