VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Kiểm soát livestream quảng cáo hàng hóa

Kiểm soát livestream quảng cáo hàng hóa

11:46 - 08/04/2025

Sự bùng nổ của livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội đã mang đến một kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận, hoạt động livestream quảng cáo hàng hóa cũng tiềm ẩn không ít vấn đề về tính minh bạch, chất lượng sản phẩm và thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.

Những ngày gần đây, vụ việc kẹo Kera của Quang Linh Vlogs, Hằng “du mục”, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên và Tập đoàn Chị Em Rọt nhận được nhiều sự chú ý. Nhất là khi Bộ Công thi hành lệnh bắt tạm giam với Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục để điều tra tội Lừa dối khách hàng, theo Điều 193 Bộ luật Hình sự.

Đây cũng là một trong những vụ việc điển hình các nghệ sĩ, KOLs, người nổi tiếng livestream bán hàng kém chất lượng trong thời gian gần đầy, làm nổi bật tình trạng quảng cáo sai sự thật và thổi phồng công dụng sản phẩm.

Trước những diễn biến này, chuyên gia truyền thông Hạ Hồng Việt cảnh báo rằng tình trạng này không chỉ gây thiệt hại tài chính cho người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và niềm tin của công chúng vào các sản phẩm quảng cáo. Sự bùng nổ của sản phẩm kém chất lượng và quảng cáo sai lệch đang tạo ra môi trường kinh doanh thiếu minh bạch, gây khó khăn cho các doanh nghiệp chân chính.

Vụ việc kẹo Kera của Quang Linh Vlogs, Hằng “du mục”, Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên và Tập đoàn Chị Em Rọt nhận được nhiều sự chú ý

Đặc biệt, việc KOLs thiếu trách nhiệm trong việc quảng bá sản phẩm đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Hệ quả là không chỉ các sản phẩm kém chất lượng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, mà ngay cả những thương hiệu uy tín cũng phải đối mặt với sự nghi ngờ từ công chúng. Việc quảng cáo thiếu minh bạch cũng làm giảm hiệu quả truyền thông, vì người tiêu dùng ngày càng hoài nghi về thông tin quảng bá.

Trước thực trạng này, chuyên gia Hạ Hồng Việt nhấn mạnh rằng KOLs cần kiểm chứng chất lượng sản phẩm trước khi quảng bá, nếu không sẽ vô tình tiếp tay cho thông tin sai lệch. Nhiều chuyên gia cũng đồng ý rằng KOLs và nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình, thay vì chỉ chú trọng vào lợi ích tài chính.

Cần Có Giấy Phép Hành Nghề

Theo bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương), cần thiết lập hệ thống quy định và cấp phép cho KOLs và nghệ sĩ hoạt động quảng cáo. Đây là vấn đề quan trọng trong bối cảnh quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng phát triển. Việc cấp phép không chỉ kiểm soát chất lượng quảng cáo mà còn buộc KOLs và nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm với thông tin họ cung cấp.

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và hiệp hội ngành nghề để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết: “Các tổ chức, cá nhân kinh doanh cần công khai việc tài trợ cho KOLs. KOLs phải cung cấp thông tin chính xác và chịu trách nhiệm nếu thông tin không đúng. Họ cũng cần thông báo rõ ràng cho người tiêu dùng về việc họ được tài trợ để quảng bá sản phẩm”.

Ngoài ra, để giảm thiểu tình trạng quảng cáo sai sự thật, áp dụng cơ chế “phong sát” cũng là một giải pháp hiệu quả. Cụ thể, KOLs và nghệ sĩ vi phạm có thể bị tẩy chay và không được hợp tác với các thương hiệu, từ đó tạo sức ép buộc họ phải có trách nhiệm với nội dung quảng cáo. Cơ quan quản lý cần mạnh tay xử lý các vi phạm, từ phạt tiền đến tước giấy phép hành nghề đối với những cá nhân không tuân thủ quy định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, một hệ thống cấp phép và cơ chế giám sát chặt chẽ sẽ nâng cao trách nhiệm của KOLs và nghệ sĩ, tạo ra môi trường quảng cáo lành mạnh và minh bạch. Người tiêu dùng sẽ cảm thấy an tâm hơn khi tin tưởng vào sản phẩm và dịch vụ khi quảng cáo được kiểm soát tốt, đồng thời các thương hiệu uy tín cũng sẽ có cơ hội phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh lành mạnh.

https://www.sggp.org.vn/kiem-soat-livestream-quang-cao-hang-hoa-post789592.html