VNReport»Xe»Thị trường»Các hãng xe điện Trung Quốc đối mặt với thực tế khắc nghiệt ở Đông Nam Á

Các hãng xe điện Trung Quốc đối mặt với thực tế khắc nghiệt ở Đông Nam Á

11:57 - 07/03/2025

Xe điện Trung Quốc gặp những thách thức ở Đông Nam Á, bao gồm tăng trưởng chậm của xe điện nói chung và sự cạnh tranh từ các đối thủ nội địa như VinFast.

Vào một buổi sáng thứ Năm gần đây tại Hà Nội, gã khổng lồ xe điện Trung Quốc BYD bắt đầu ngày mới với một showroom không có khách hàng. Chỉ cách đó vài kilomet, một đại lý của VinFast ồn ào với nhiều khách hàng tiềm năng xem xét các mẫu xe mới.

“Chúng tôi thấy trung bình 20 khách hàng mỗi ngày trong tuần”, theo Trần Trung Hiếu, một nhân viên bán hàng của VinFast. “Con số đó có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba vào cuối tuần”.

Nhân viên hỗ trợ khách hàng tại một showroom VinFast ở Hà Nội. Ảnh: Linh Pham/Bloomberg.

Nhân viên hỗ trợ khách hàng tại một showroom VinFast ở Hà Nội. Ảnh: Linh Pham/Bloomberg.

Sự thâm nhập của BYD vào Việt Nam, nơi dân số trẻ đang háo hức mua xe điện và xe hybrid, cho thấy cả những cơ hội và thách thức mà các công ty Trung Quốc phải đối mặt khi họ tìm cách phát triển ở Đông Nam Á.

Với hàng trăm triệu người tiêu dùng có tiền, đây là điểm đến hiển nhiên cho các hãng ô tô Trung Quốc, khi mà họ bị ngăn vào Mỹ và gặp bất lợi về khả năng cạnh tranh ở châu Âu do thuế quan.

Nhưng những thành quả ban đầu đã nhường chỗ cho một số sự thật khắc nghiệt.

Dù người dân Đông Nam Á đang giàu lên và muốn sở hữu xe điện, nhưng xe ô tô vẫn là thứ nằm ngoài khả năng chi trả của nhiều người. Nguồn điện có thể không được đảm bảo chắc chắn và hạ tầng sạc ở nhiều nơi vẫn còn lỗ hổng. Ở một số nước như Việt Nam, người tiêu dùng ưa chuộng những thương hiệu quen thuộc hơn.

Công nhân lắp ráp một chiếc xe điện BYD Dolphin tại nhà máy ở tỉnh Rayong, Thái Lan. Ảnh: Valeria Mongelli/Bloomberg.

Công nhân lắp ráp một chiếc xe điện BYD Dolphin tại nhà máy ở tỉnh Rayong, Thái Lan. Ảnh: Valeria Mongelli/Bloomberg.

Đông Nam Á – với khoảng 5 triệu ô tô trên đường so với khoảng 250 triệu xe máy – là một thị trường phức tạp hơn nhiều so với Trung Quốc, theo Ron Zheng, đối tác tại công ty tư vấn toàn cầu Roland Berger GmbH. Để thâm nhập vào khu vực này, các hãng Trung Quốc sẽ cần phải điều chỉnh theo những nền văn hóa, ngôn ngữ và hệ thống quy định khác nhau.

“Không nghi ngờ gì, xe điện thông minh cuối cùng sẽ thay thế ô tô động cơ đốt trong truyền thống”, ông Zheng nói. Nhưng Trung Quốc đã mất khoảng 5 năm với các ưu đãi từ chính phủ trước khi người tiêu dùng bắt đầu tự nguyện chuyển đổi và “bạn cũng có thể tham khảo mốc thời gian đó đối với Đông Nam Á”.

Hầu hết người tiêu dùng trong khu vực dễ tiếp nhận các thương hiệu nước ngoài – như Toyota trong quá khứ. Mặc dù sức ảnh hưởng của họ đã suy yếu, các hãng Nhật Bản – cũng bao gồm Nissan và Honda – vẫn chiếm khoảng 68% doanh số bán xe du lịch tại Đông Nam Á vào năm 2023. Theo dự báo của Roland Berger, thị phần của các thương hiệu Trung Quốc sẽ tăng lên khoảng 13% vào năm 2030, từ mức 6% vào năm 2023.

Tuy nhiên, xét theo từng quốc gia, dữ liệu cho thấy đây sẽ là một chặng đường dài.

Ví dụ, các hãng xe điện chỉ bán được 43.188 xe tại Indonesia vào năm ngoái, tương đương một phần nhỏ trong tổng số khoảng 860.000 xe du lịch được bán ra, theo hiệp hội ngành Gaikindo. Ở mức đó, mục tiêu của chính phủ đạt 2 triệu xe điện lưu thông trên đường vào năm 2030 khó có thể đạt được.

“Có thể người giàu biết nhiều hơn về xe điện, nhưng người bình thường thì không”, theo Hairayani, một giáo viên trường học ở Jakarta. “Thêm vào đó, còn có yếu tố giá cả và sự phiền phức khi tìm trạm sạc”. Hairayani cho biết ông không có kế hoạch bỏ chiếc xe chạy bằng xăng của mình trong thời gian tới.

