VNReport»Top»11 mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới

11 mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới

17:02 - 02/06/2021

Brazil có 5 trong số 11 mỏ quặng sắt có trữ lượng lớn nhất thế giới. Các mỏ còn lại nằm ở Úc và châu Phi.

Quặng sắt là một trong những nguyên liệu quan trọng nhất với nền kinh tế toàn cầu. Nó là thành phần chủ yếu của thép, một trong những mặt hàng phổ biến nhất thế giới. Từ đầu năm, giá quặng thép đã tăng cao do nhu cầu tăng khi các nền kinh tế lớn bắt đầu phục hồi.

Sau đây là những mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới, sắp xếp theo tổng trữ lượng đã được xác minh và có thể có.

1. Carajas, Brazil (7,27 tỷ tấn)

Mỏ Carajas, thuộc sở hữu của doanh nghiệp khai thác mỏ Vale của Brazil, nằm ở bang Para, miền Bắc nước này. Đây là mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới với trữ lượng 7,27 tỷ tấn đã được xác minh và có thể có.

Carajas là một mỏ khai thác lộ thiên, chứa khoảng 4,84 tỷ tấn quặng sắt (loại hàm lượng sắt 66,7%) với trữ lượng đã được xác minh và 2,43 tỷ tấn quặng sắt (loại 66,6%) với trữ lượng có thể có. Mỏ này sản xuất 106,7 triệu tấn quặng sắt vào năm 2012.

Vale đang thực hiện một dự án mở rộng trị giá 19,6 tỷ USD được gọi là dự án Carajás Serra Sul S11D Iron, liên quan đến việc phát triển một mỏ mới có tên Serra Sul trong khu liên hợp khai thác Carajas.

Tuổi thọ khai thác của Carajas được cho là có thể kéo dài đến năm 2065.

2. Samarco Alegria, Brazil (2,97 tỷ tấn)

Mỏ quặng sắt lớn thứ 2 thế giới, Samarco Alegria nằm ở bang Minas Gerais, phía đông nam Brazil. Mỏ chứa 2,97 tỷ tấn quặng sắt với trữ lượng đã được xác minh và có thể có.

Samarco Alegria là một mỏ khai thác lộ thiên hoạt động từ năm 2000. Samarco, một liên doanh 50-50 giữa BHP Billiton và Vale, sở hữu và vận hành mỏ.

Mỏ này ước tính chứa 1,89 tỷ tấn trữ lượng quặng sắt đã được xác minh (loại hàm lượng sắt 40,2%) và 1,08 tỷ tấn quặng sắt có thể có (loại 38,9%). Sản lượng năm 2012 là 21,8 triệu tấn và tuổi thọ của mỏ dự kiến ​​sẽ tiếp tục đến năm 2053.

3. Minas Itabiritos, Brazil (2,78 tỷ tấn)

Địa điểm khai thác Minas Itabiritos của Vale ở bang Minas Gerais, Brazil, là mỏ quặng sắt lớn thứ 3 thế giới. Minas Itabiritos bao gồm 4 mỏ là Segredo, Joao Pereira, Sapecado và Galinheiro. Trữ lượng quặng đã được xác minh và có thể có tại đây là 2,78 tỷ tấn.

Các mỏ lộ thiên Sapecado và Galinheiro đi vào hoạt động từ năm 1948, trong khi các mỏ lộ thiên Segredo và Joao Pereira đi vào hoạt động từ năm 2003. Sản lượng quặng sắt từ Minas Itabiritos trong năm 2012 đạt tổng cộng 31,8 triệu tấn. Tuổi thọ mỏ ước tính của Minas Itabiritos là đến năm 2047.

4. Vargem Grande, Brazil (2,53 tỷ tấn)

Khu mỏ Vargem Grande do Vale điều hành cũng nằm ở bang Minas Gerais, Brazil, chứa 2,53 tỷ tấn trữ lượng quặng sắt đã được xác minh và có thể có. Vargem Grande bao gồm ba mỏ lộ thiên là Tamandua, Capitao do Mato và Aboboras.

