VNReport»Top»10 hãng hàng không phá sản vì Covid-19

10 hãng hàng không phá sản vì Covid-19

13:39 - 17/06/2021

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không thế giới do các hạn chế đi lại và nhu cầu giảm sút.

Số khách bay giảm mạnh trong thời kỳ dịch Covid-19 dẫn đến việc nhiều chuyến bay bị hủy hoặc buộc phải bay thiếu khách, làm suy giảm nguyên trọng doanh thu của các hãng hàng không. Đã có hơn 40 hãng buộc phải tuyên bố phá sản. Dưới đây là 10 cái tên đáng chú ý nhất trong danh sách đó.

1. LATAM

LATAM là tập đoàn hàng không lớn nhất châu Mỹ Latinh, có trụ sở tại Santiago, Chile, với các chi nhánh tại Brazil, Colombia, Ecuador, Paraguay và Peru.

Đội bay của LATAM đạt con số 315 máy bay chở hành khách đến 137 điểm đến tại 24 quốc gia và 18 máy bay chở hàng đến 144 điểm đến tại 29 quốc gia, tính đến cuối năm 2017.

LATAM nộp đơn đăng ký phá sản ở Mỹ vào ngày 26/5/2020 do các vấn đề tài chính gây ra bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tính đến tháng 2/2021, doanh nghiệp này vẫn đang trong quá trình thương lượng các điều khoản phá sản.

2. Alitalia

Alitalia là hãng hàng không quốc gia và lớn nhất của Ý, có trụ sở tại Rome.

Alitalia vận hành đội bay gồm 92 máy bay, với số điểm đến là 100. Trạm trung chuyển chính của hãng là sân bay Leonardo da Vinci–Fiumicino ở Rome. Vào năm 2018, Alitalia là hãng hàng không lớn thứ 12 châu Âu.

Vào tháng 4/2020, chính phủ Ý thông báo sẽ tiếp quản toàn bộ công ty vì Alitalia không đủ khả năng tự tồn tại qua cuộc khủng hoảng Covid-19. Đội bay của hãng cũng sẽ bị cắt giảm từ con số 113 máy bay.

3. Avianca

Avianca là hãng hàng không quốc gia của Colombia, với trụ sở tại Bogota. Sau LATAM, Avianca là hãng hàng không lớn thứ 2 ở khu vực Mỹ Latinh.

Trước khi phá sản, Avianca – thành lập năm 1919 – là hãng hàng không còn tồn tại lâu đời thứ 2 thế giới, sau KLM. Đội bay của hãng gồm 87 máy bay, số điểm đến là 114.

Với tổng số nợ 7,3 tỷ USD vào cuối năm 2019, Avianca đã ở trong tình trạng tài chính nguy hiểm trước đại dịch Covid-19. Các biện pháp đóng cửa nghiêm ngặt của chính phủ Colombia khiến hãng không thể hoạt động. Vào ngày 10/5/2020, Avianca đệ đơn phá sản ở Mỹ.

4. Virgin Australia

Virgin Australia là hãng hàng không của Úc. Đây là hãng hàng không lớn nhất tính theo đội bay sử dụng thương hiệu Virgin, bao gồm 63 máy bay. Hãng bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2000.

Số điểm đến của hãng hàng không có trụ sở tại South Bank, bang Queensland là 30 thành phố ở Úc. Những người sáng lập hãng bao gồm tỷ phú Richard Branson, người sáng lập tập đoàn Virgin.

Vào ngày 21/4/2020, Virgin Australia tuyên bố bắt đầu thủ tục phá sản, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các vấn đề về tài chính từ các năm trước. Công ty đã hoàn thành việc tái cấu trúc vào ngày 17/11/2020.

5. Flybe

Flybe là hãng hàng không của Anh có trụ sở tại Exter. Đây là một trong những hàng hàng không khu vực lớn nhất châu Âu. Hãng từng có lúc cung cấp hơn một nửa số chuyến bay nội địa của Anh ngoài London.

Flybe chuyên chở 8 triệu hành khách một năm giữa 56 sân bay tại Anh và châu Âu. Đội bay của hãng bao gồm 63 máy bay.

Vào ngày 5/3/2020, Flybe nộp đơn phá sản và dừng mọi hoạt động. Đã gặp vấn đề tài chính từ trước đại dịch, Flybe tuyên bố Covid-19 làm trầm trọng hơn các khó khăn của hãng.

6. SunExpress

SunExpress là hãng hàng không có trụ sở tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Hãng thành lập vào tháng 10/1989 là một liên doanh giữa Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ và Lufthansa của Đức.

Hãng điều hành các chuyến bay chở khách đến 66 sân bay ở 30 nước châu Âu và Bắc Phi. Đội bay của hãng đạt 58 máy bay.

Vào ngày 23/6/2020, chi nhánh của hãng ở Đức – SunExpress Deutschland – thông báo sẽ dừng mọi hoạt động và tiến hành giải thể.

7. Compass Airlines

Compass Airlines là hãng hàng không khu vực của Mỹ có trụ sở tại Fort Snelling, bang Minnesota. Hãng được thành lập vào tháng 9/2006 và bắt đầu hoạt động tháng 5/2007.

Đội bay của hãng bao gồm 56 máy bay, với số điểm đến là 50. Trong lịch sử 14 năm của mình, hãng đã vận hành trên 1,5 triệu chuyến bay.

Compass ngừng mọi hoạt động vào ngày 5/4/2020, với nguyên nhân được chỉ ra là nhu cầu bay giảm sút do đại dịch Covid-19.

8. Norwegian Air

Norwegian Air là hãng hàng không lớn nhất Na Uy và hãng hàng không giá rẻ lớn thứ 4 ở châu Âu, có trụ sở tại Fornebu.

Đội bay của hãng, bao gồm các công ty con, là 50; số điểm đến là 104. Thị trường chính của hãng là bán đảo Scandinavia. Năm 2016, hãng chuyên chở trên 30 triệu hành khách.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Noregian Air đã nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ Na Uy. Tuy nhiên, vào tháng 11/2020, chính phủ nước này tuyên bố dừng các gói cứu trợ. Hãng đã xin bảo hộ phá sản tại Ireland vào ngày 18/11/2020.

9. Trans States

Trans States là hãng hàng không khu vực của Mỹ có trụ sở tại Bridgeton, bang Missouri, được thành lập năm 1982.

Tại thời điểm đóng cửa, hãng có 45 máy bay, chuyên chở hành khách tới 70 điểm đến, chủ yếu tại miền đông nước Mỹ.

Vào ngày 17/3/2020, CEO của hãng thông báo với các nhân viên rằng hãng sẽ dừng mọi hoạt động vào ngày 1/4/2020. Đáng chú ý, hãng có cùng công ty mẹ với Compass Airlines, một hãng hàng không khác cũng phá sản trong năm ngoái.

10. Thai Airways

Thai Airways là hãng hàng không quốc gia của Thái Lan, được thành lập năm 1961 và có trụ sở tại Bangkok.

Hãng và các công ty con bay đến 101 điểm đến tại 37 quốc gia, với tổng cộng 95 máy bay. Chỉ tính riêng công ty mẹ, Thai Airways có 36 máy bay và 59 điểm đến.

Gặp khó khăn vì Covid-19, chính phủ Thái Lan quyết định đảm bảo khoản vay 50 tỷ baht cho Thai Airways vào tháng 4/2020. Nhưng một tuần sau đó, chính phủ đã thay thế khoản vay đó bằng kế hoạch tái cấu trúc nợ cho hãng ở Tòa án Phá sản Trung ương Thái Lan.