VNReport»Kinh tế»Tài chính»Năm 2025: Thách thức chống lừa đảo ngân hàng bằng công nghệ

Năm 2025: Thách thức chống lừa đảo ngân hàng bằng công nghệ

15:19 - 06/02/2025

Sự phát triển của công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ cũng đi kèm với những rủi ro về an ninh mạng. Các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, lợi dụng những lỗ hổng trong hệ thống để đánh cắp thông tin cá nhân và thực hiện các giao dịch trái phép.

Mới đây, Ernst & Young (EY) đã công bố báo cáo về tổng quan tài chính Việt Nam. Theo đó, từ năm 2021 đến 2024, lưu thông tiền mặt tại Việt Nam đã giảm mạnh từ 12,11% (tháng 1/2021) xuống còn 9,98% (tháng 4/2024). EY cho biết, để giảm 1% lưu thông tiền mặt, Việt Nam đã mất tới một thập kỷ (2011-2021), trong khi chỉ trong ba năm qua, con số này đã giảm đến 3%.

Mặc dù theo khảo sát của Worldpay cho thấy, vào năm 2023, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán phổ biến nhất tại các điểm bán hàng ở Việt Nam khi ước tính chiếm 38% giá trị giao dịch. Tuy nhiên, so với 85% của năm 2019, tỷ lệ này đã giảm một nửa, thậm chí dự kiến sẽ giảm xuống còn 24% vào năm 2027.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hơn 80% tổ chức tín dụng đã áp dụng công nghệ số tiên tiến để tối ưu hoá quy trình, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm khách hàng. Từ đó, các dịch vụ như mở tài khoản, thanh toán, và chuyển tiền hiện đã được thực hiện hoàn toàn trên kênh số, với nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 90% giao dịch qua nền tảng số.

Không chỉ thế, các ngân hàng đang tích cực nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Nhiều tổ chức tín dụng đã cải thiện hiệu quả hoạt động nhờ chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống dưới 30%.

Các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, lợi dụng những lỗ hổng trong hệ thống để đánh cắp thông tin cá nhân và thực hiện các giao dịch trái phép.

Đáng chú ý, trong 10 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 57,54% về số lượng và 34,54% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giao dịch qua Internet và điện thoại di động cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, trong khi giao dịch qua QR Code tăng mạnh tới 106,91% về số lượng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho biết sau một tháng triển khai xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, số vụ lừa đảo giảm khoảng 50% so với 7 tháng đầu năm 2024.

Tính đến ngày 1/11/2024, có 51 tổ chức tín dụng và 31 trung gian thanh toán đã phối hợp với Bộ Công an để triển khai ứng dụng thẻ căn cước gắn chip. Sau 5 tháng triển khai xác thực sinh trắc học, đã có hơn 63,6 triệu hồ sơ khách hàng được thu thập và đối chiếu thông tin.

Ngành ngân hàng cũng tích cực kết nối với C06 (Bộ Công an) để phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện có 9 tổ chức tín dụng đã hoàn thành kết nối tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng, phục vụ cho việc chi trả, liên kết được hơn 60,3 nghìn tài khoản an sinh xã hội.

Song, dù đã có dấu hiệu tích cực nhưng các ngân hàng lại phải đối mặt với nhiều vấn đề mới. Trong đó, đáng lưu ý nhất là vấn đề bảo vệ dữ liệu hệ thống.

Theo đó, khi chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam VnEconomy, ông Nguyễn Tuấn Khang, Giám đốc phần mềm IBM Đông Nam Á đã nhấn mạnh rằng, khi ngành ngân hàng đẩy mạnh ngân hàng mở (open banking) và chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba, vấn đề bảo mật càng trở nên cấp bách bởi hacker luôn tìm ra những điểm yếu trong sản phẩm mới để phát triển các phương thức tấn công vào hệ thống ngân hàng. Phổ biến nhất là hacker thường nhắm đến thông tin và dữ liệu. Khi họ có được dữ liệu, họ có thể xây dựng kịch bản lừa đảo tiếp theo.

Đồng thời, theo các chuyên gia, hiện nay, nhiều đối tượng lừa đảo đã phát triển các ứng dụng giả mạo để người dùng cài đặt. Tội phạm công nghệ sử dụng virus để chiếm đoạt thiết bị của người dùng. Khi người dùng cài đặt ứng dụng giả, tội phạm có thể xóa ứng dụng ngân hàng thật và thay thế bằng ứng dụng đã bị điều chỉnh theo ý họ. Họ có thể sử dụng công nghệ deepfake để lừa hệ thống sinh trắc học và chiếm đoạt tiền.

Chính vì thế, năm 2025, phần lớn các ngân hàng cho biết sẽ dốc hầu bao đầu tư mạnh vào các giải pháp công nghệ để chống lừa đảo, bảo vệ dữ liệu và người dùng trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ…

https://vneconomy.vn/nam-2025-thach-thuc-chong-lua-dao-ngan-hang-bang-cong-nghe.htm