VNReport»Kinh tế»Không rút được tiền, người Lebanon đầu tư vào bia

Không rút được tiền, người Lebanon đầu tư vào bia

09:39 - 18/06/2021

Một số người Lebanon đang chọn đầu tư vào các công ty xuất khẩu bia rượu để thu được USD tiền mặt, khi các ngân hàng không cho phép rút các khoản tiền gửi bằng đồng bạc xanh.

Đối mặt với sự lựa chọn để tiền tiết kiệm của họ bị mắc kẹt trong ngân hàng hoặc đầu tư chúng với khoản lỗ lớn, một số người dân Lebanon đang chọn giải pháp “có một không hai”. Đối với họ, đó là lựa chọn hợp lý duy nhất trong một hệ thống tài chính bị biến dạng bởi khủng hoảng.

Phần lớn tài khoản tiền gửi bằng USD của họ đã bị khóa kể từ cuối năm 2019 khi đồng bảng Lebanon sụp đổ và hệ thống ngân hàng gặp khó khăn khi các cuộc biểu tình chính trị lan rộng. Trong bối cảnh đó, một số người tiết kiệm xem đầu tư vào các công ty tập trung vào xuất khẩu là một cách để tiếp cận đồng tiền mạnh và kiếm được thứ gì đó cho “lollar” của họ, biệt danh cho các khoản tiền gửi bằng USD bị mắc kẹt trong các ngân hàng của Lebanon.

Các nhà xuất khẩu rượu bia, bao gồm các nhà sản xuất bia thủ công và các nhà buôn rượu gin, là một lựa chọn phổ biến.

Kamal Fayad, giám đốc điều hành của 961 Beer, một nhà xuất khẩu bia Lebanon, cho biết: “Nếu bạn đầu tư với tôi bằng đô la bị mắc kẹt ngày hôm nay, tôi sẽ trả lại cho bạn bằng đô la tươi”.

961 beer đang huy động số tiền tương đương hơn 1 triệu USD.

961 beer đang huy động số tiền tương đương hơn 1 triệu USD.

Theo các biện pháp kiểm soát vốn không chính thức, người gửi tiền vẫn có thể viết séc trên tài khoản mệnh giá USD của họ nhưng séc đó không thể được sử dụng ở nước ngoài và nếu được bán tại các sàn giao dịch địa phương, chúng sẽ mất ít nhất 75% giá trị.

Mức chiết khấu cao phản ánh tình trạng khó khăn khi có USD nằm trong các ngân hàng Lebanon. Bị thiếu vốn USD, các ngân hàng hạn chế quyền tiếp cận của khách hàng với tiền của họ và hiện đang thanh toán với tỷ lệ 3.900 bảng Lebanon cho đồng bạc xanh, khoảng 1/4 giá trị trên thị trường chợ đen.

Fayad cho biết ông đang đàm phán với các nhà đầu tư để huy động số tiền tương đương hơn 1 triệu USD, bao gồm từ 3 triệu đến 4 triệu “lollar”. “Các nhà đầu tư thích mạo hiểm với tôi hơn là giữ tiền trong ngân hàng, ít nhất tôi đang làm điều gì đó tốt cho ngành. Hiện tại tôi an toàn hơn với họ so với ngân hàng”, ông nói.

Việc sẵn sàng chấp nhận mất mát tài chính phản ánh sự tuyệt vọng về con đường thoát khỏi khủng hoảng của Lebanon, vốn bị ảnh hưởng bởi đấu đá chính trị nội bộ kết hợp với một vụ nổ kinh hoàng tại cảng ở thủ đô Beirut năm ngoái. Suy thoái kinh tế đã khiến một nửa dân số 6 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói, xóa sổ các khoản tiết kiệm và hủy hoại sức mua của người tiêu dùng.

Các nhà tài trợ quốc tế cho biết họ sẽ chỉ giúp đỡ nếu các cải cách lớn được thực hiện để chống lại nạn tham nhũng lan rộng nhưng sự bế tắc kéo dài gần một năm về việc thành lập một chính phủ mới có nghĩa là Lebanon vẫn còn cách rất xa các khoản hỗ trợ này.

“Đó thực sự là tình trạng siêu thực về chính trị và tài chính”, Toufic Gaspard, một nhà kinh tế từng làm cố vấn tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế và là cố vấn cho một cựu bộ trưởng tài chính. “Nếu một bệnh nhân từ chối dùng bất kỳ loại thuốc nào trong 20 tháng, chúng ta nghĩ điều gì sẽ xảy ra? Tất nhiên sức khỏe của bệnh nhân sẽ xấu đi. Đây chính xác là những gì chúng ta đang chứng kiến ​​ở Lebanon, dự trữ ngày càng cạn kiệt, đồng tiền mất giá nhiều hơn và thiếu hụt nhiều hàng hóa cơ bản hơn”, ông nói.