VNReport»Kinh tế»Lạm phát toàn cầu cao nhất từ năm 2008

Lạm phát toàn cầu cao nhất từ năm 2008

09:52 - 04/06/2021

Giá dầu tăng gợi nhớ ký ức về thập niên 1970, khi những gián đoạn nguồn cung dầu mỏ khiến lạm phát tại các nước phát triển tăng lên mức 2 chữ số.

Giá tiêu dùng đang tăng trên toàn thế giới, đẩy mức lạm phát ở các nước giàu có trong tháng 4 lên mức cao nhất trong 12 năm, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết trong tuần này.

Giá năng lượng tăng đã đẩy lạm phát hàng năm của 36 thành viên OECD lên 3,3% trong tháng 4, tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10/2008. Trước đó, con số này đạt 2,4% trong tháng 3.

Giá năng lượng tăng đẩy lạm phát lên mức 3,3% trong tháng 4 tại các nước thành viên OECD.

Giá năng lượng tăng đẩy lạm phát lên mức 3,3% trong tháng 4 tại các nước thành viên OECD.

Tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết, ngay cả khi loại trừ thực phẩm và năng lượng – thường biến động mạnh hơn – giá trên toàn thế giới đã tăng mạnh ở mức 2,4% trong tháng 4, so với 1,8% trong tháng 3.

Sự gia tăng đột ngột của lạm phát đã khiến các nhà đầu tư bất an, đặc biệt khi tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy đề xuất ngân sách trị giá 6 nghìn tỷ USD mà một số chuyên gia lo ngại có thể đẩy giá lên cao hơn nữa.

“Những lo lắng của thị trường về lạm phát cao và gia tăng bắt nguồn từ rủi ro rằng nhu cầu bị dồn nén, các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ và cam kết giữ lãi suất chính sách của Fed sẽ gây ra tình trạng quá nóng”, Moody’s Analytics cho biết trong một lưu ý với các nhà đầu tư trong tuần này.

Các nhà sản xuất dầu và các mặt hàng khác đã đối phó với sự sụt giảm nhu cầu trong những tháng đầu của đại dịch bằng cách cắt giảm sản lượng của họ. Trong một đợt suy thoái kinh tế thông thường, nhu cầu sẽ phải mất nhiều tháng mới có thể phục hồi trở lại. Nhưng trong thời kỳ đại dịch, các hộ gia đình đã thích nghi với việc làm việc, học tập và giải trí tại nhà bằng cách mua nhiều loại hàng hóa lâu bền, bao gồm thiết bị điện tử và đồ nội thất.

Sự không cân xứng giữa nhu cầu cao bất ngờ và nguồn cung giảm đã dẫn đến tình trạng thiếu nhiều nguyên liệu tại các nhà máy. Khảo sát về các nhà quản lý mua hàng tại các nhà máy trên khắp thế giới được công bố hôm thứ Ba cho thấy sản lượng tăng với tốc độ nhanh nhất trong 11 năm trong tháng 5, nhưng thời gian chờ đợi để nhận nguồn cung cần thiết là lâu nhất trong lịch sử của khảo sát. Các nhà máy báo cáo rằng giá họ trả cho đầu vào tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ, trong khi giá đầu ra tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử.

Nhưng có dấu hiệu cho thấy nguồn cung nguyên liệu đang bắt đầu hồi phục. Các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh của họ, một nhóm được gọi là OPEC+, đã nhất trí hôm thứ Ba về mức tăng sản lượng theo kế hoạch trước đó khoảng 450.000 thùng/ngày, bắt đầu từ tháng tới. Trong khi đó, Saudi Arabia đã đồng ý tiếp tục nới lỏng các đợt cắt giảm riêng lẻ, đơn phương đối với 1 triệu thùng/ngày mà họ đã đưa ra vào đầu năm nay.

Vào tháng 4, nhóm này đã đồng ý tăng sản lượng hơn 2 triệu thùng/ngày vào cuối tháng 7, đưa mức tăng sản lượng cộng dồn trong năm qua lên khoảng 4 triệu thùng/ngày. Đó là một phần đáng kể trong số 9,7 triệu thùng/ngày mà nhóm đã đồng ý cắt giảm vào đầu năm 2020.

Vai trò của dầu trong đợt tăng lạm phát này đã khơi dậy ký ức về những năm 1970, khi những gián đoạn về nguồn cung của mặt hàng chủ chốt này dẫn đến một loạt các đợt tăng giá khác khiến lạm phát tăng lên mức hai con số ở nhiều nước phát triển.

Các nhà kinh tế phần lớn cho rằng nguy cơ lặp lại điều này là rất thấp, do nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi theo nhiều mặt trong nửa thế kỷ qua. Vào những năm 1970, các công đoàn lao động mạnh đảm bảo mức tăng lương phù hợp với lạm phát gia tăng, và các doanh nghiệp sau đó tăng giá để duy trì tỷ suất lợi nhuận của họ, gây ra áp lực tăng lương hơn nữa.

“Nhiều người đang so sánh với những năm 1970, nhưng thế giới rất khác”, Laurence Boone, nhà kinh tế trưởng của OECD cho biết. “Chúng ta cởi mở hơn, chúng ta ít phụ thuộc vào công đoàn và việc tăng lương theo lạm phát hơn, đồng thời nhân khẩu học cũng khác”.