Mỏ Capitao do Mato chứa 238,1 triệu tấn trữ lượng quặng sắt đã được xác minh và 960 triệu tấn có thể có, là mỏ lớn nhất trong số bốn mỏ ở Vargem Grande. Aboboras, chứa 924,6 triệu tấn quặng sắt với trữ lượng đã được xác minh và có thể có, là mỏ gần đây nhất sau khi bắt đầu hoạt động vào năm 2003.

Tổng sản lượng quặng sắt từ Vargem Grande trong năm 2012 là 22,6 triệu tấn. Tuổi thọ mỏ của Vargem Grande có thể kéo dài đến năm 2058.

5. Zanaga, Cộng hòa Congo (2,5 tỷ tấn)

Zanaga là một mỏ quặng sắt lộ thiên đang được phát triển ở vùng Lekoumou của Nam Congo, châu Phi. Nó được ước tính chứa 2,5 tỷ tấn quặng sắt (hàm lượng sắt 34%) trữ lượng có thể có.

Dự án Zanaga đang được phát triển theo hai giai đoạn bởi liên doanh của Glencore Xstrata (51%) và Công ty Quặng sắt Zanaga (49%).

Sản lượng trong giai đoạn 1 dự kiến ​​là 14 triệu tấn quặng sắt mỗi năm, bao gồm lên đến 2 triệu tấn quặng chở tàu trực tiếp (loại quặng có thể nạp trực tiếp vào các lò cao sản xuất gang). Giai đoạn 2 sẽ mở rộng công suất sản xuất hàng năm lên 30 triệu tấn mỗi năm. Tuổi thọ mỏ ước tính của Zanaga là 30 năm.

6. Simandou, Guinea (1,84 tỷ tấn)

Mỏ quặng sắt lớn thứ 6 thế giới, Simandou hiện đang được xây dựng ở đông nam Guinea, châu Phi. Theo ước tính, mỏ Simandou chứa 1,84 tỷ tấn quặng sắt (hàm lượng sắt 65,5%).

Công ty Anh-Úc Rio Tinto, với 50,4% cổ phần trong dự án quặng sắt tích hợp Simandou, đang phát triển mỏ với sự hợp tác của Tập đoàn Nhôm Trung Quốc (CHALCO) và tổ chức Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), lần lượt nắm giữ 44,6% và 5% cổ phần trong dự án.

Hoạt động khai thác quặng sắt tại Simandou sẽ bao gồm các mỏ lộ thiên nằm ở Pic de Fon và Oueleba, một tuyến đường sắt và một bến cảng. Dự án đã nhận được hơn 3 tỷ USD đầu tư vào cuối năm 2013 và dự kiến ​​sẽ sản xuất lên đến 95 triệu tấn quặng sắt mỗi năm trong vòng đời dự kiến ​​của mỏ là ít nhất 30 năm.

7. Hamersley, Úc (1,72 tỷ tấn)

Mỏ Hamersley, nằm cách Perth khoảng 1.100 km về phía bắc trong vùng Pilbara của Tây Úc, là nơi tổ chức hoạt động khai thác quặng sắt lớn thứ 7 thế giới. Khu mỏ, bao gồm 10 mỏ lộ thiên thuộc sở hữu hoàn toàn của Rio Tinto, ước tính chứa 1,72 tỷ tấn trữ lượng quặng sắt đã được xác minh và có thể có.

Rio Tinto cũng khai thác 4 mỏ khác là Channar, Eastern Range, Hope Downs-1 và Hope Downs-4 ở khu vực Pilbara theo hình thức hợp tác liên doanh với các công ty khác. Các mỏ thuộc sở hữu hoàn toàn của công ty ở lưu vực sông Hamersley đã sản xuất 133,29 triệu tấn quặng sắt trong năm 2013.

8. Chichester Hub, Úc (1,51 tỷ tấn)

Chichester Hub, cũng nằm ở vùng Pilbara của Tây Úc, cách Port Hedland khoảng 263 km về phía nam, là mỏ quặng sắt lớn thứ 8 trên thế giới, chứa 1,51 tỷ tấn trữ lượng quặng sắt đã được xác minh và có thể có (hàm lượng sắt 57,6%). Mỏ được điều hành bởi nhà sản xuất quặng sắt lớn thứ 4 thế giới Fortescue Metals Group (FMG).

