VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Tiêu dùng Tết: Kênh phân phối hiện đại “thắng lớn” về sức mua

Tiêu dùng Tết: Kênh phân phối hiện đại “thắng lớn” về sức mua

14:07 - 05/02/2025

Mùa Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của kênh phân phối hiện đại như siêu thị hay trung tâm thương mại.

Mới đây, Sở Công Thương TP.HCM đã báo cáo tổng kết công tác triển khai các giải pháp cân đối cung cầu cho Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 1 – tháng cao điểm Tết – đạt hơn 53.700 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, người dân đã có sự thay đổi trong cơ cấu tiêu dùng Tết, thời điểm mua sắm và xu hướng lựa chọn kênh mua sắm.

Cụ thể, mặt hàng may mặc, thời trang và đồ dùng gia đình tăng 20%, trong khi lương thực và thực phẩm thiết yếu chỉ tăng 6,6%. Doanh thu từ các dịch vụ vui chơi, giải trí và du lịch cũng tăng đáng kể, với doanh thu du lịch tăng 17% và doanh thu ăn uống tăng 27,3%.

Đặc biệt, ghi nhận thực tế cho thấy sức mua sắm Tết tại các kênh phân phối hiện đại tăng từ 15% – 20% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, sức mua tại chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa tăng chậm hơn. Lượng hàng hóa lưu thông qua 3 chợ đầu mối năm nay tăng từ 70% – 80% so với ngày thường, nhưng giảm 10% – 15% so với cùng thời điểm Tết năm 2024. Trong khi đó, sức mua tại kênh phân phối hiện đại đã tăng mạnh, đạt 100% – 120% so với ngày thường, và kênh thương mại điện tử cũng ghi nhận mức tăng trưởng 45% – 50% mỗi năm.

Sức mua sắm Tết tại các kênh phân phối hiện đại tăng từ 15% – 20% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này được phản ánh rõ qua doanh thu mùa tết của các siêu thị, trung tâm thương mại.

Theo đó, siêu thị MM Mega Market cho biết doanh số bán lẻ của siêu thị này mùa Tết vừa qua đã vượt trên 70 tỉ đồng (chỉ tính riêng nhóm khách hộ gia đình, và chưa tính doanh thu 3 ngày trước Tết). Trong đó, nhóm hàng thực phẩm tươi sống vượt 50% so với năm ngoái.

AEON Việt Nam cũng công bố đã ghi nhận nhiều khách hàng, đặc biệt là các gia đình đã có kế hoạch đến vui chơi, mua sắm ngay từ mùng 1, mùng 2 Tết. Khách hàng chủ yếu mua các sản phẩm rau, đồ tươi sống, mì, nước ngọt… Đặc biệt, khu vực các sản phẩm cho trẻ em của hệ thống siêu thị này đã thu hút đông đảo khách hàng tham quan, mua sắm.

Trong khi đó, tại Hà Nội, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng đã mở cửa hoạt động trở lại như BigC, Aeon Mall, Gigamall, Co.opmart, CircleK, Winmart…, hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường. Thế nhưng sức mua của người tiêu dùng chưa cao, chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi…

Cụ thể, siêu thị GO! Thăng Long (Hà Nội) đã mở cửa trở lại từ mùng 2 Tết. Các mặt hàng được ưa chuộng trong những ngày đầu năm mới chủ yếu là rau xanh và thực phẩm. Tuy nhiên, do kỳ nghỉ lễ, lượng khách của siêu thị giảm khoảng 5%. GO! Thăng Long cũng đang chuẩn bị nguồn cung phong phú với giá cả ổn định để phục vụ người tiêu dùng trong dịp rằm tháng Giêng.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Hà Nội, doanh thu bán hàng phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ của các doanh nghiệp thương mại tăng 5% so với Tết 2024. Một số đơn vị phân phối lớn ghi nhận doanh thu bán hàng trực tuyến chiếm khoảng 25% tổng doanh thu, với số lượng đơn đặt hàng tăng trung bình từ 15% – 20% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Trần Thị Phương Lan, cho rằng việc các siêu thị duy trì hoạt động xuyên Tết đã có ảnh hưởng tích cực đến thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân khi các chợ truyền thống tạm nghỉ. Bên cạnh đó, người dân cũng đang dần chuyển sang thói quen mua sắm hợp lý trong dịp Tết, chỉ mua những thứ thực sự cần thiết cho gia đình. Vì vậy, giá cả thị trường Tết tại các địa phương có sự tăng giảm đan xen, không xảy ra tình trạng đột biến hay sốt giá.

https://vneconomy.vn/tieu-dung-tet-kenh-phan-phoi-hien-dai-thang-lon-ve-suc-mua.htm