VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Giá điện sẽ có tăng, có giảm

Giá điện sẽ có tăng, có giảm

14:43 - 19/03/2021

Giá điện sẽ được điều chỉnh theo thị trường, có tăng và có giảm, đảm bảo tính đủ các chi phí và lợi nhuận để khuyến khích đầu tư vào ngành điện gắn với phát triển thị trường điện cạnh tranh.

Dự thảo đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đang được Bộ Công thương hoàn tất để trình Chính phủ phê duyệt trong tháng ba này.

Cũng theo dự thảo, cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII có nhiều thay đổi khi nguồn điện giá cao gồm điện khí, năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2030, cơ cấu công suất có sự thay đổi theo hướng giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than từ 34% năm 2020 xuống còn 27% năm 2030, không phát triển thêm nhiệt điện than mới ngoài các nhà máy đang xây dựng và xúc tiến đầu tư. Tuy vậy, sẽ phát triển mạnh các nguồn điện khí, dự kiến chiếm tới 12% tổng công suất đặt năm 2025 và 13% tổng công suất đặt năm 2030. Nguồn điện mặt trời cũng sẽ có tỷ trọng tương ứng là 17% và giảm còn 14%, nguồn điện gió chiếm từ 12-13% tổng công suất.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng đặt ra yêu cầu xây dựng các nhà máy điện có khả năng điều chỉnh linh hoạt, các nguồn pin tích năng, thủy điện tích năng, động cơ đốt trong ICE để đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện có tỷ trọng cao nguồn năng lượng tái tạo, với tỷ trọng khoảng 2% vào năm 2030. Giai đoạn 2031-2045, tỷ trọng nguồn điện than tiếp tục giảm chỉ còn 17%, nguồn điện khí tăng dần lên cao nhất 25% vào năm 2045.

Nguồn thủy điện đang chiếm ưu thế với hơn 30% cũng sẽ giảm dần và các nguồn điện gió, mặt trời sẽ được phát triển mạnh, với tỷ trọng công suất lên tới trên 42% vào năm 2025, đưa tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (gồm cả thủy điện lớn) lên tới 53% cho năm 2045.

Như vậy, cơ cấu nguồn điện than sẽ giảm dần từ 40% năm 2030 xuống còn 30% vào năm 2045, nhiệt điện khí tăng từ 24% lên 28%.

Chương trình phát triển lưới điện cũng được dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra mục tiêu đầy tham vọng gắn với sự phát triển quy mô lớn của các nguồn năng lượng tái tạo nên lưới điện truyền tải liên vùng được thiết kế, gắn với liên kết lưới điện khu vực. Theo đó, lưới truyền tải tính toán dự phòng trung bình là 25%, đảm bảo lưới điện đồng bộ với nguồn khi xuất hiện các cụm nguồn điện lớn, tập trung truyền tải từ Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ra miền Bắc, từ Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đi Nam Bộ và từ Tây Nam Bộ đi Đông Nam Bộ.

Cũng theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, cần sớm xây dựng và vận hành thị trường điện cạnh tranh đầy đủ, điều chỉnh kịp thời giá điện theo giá thị trường, tính đủ các chi phí và lợi nhuận hợp lý để khuyến khích trong đầu tư ngành điện. Sẽ tiếp tục cải tiến và hoàn thiện biểu giá điện theo hướng điều chỉnh giá bán lẻ điện thay đổi theo giá nhiên liệu, tỷ giá, cơ cấu nguồn, giảm bù chéo và bổ sung giá điện hai thành phần công suất và điện năng.

Đại diện của Viện Năng lượng (Bộ Công thương) cho rằng do chi phí cung cấp điện có tính đặc thù, phụ thuộc vào nhu cầu phụ tải, thời gian sử dụng điện, lượng điện năng sử dụng, nên có nhiều phương pháp định giá điện. Với phương pháp định giá điện một thành phần điện năng (kWh) dựa trên lượng điện năng sử dụng không phản ánh được sự thay đổi trong chi phí cung cấp điện. Trong khi đó, với tỷ trọng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo đang tăng cao, đây là thời điểm thích hợp để xem xét nghiên cứu áp dụng biểu giá điện hai thành phần.

Đồng thời cần phải sớm hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, đẩy mạnh việc cạnh tranh giá theo thị trường, kèm theo đó là phát triển thị trường phụ trợ gắn với cơ chế giá hai thành phần để tạo sự khuyến khích cho đầu tư.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên viện trưởng Viện Năng lượng, cho rằng với tỷ trọng năng lượng tái tạo tăng cao trong khi nguồn nhiệt điện than giảm, không những đặt lo ngại cho vận hành ổn định hệ thống mà còn khiến cơ cấu giá thành sản xuất điện tăng cao, rất khó để giải quyết bài toán giá điện và cơ cấu nguồn.

Với các ngành sản xuất công nghiệp tiêu hao năng lượng còn nhiều, giá điện cho đối tượng sinh hoạt tương đối cao, trong khi thu nhập của người dân trong khu vực còn thấp, nên giá thành tăng thời gian tới sẽ là áp lực rất lớn trong điều chỉnh giá bán lẻ điện.

“Khi triển khai Quy hoạch điện V, dự kiến nguồn vốn là một tỷ USD nhưng cũng rất chật vật. Với Quy hoạch điện VIII, nguồn vốn gấp hơn 10 lần, lên tới 13 tỷ USD một năm liệu có khả thi. Khuyến khích tư nhân vào như nguồn điện tái tạo thời gian qua nhưng chủ yếu là những nhà máy nhỏ, rất ít nhà máy lớn hàng nghìn MW. Nếu sau này mở ra cả các nhà đầu tư nước ngoài vào, cũng không thể nào có giá điện rẻ và giá sẽ theo thị trường nhiều hơn” – ông Hiến khuyến cáo.

Giáo sư Viện sĩ Trần Đình Long, chuyên gia ngành điện, cho rằng để đảm bảo tính khả thi triển khai cơ cấu nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VIII, cần được đánh giá kỹ lưỡng hơn về cơ chế giá điện. Bởi phải có cơ chế giá để huy động được thành phần kinh tế khác tham gia, đáng chú ý là kinh tế tư nhân trong và ngoài nước. “Muốn huy động các thành phần kinh tế khác, giá điện là yếu tố quan trọng. Nếu giá thấp quá, nhà đầu tư sẽ không hào hứng tham gia. Nhưng nếu giá điện hấp dẫn với nhà đầu tư lại là gánh nặng lớn cho khách hàng tiêu thụ điện” – ông Long đánh giá.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII tính toán tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển điện lực cho giai đoạn 2021-2030 là khoảng 128,3 tỷ USD, riêng nguồn điện là 95,4 tỷ USD, lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỷ USD, với nguồn và lưới tương ứng là 140,2 tỷ USD và 52,1 tỷ USD.

Dự thảo cũng tính toán chi phí trung bình theo công suất nguồn điện ở các giai đoạn trên sẽ tương ứng là 289 USD/kW/năm và tăng lên 325 USD/kW/năm. Trong đó, riêng phần nguồn sản xuất sẽ có chi phí tương ứng là 8,8 cent/kWh và tăng lên 9,6 cent/kWh, chi phí truyền tải là 11,4 cent/kWh tăng lên 12,3 cent/kWh.

Do đó, dự thảo cũng tính toán giá truyền tải cần tăng từ 84,9 đồng/kWh năm 2020 lên 137,3 đồng/kWh năm 2025 và đạt khoảng 130 đồng/kWh giai đoạn 2026-2030.