Một đại lý SAIC-GM Wuling ở Jakarta, Chỉ có 43.188 xe điện được bán ra ở Indonesia năm ngoái. Ảnh: Dimas Ardian/Bloomberg.

Một đại lý SAIC-GM Wuling ở Jakarta, Chỉ có 43.188 xe điện được bán ra ở Indonesia năm ngoái. Ảnh: Dimas Ardian/Bloomberg.

Ở Thái Lan, nơi người mua được hưởng trợ cấp 100.000 baht (3.000 USD) từ chính phủ cho mỗi xe điện, doanh số xe điện đã giảm 9,3% xuống còn 66.732 chiếc vào năm 2024, thấp hơn mục tiêu 80.000 xe của Hiệp hội xe điện Thái Lan. Thái Lan có mức nợ hộ gia đình cao nhất ở Đông Nam Á và nhiều ngân hàng đã siết chặt phê duyệt cho vay tiêu dùng.

Tình hình không cải thiện trong tháng 1, khi doanh số bán xe điện chạy bằng pin giảm gần 8%, theo dữ liệu của Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan.

Tình hình của các hãng xe điện Trung Quốc thậm chí còn khó hơn ở những nơi có thương hiệu trong nước, như Việt Nam.

VinFast, với mạng lưới trạm sạc độc quyền đang mở rộng và một mẫu xe điện mini giá rẻ khoảng 300 triệu đồng, có doanh số vượt trội các đối thủ Trung Quốc. Trong số gần 91.500 xe điện được bán ra tại đây vào năm ngoái, hơn 87.000 là VinFast. Một phần nhiều trong số đó là cho các bên liên quan đến VinFast, đặc biệt là dịch vụ taxi công nghệ lớn nhất cả nước – Xanh SM – mà nhà sáng lập VinFast Phạm Nhật Vượng sở hữu 95%.

Một tài xế taxi chuẩn bị sạc xe điện VinFast VF e34 bên ngoài một showroom của công ty ở Hà Nội. Ảnh: Linh Pham/Bloomberg.

Một tài xế taxi chuẩn bị sạc xe điện VinFast VF e34 bên ngoài một showroom của công ty ở Hà Nội. Ảnh: Linh Pham/Bloomberg.

Gần 70% trong số khoảng 1.100 người Việt Nam sống tại các thành phố lớn được KPMG khảo sát vào tháng 7 cho biết họ có xu hướng chuyển sang xe điện hoặc xe hybrid. Điều này tạo cơ hội cho BYD và các hãng Trung Quốc khác củng cố chỗ đứng của mình.

BYD đã tung ra một số mẫu xe tại Việt Nam, với mức giá dao động từ 659 triệu đồng đến 1,36 tỷ đồng. Nhưng cần phải có nỗ lực mới giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng.

Thịnh Hạnh – cư dân Hà Nội 41 tuổi – đã đến một showroom VinFast để xem mẫu VF 6. “Sở hữu một chiếc xe điện Trung Quốc tại Việt Nam là không thực tế”, anh cho biết. “Thiếu các trạm sạc phù hợp với ô tô Trung Quốc”. Anh đã lái chiếc VF 9 từ năm 2023 và thích mức độ cá nhân hóa cao của nó.

Ngoài ra, vẫn còn tâm lỳ e dè mua hàng Trung Quốc do căng thẳng lịch sử giữa hai nước. “Mọi người hơi lo lắng vì đây là một thương hiệu Trung Quốc”, theo Đông Hải, một nhân viên bán hàng tại showroom của Chery tại Hà Nội. Chery hiện chưa bán xe điện nào tại Việt Nam nhưng dự định một mẫu trong quý II, anh cho biết.

Cho đến khi người tiêu dùng bớt e dè và xe điện được chấp nhận rộng rãi hơn, các công ty Trung Quốc đang làm nhiều cách để tăng nhận thức.

Công ty con GAC Aion của Guangzhou Automobile Group đã đặt chỗ quảng cáo trên các tấm biển lớn chào đón du khách đến Bangkok từ Sân bay quốc tế Suvarnabhumi. BYD gần đây đã mở một showroom có kích thước bằng sân bóng đá ở trung tâm Jakarta.

GAC Aion trưng bày xe tại một trung tâm mua sắm ở Bangkok. Ảnh: Lauren DeCicca/Getty Images.

GAC Aion trưng bày xe tại một trung tâm mua sắm ở Bangkok. Ảnh: Lauren DeCicca/Getty Images.

Các hãng ô tô Trung Quốc cũng đang xây dựng những cơ sở sản xuất trên khắp khu vực, như nhà máy trị giá 1,3 tỷ USD của BYD tại Indonesia dự kiến ​​đi vào hoạt động từ tháng 1 năm sau. Chery dự định xây một nhà máy xe điện tại Rayong, Thái Lan, dự kiến ​​sẽ bắt đầu sản xuất trong năm nay với sản lượng hàng năm 50.000 xe.

Đông Nam Á sẽ mang đến “sự hỗn loạn ngắn hạn” cho các hãng xe điện Trung Quốc, ông Zheng của Roland Berger cho biết. “Khu vực này sẽ đặt ra một thách thức khá lớn về hoạt động thực tế, bao gồm logistics và sản xuất hàng loạt”

Theo: https://www.bloomberg.com/news/articles/2025-03-02/china-s-ev-makers-are-facing-a-reality-check-in-southeast-asia