Chichester Hub bao gồm 2 mỏ quặng sắt lộ thiên ở Dãy núi Chichester, được gọi là Cloudbreak và Christmas Creek. Các hoạt động khai thác tại Cloudbreak bắt đầu vào giữa năm 2008, trong khi Christmas Creek, nằm cách Cloudbreak 50km về phía đông, đi vào hoạt động một năm sau đó.

Mỏ Christmas Creek có trữ lượng cao hơn mỏ Cloudbreak và đang sản xuất 50 triệu tấn quặng sắt mỗi năm sau hai lần mở rộng vào năm 2011 và 2012. Tổng sản lượng của Chichester Hub là khoảng 90 triệu tấn mỗi năm.

9. Minas-Rio, Brazil (1,45 tỷ tấn)

Với 1,45 tỷ trữ lượng quặng sắt có thể có (hàm lượng sắt 38,76%), mỏ quặng sắt Minas-Rio do công ty Anglo American của Anh hoàn toàn sở hữu, nằm ở bang Minas Gerais ở đông nam Brazil, là mỏ quặng sắt lớn thứ 9 thế giới.

Minas-Rio sẽ là một mỏ lộ thiên khai thác các mỏ quặng sắt nằm trên dãy núi Serra do Sapo và Itapanhoacanga. Dự án đang được phát triển theo từng giai đoạn với vốn đầu tư ước tính là 8,8 tỷ USD.

Minas-Rio dự kiến ​​sẽ sản xuất lên đến 29,8 triệu tấn quặng sắt mỗi năm trong giai đoạn đầu hoạt động.

10. Karara, Úc (955 triệu tấn)

Mỏ Karara nằm cách Geraldton ở Tây Úc khoảng 220 km về phía đông, chứa 955 triệu tấn quặng sắt (hàm lượng sắt 36,4%) và là mỏ quặng sắt lớn thứ 10 trên thế giới. Mỏ chính thức được khai thác vào tháng 4 năm 2013 và dự kiến sản xuất hơn 30 triệu tấn tinh quặng magnetit mỗi năm trong hơn 30 năm.

Mỏ được phát triển bởi Karara Mining Limited (KML), một liên doanh giữa nhà sản xuất quặng sắt Gindalbie Metals có trụ sở tại Tây Úc, nhà sản xuất thép Trung Quốc Anshan Iron and Steel Group Corporation (Ansteel).

Việc xây dựng mỏ Karara bắt đầu vào cuối năm 2009 và chuyến vận chuyển trực tiếp quặng sắt đầu tiên từ mỏ bắt đầu vào tháng 3/2011. Việc vận chuyển haematit và tinh quặng magnetit từ Karara lần lượt bắt đầu vào tháng 3/2011 và tháng 1/2013.

11. Sishen, Nam Phi (918,9 triệu tấn)

Mỏ Sishen, nằm gần thị trấn Kathu ở tỉnh Northern Cape của Nam Phi, chứa 918,9 triệu tấn quặng sắt đã được xác minh và có thể có (hàm lượng sắt 59,2%), là mỏ quặng sắt lớn thứ 11 thế giới.

Sishen là mỏ lớn nhất trong số ba mỏ do Kumba Iron Ore Limited (Kumba) sở hữu và vận hành tại Nam Phi, trong đó Anglo American nắm giữ 69,7% cổ phần. Hoạt động từ năm 1947, đây cũng là một trong những mỏ lộ thiên lớn nhất thế giới. Trữ lượng quặng đã được xác minh của mỏ là 642,9 triệu tấn (hàm lượng sắt 59,4%).

Khu mỏ này sản xuất 30,9 triệu tấn quặng sắt trong năm 2013. Một số dự án mở rộng bao gồm các dự án Sishen Lower Grade, SEP1B và dự án tập trung Sishen DMS đang trong quá trình triển khai để kéo dài tuổi thọ của mỏ hơn nữa so với ước tính hiện tại là 18 năm.