VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, WHO, thuế tối thiểu toàn cầu

Ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, WHO, thuế tối thiểu toàn cầu

14:27 - 23/01/2025

Tổng thống Mỹ cho rằng các thỏa thuận và tổ chức quốc tế này không công bằng với Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành các sắc lệnh hành pháp để rút Mỹ khỏi các thỏa thuận và tổ chức quốc tế mà ông cho là không công bằng.

Một trong số đó là thỏa thuận Paris về khí hậu, được ký vào năm 2015. Mục tiêu theo tuyên bố của thỏa thuận này là giới hạn mức tăng nhiệt độ bề mặt toàn cầu ở 1,5 độ C so với trước Cách mạng Công nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó, lượng phát thải phải bị cắt giảm khoảng 50% vào năm 2030 và về không vào năm 2050.

Đây là lần thứ hai ông Trump rút khỏi thỏa thuận Paris, sau khi làm điều tương tự trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Cựu Tổng thống Joe Biden đã đưa Mỹ trở lại thỏa thuận này ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức vào 20/1/2021.

“Tôi sẽ ngay lập tức rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris không công bằng và thiên vị”, ông nói trước khi ký sắc lệnh vào ngày 20/1. “Mỹ sẽ không phá hoại các ngành công nghiệp của chúng tôi trong khi Trung Quốc gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt”, ông Trump nói.

Trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông Trump từng rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris và dự định rút Mỹ khỏi WHO.

Trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông Trump từng rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris và dự định rút Mỹ khỏi WHO.

Tân Tổng thống cũng cho biết sẽ dừng các khoản trợ cấp cho năng lượng tái tạo và xe điện dưới thời chính quyền Biden, đồng thời nới lỏng các quy định cho phép khai thác dầu và khí đốt đã bị thắt chặt trong 4 năm vừa qua.

Cũng vào ngày đầu nhậm chức, ông Trump đã quyết định rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), “do tổ chức này xử lý sai đại dịch Covid-19 phát sinh từ Vũ Hán, Trung Quốc và các cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu khác”.

Sắc lệnh hành pháp cũng nhắc đến “sự thất bại [của WHO] trong thông qua các cải cách cấp thiết” và việc tổ chức này “không thể chứng minh được sự độc lập với ảnh hưởng chính trị không phù hợp của các quốc gia thành viên WHO”, rõ ràng ám chỉ Trung Quốc.

WHO đã mắc một số sai lầm nghiêm trọng trong đại dịch, như chậm tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, không sớm khuyến nghị hạn chế di chuyển và lời khẳng định Covid-19 không lây truyền qua không khí mà đến năm 2021 tổ chức này mới sửa.

Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã phàn nàn về ảnh hưởng của Trung Quốc lên WHO. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, trong một lá thư gửi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, ông đã cáo buộc tổ chức này “thiếu sự độc lập một cách đáng báo động với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Năm 2020, ông Trump từng thông báo sẽ đưa Mỹ ra khỏi WHO, cáo buộc tổ chức này giúp Bắc Kinh che giấu thông tin về nguồn gốc Covid-19, nhưng kế hoạch đó bị ông Biden hủy bỏ vào năm sau.

Mỹ là nước đóng góp tài chính nhiều nhất cho WHO, với 1,28 tỷ USD trong hai năm 2022 đến 2023, chiếm 15% tổng số tiền đóng góp cho tổ chức này, theo Statista. Trong cùng giai đoạn, Trung Quốc chỉ đóng góp tổng cộng 157 triệu USD. Ngày 20/1, ông Trump cũng chỉ trích WHO vì yêu cầu Mỹ đóng góp “không công bằng” so với các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Mỹ cũng rút khỏi thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) – một sáng kiến vào năm 2021 để đánh thuế suất tối thiểu 15% đối với lợi nhuận của các công ty đa quốc gia. Đồng thời, ông Trump đã yêu cầu Bộ Tài chính chuẩn bị các phương án chống lại những nước đã, hoặc có khả năng, áp thuế không cân xứng đối với doanh nghiệp Mỹ.

Thỏa thuận này đã được ký bởi gần 140 quốc gia, bao gồm Mỹ dưới thời Biden. Khoảng 30 nước đã áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, bao gồm nhiều nước châu Âu. Ở Mỹ, Quốc hội – với sự phản đối của Đảng Cộng hòa – chưa thông qua luật để tuân thủ thỏa thuận này.